T2, 06/07/2020 12:37

Đại gia chuỗi cá tra biến mất: Thông qua phương án xử lý nợ

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngày 7/3, Tổ xử lý nợ của UBND tỉnh An Giang đã họp “thông qua phương án xử lý các khoản cho vay thí điểm đối với dự án chuỗi liên kết dọc cá tra Tafishco” (Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Thuận An) và nhận được sự đồng tình cao của 10 hộ nuôi cá.

Tafishco đang hoạt động trong điều kiện không có đại diện đầy đủ theo pháp luật   Ảnh: S.N

Tafishco đang hoạt động trong điều kiện không có đại diện đầy đủ theo pháp luật Ảnh: S.N

Phương án xử lý nợ được đồng tình là bản dự thảo lần thứ 4, với nguyên tắc hàng đầu “bảo đảm quyền lợi của các hộ nuôi cá trong dự án thí điểm chuỗi liên kết”. Những nguyên tắc tiếp theo: giải quyết hài hòa mối quan hệ ba bên: hộ nuôi – Tafishco – Agribank An Giang trên cơ sở chia sẻ và đồng thuận giải quyết khó khăn, ưu tiên giải quyết nợ trong chuỗi trước.

Tách bạch nợ

Danh sách đưa ra có 12 hộ dư nợ với Agribank An Giang, tính đến ngày 28/2/2017 là 129.443 triệu đồng. Trong đó, nợ gốc quá hạn 68.545 triệu đồng. Các món vay bắt đầu chuyển sang nợ xấu từ ngày 17/2/2017. Các hộ này cũng bị Tafishco nợ tiền cá 105.770 triệu đồng.

Tuy nhiên, có 2 hộ không nằm trong chuỗi liên kết được UBND tỉnh phê duyệt. Đó là hộ ông Lê Trần Hữu và bà Nguyễn Thị Lệ (được xác định là người thân của ông bà chủ Tafishco) nợ Agribank An Giang 51.013 triệu và bị Tafishco nợ tiền cá 23.897 triệu đồng. Theo nguyên tắc của phương án, những khoản nợ của 2 hộ này được tách ra, xử lý riêng.

Chỉ còn 10 hộ được Tổ xử lý xem xét, có dư nợ với Agribank An Giang 78.430 triệu đồng, bị Tafishco nợ tiền cá 81.873 triệu đồng. Cụ thể, có 4 hộ dư nợ với Agribank An Giang ít hơn số tiền cá bị Tafishco nợ: 25.766 triệu đồng và 30.972 triệu đồng. Bên cạnh, 6 hộ dư nợ với Agribank An Giang lớn hơn tiền cá bị Tafishco nợ: 52.664 triệu đồng và 50.901 triệu đồng. Tuy nhiên, trong 6 hộ này lại có một hộ bị Tafishco nợ tiền cá trong chuỗi lẫn ngoài chuỗi nên phải xem xét chi tiết.

Ba nhóm nợ

Đối với 4 hộ dư nợ Agribank An Giang ít hơn số tiền cá bị Tafishco nợ là 5.206 triệu đồng (hộ có chênh lệch lớn nhất 1.741 triệu đồng, chênh lệch nhỏ nhất 103 triệu đồng). Những hộ này được cấn trừ nợ với Agribank An Giang bằng khoản tiền cá bị Tafishco nợ; phần tiền chênh lệch còn thiếu thì Tafishco có trách nhiệm trả cho các hộ dân.

Với 6 hộ dư nợ Agribank An Giang lớn hơn số tiền cá bị Tafishco nợ: 5 hộ dư nợ 33.238 triệu đồng, bị nợ 26.848 triệu đồng, chênh lệch 5.390 triệu đồng (hộ có chênh lệch lớn nhất 2.298 triệu đồng, chênh lệch nhỏ nhất 43 triệu đồng). Những hộ này cũng được cấn trừ món nợ tiền cá từ Tafishco sang Agribank An Giang; số tiền còn thiếu Agribank An Giang thì từng hộ phải trả.

Riêng hộ ông Nguyễn Văn Phu, dư nợ Agribank An Giang 20.426 triệu đồng và bị Tafishco nợ tiền cá 24.053 triệu đồng. Nhưng trong số tiền cá bị nợ, chỉ 4.900 triệu đồng trong chuỗi, còn lại 19.153 triệu đồng ngoài chuỗi. Theo nguyên tắc ưu tiên xử lý nợ trong chuỗi trước, nên khoản tiền cá trong chuỗi bị Tafishco nợ được cấn trừ nợ với Agribank An Giang; ông Phu còn nợ ngân hàng 15.526 triệu đồng và bị Tafishco nợ tiền cá ngoài chuỗi 19.153 triệu đồng. Nợ ngoài chuỗi xử lý sau.

Những bước giải quyết

Trước hết, chính thức đối chiếu công nợ giữa 3 bên: hộ nông dân – Tafishco – Agribank An Giang, dự kiến hoàn tất trước ngày 14/3. Sau đó, Tổ xử lý nợ hoàn chỉnh phương án trình UBND tỉnh An Giang vào ngày 20/3 để có công văn kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phê duyệt. Dự kiến, cuối tháng 3 được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phê duyệt, Tổ xử lý sẽ triển khai thực hiện.

Tổ trưởng Tổ xử lý nợ, Giám đốc Sở Công thương Võ Nguyên Nam cho biết có “hai nội dung cốt lõi để xử lý khoản nợ cho vay thí điểm”, phải thực hiện ngay. Đó là cử người đại diện theo pháp luật của Tafishco để nhận nợ và không để nợ vay của 10 hộ chuyển sang nợ xấu.

Hiện nay, danh chính ngôn thuận thì Tafishco chưa có người đại diện theo pháp luật. Bởi vì, trước khi biến mất vào cuối tháng 10/2016, vợ chồng ông bà chủ Tafishco chỉ ủy quyền cho Phó Tổng Giám đốc Hoàng Hữu Thành điều hành trong năm 2016. Nên Tổ xử lý nợ đang kiến nghị UBND tỉnh An Giang “cử hoặc chỉ định người đại diện cho Tafishco để nhận nợ” và có đủ tư cách “phối hợp đối chiếu, truy đòi công nợ của Tafishco để tạo nguồn trả nợ cho các hộ trong chuỗi liên kết và Agribank An Giang theo đúng quy định của pháp luật”.

Việc không chuyển nợ vay của 10 hộ nuôi cá thành nợ xấu, Tổ xử lý nợ kiến nghị Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh An Giang có công văn đề nghị đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Lý do, chuỗi liên kết Tafishco là thí điểm nhưng không thành công, cần có hỗ trợ đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Cụ thể, số tiền cá đã giao và bị Tafishco nợ 57.514 triệu đồng, được cấn trừ giảm nợ cho 10 hộ dân. Khoản tiền này thành nợ của Tafishco với Agribank An Giang, dừng tính lãi từ ngày 19/11/2016 là ngày đại diện Tafishco gửi tờ trình xử lý nợ nần.

Các hộ thực hiện chuỗi liên kết dứt nợ với Agribank An Giang, được trả lại tài sản thế chấp 22.035 triệu đồng để tiếp tục vay tiền, nuôi cá tra bình thường.

>> Tổ xử lý kiến nghị UBND tỉnh An Giang thành lập “Nhóm giám sát xử lý nợ của 10 hộ nuôi trong chuỗi liên kết”, để thực hiện các công việc của phương án; do Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh An Giang làm Nhóm trưởng với thành viên là Giám đốc Agribank An Giang, đại diện Tafishco.

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!