Đầm Hà phát huy thế mạnh nuôi trồng thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Với chiều dài bờ biển hơn 21km, vùng cửa sông, bãi triều có diện tích hơn 5.500ha, mặt biển hơn 12.000ha, huyện Đầm Hà xác định phát triển kinh tế thuỷ sản là mục tiêu quan trọng. Chính vì vậy, huyện đã tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản và đạt kết quả khả quan trong những năm gần đây.

Khu nuôi cá lồng bè áp dụng vật liệu HDPE thân thiện với môi trường của các hộ ven biển xã Tân Lập, huyện Đầm Hà. Ảnh: Văn Triều (CTV)

Phát huy thế mạnh về nuôi trồng thủy sản, bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, Đầm Hà cũng đặc biệt quan tâm đến công tác quy hoạch. Huyện đã triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển thuỷ sản huyện đến năm 2020, định hướng 2030; Quy hoạch chi tiết khu nuôi trồng thuỷ sản bãi triều xã Tân Bình; Quy hoạch vùng nuôi thuỷ sản an toàn; Quy hoạch chi tiết phát triển vùng nuôi tôm tập trung tại xã Tân Lập và xã Tân Bình. Từ những quy hoạch này, huyện đang từng bước xây dựng hai vùng nuôi trồng thuỷ sản với quy mô lớn: Vùng nuôi tôm tập trung tại 4 xã Đại Bình, Tân Bình, Đầm Hà, Tân Lập với diện tích trên 300ha; vùng nuôi nhuyễn thể tập trung các xã Đại Bình, Tân Bình, Đầm Hà, Tân Lập với diện tích khoảng 500ha…

Hạ tầng kỹ thuật khu trại sản xuất giống, khu phức hợp sản xuất giống - nuôi tôm công nghệ cao siêu thâm canh của Tập đoàn Việt - Úc, đã hoàn thành 80% việc san lấp mặt bằng.

Hạ tầng kỹ thuật khu trại sản xuất giống, khu phức hợp sản xuất giống – nuôi tôm công nghệ cao siêu thâm canh của Tập đoàn Việt – Úc, đã hoàn thành 80% việc san lấp mặt bằng.

Để thu hút đầu tư vào thuỷ sản, huyện Đầm Hà tích cực cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp huyện, chú trọng đến công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực… Đến nay, huyện đã thu hút được một số dự án nuôi trồng thủy sản lớn. Trong đó lớn nhất là Dự án Khu phức hợp sản xuất giống, nuôi tôm công nghệ cao siêu thâm canh được khởi công ngày 19/5/2017 tại xã Tân Lập do Tập đoàn Việt – Úc làm chủ đầu tư. Dự án có tổng diện tích hơn 300ha, vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục: Khu sản xuất giống quy mô 8 tỷ con giống/năm; khu nuôi tôm thương phẩm siêu thâm canh, mật độ 200-500 con/m2, năng suất 100-300 tấn/ha/năm, được nuôi theo công nghệ nhà màng; nhà máy chế biến (để tăng giá trị con tôm); nhà máy sản xuất thức ăn nuôi tôm. Nhà đầu tư phấn đấu đưa dự án vào hoạt động cuối quý II/2018. Hiện dự án đang tiến hành triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu trại sản xuất giống và các hạng mục phụ trợ liên quan. Đến thời điểm cuối tháng 2/2018 đã san lấp 80% mặt bằng khu vực sản xuất giống.

Mô hình sản xuất cá giống của HTX Sản xuất và nuôi trồng thủy sản Bắc Việt  áp dụng công nghệ nuôi trong nhà hiện đại. Ảnh: Phạm Tăng

Mô hình sản xuất cá giống của HTX Sản xuất và nuôi trồng thủy sản Bắc Việt  áp dụng công nghệ nuôi trong nhà hiện đại. Ảnh: Phạm Tăng

Cùng với đó, Dự án Trung tâm Sản xuất giống công nghệ cao và nuôi thực nghiệm giống hải sản Quảng Ninh do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển sản xuất Hạ Long (BIM) đầu tư, triển khai tại xã Đại Bình, quy mô 125ha, tổng mức đầu tư dự án khoảng 200 tỷ đồng. Hiện hoạt động của Trung tâm chủ yếu là sản xuất tôm thương phẩm. Hay như, HTX Sản xuất và Nuôi trồng thủy sản Bắc Việt (thôn Đầm Buