Đầm Hà đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững

Chưa có đánh giá về bài viết

Đầm Hà là xã trung du ven biển nằm ở phía Nam của huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh. Với vị trí địa lý thuận lợi và diện tích vùng biển rộng 3284 ha, những năm qua, xã Đầm Hà đã và đang phát huy tốt lợi thế, tiềm năng tự nhiên sẵn có để phát triển ngành kinh tế biển theo hướng bền vững.

Các mô hình chăn nuôi thủy sản đang đem lại hiệu quả kinh tế cao ở xã Đâm Hà

Vùng biển Đầm Hà được đánh giá là một trong những nơi có trữ lượng tài nguyên sinh vật biển khá đa dạng và phong phú, trong đó có nhiều loại hải sản giá trị kinh tế cao, có điều kiện để phát triển ngành khai thác, chế biến và nuôi trồng thủy sản như: Tôm, mực, cua, ngao sò, hến…

Nhận thức được những thuận lợi đó, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đã tập trung nhiều nguồn lực khai thác và phát huy hiệu quả những tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển, nhất là các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng thủy hải sản gắn với cơ cấu ngành, nghề phong phú và đẩy mạnh xúc tiến đầu tư phát triển du lịch. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế – xã hội với bảo đảm quốc phòng – an ninh và bảo vệ môi trường vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ chủ quyền quốc gia. Đảng bộ, chính quyền xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khai thác toàn diện, hiệu quả tiềm năng sẵn có, đưa kinh tế biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Thời gian qua, nhờ thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển thủy sản, năng lực tàu thuyền tăng nhanh, qua đó sản lượng đánh bắt năm sau cao hơn năm trước. Định hướng có tính chất xuyên suốt trong phát triển nghề cá của Đầm Hà đã huy động tối đa các nguồn lực hỗ trợ ngư dân đóng tàu công suất lớn, cải tiến ngư cụ vươn khơi khai thác xa bờ, đưa xã trở thành vùng trọng điểm về khai thác và nuôi trồng thủy sản của huyện. Hiện tại, trên địa bàn xã có 217 tàu thuyền, trong đó có khoảng 55 tàu công suất lớn trên 40CV vừa đánh bắt thủy hải sản, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Để đạt mục tiêu khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế biển, bên cạnh việc tập trung chỉ đạo thành lập các đội tàu khai thác xa bờ, ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào khai thác, xã còn chú trọng quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản tập trung với tổng diện tích nuôi trồng thủy sản là 168 ha. Trong đó, diện tích nuôi cá nước ngọt là 12ha; diện tích nuôi mặn lợ là 156ha (diện tích nuôi tôm là 55ha, nuôi nhuyễn thể là 20ha) và 15 ô lồng bè nuôi cá song; cá Hồng Mỹ.

Hàng trăm tàu đánh cá công suất lớn nhỏ đang là nguồn thu nhập chính của người dân xã Đầm Hà

Đối với nuôi trồng thuỷ sản mặn lợ, tăng nhanh cả về diện tích, sản lượng và chủng loại sản phẩm, trong đó chủ yếu tập trung nuôi các giống có giá trị kinh tế cao như: tôm thẻ chân trắng, cua, ngao, cá song, cá Hồng Mỹ… riêng năng suất tôm thẻ chân trắng bình quân đạt 10- 15tấn/ha/năm; nuôi nhuyễn thể (ngao, nghêu vạng) phát triển mạnh, nhiều hộ đạt doanh thu hàng tỷ đồng/năm. Trong 3 năm qua, diện tích nuôi trồng thủy sản của xã từ 925,5 ha lên 1661ha, sản lượng thu hoạch đạt 2145,5 tấn. Nhờ phát huy tốt những thế mạnh này, mức thu nhập của người dân trên địa bàn được cải thiện đáng kể. Nhiều hộ phấn đấu trở thành hộ có thu nhập khá và giàu. Đến nay, mức thu nhập bình quân của xã đạt 37,2 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,67%. Đặc biệt trong năm 2017, xã Đầm Hà đã hoàn thành 20/20 tiêu chí về đích chương trình nông thôn mới trước kế hoạch đã đề ra.

Từ người nông dân “chân lấm tay bùn” trên ruộng lúa, bà Đinh Thị Thắm ở thôn Xóm Giáo, xã Đầm Hà nay đã là chủ một cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng có tiếng trong vùng. Với diện tích hơn 1ha đầm sẵn có của gia đình theo chủ trương của huyện, gia đình bà chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Ðược sự hỗ trợ về kiến thức, kỹ thuật qua các lớp đào tạo miễn phí, bà Thắm dần tìm thấy “bí quyết”. Ðến nay, với mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng mỗi năm gia đình bà thu hoạch từ 10 đến 20 tấn tôm; trừ chi phí, lãi khoảng 500 triệu đồng.

Cùng với nâng cao năng lực khai thác đánh bắt hải sản thì hoạt động hậu cần biển và dịch vụ nghề cá được xã quan tâm chú trọng. Theo đó, các cơ sở sửa chữa đóng mới tàu thuyền hàng năm đã duy tu, sửa chữa, đóng mới hàng trăm lượt tàu thuyền đảm bảo an toàn mỗi khi ra khơi vào lộng. Trên địa bàn xã hiện nay, có rất nhiều cơ sở tiểu thủ công nghiệp, sản xuất nước đá và cơ sở tham gia thu mua, chế biến thủy hải sản tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Đảo Đá dựng địa điểm du lichj đầy tiềm năng du lịch của xã Đầm Hà

Bên cạnh đó, xã Đầm  Hà cũng đang tích khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch biển đảo, du lịch văn hóa tâm linh. Với sự đa dạng về văn hóa bao gồm các cụm di tích lịch sử- văn hóa Đình, Miếu, Chùa cùng với nhiều bãi vịnh, hòn đảo đẹp. Xã Đầm Hà đang là một trong những địa phương giàu tiềm năng phát triển du lịch của huyện. Đảo Đá Dựng là một hòn đảo hoang sơ được thiên nhiên ưu đãi, hội tụ đủ những yếu tố để phát triển du lịch sinh thái. Đây đang được xem là hướng đi mới góp phần đưa du lịch của xã Đầm Hà nói riêng, huyện Đầm Hà nói chung ngày càng phát triển, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân địa phương, cũng như quảng bá mảnh đất con người Đầm Hà đến với du khách trong và ngoài tỉnh.

Đồng chí Đào Văn Hiền- Chủ tịch UBND xã Đầm Hà cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đang kêu gọi các nhà đầu tư, xúc tiến các hoạt động thương mại du lịch tại địa phương nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng thế mạnh sẵn có. Đồng thời,kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và nhân dân bằng hình thức xã hội hóa đóng góp để trùng tu, tôn tạo các khu di tích đã xuống cấp và nâng cấp quy mô lễ hội truyền thống của địa phương như lễ hội Đình Đầm Hà. Khuyến khích các chủ tàu có công suất lớn cải hoán thành tàu du lịch để vận chuyển khách ra tham quan đảo Đá Dựng. Qua đó, đưa xã Đầm Hà trở thành điểm đến hấp dẫn về du lịch sinh thái biển, đảo và du lịch tâm linh của huyện Đầm Hà”.

Với những tiềm năng và lợi thế sẵn có, cùng chiến lược, định hướng phát triển kinh tế biển đúng hướng cộng với quyết tâm thực hiện của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đầm Hà, việc phát triển ngành kinh tế biển một cách theo hướng bền vững sẽ mở ra cơ hội rất lớn thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội, từng bước cải thiện đời sống nhân dân xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Trần Hoàn (Trung tâm TT&VH Đầm Hà)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!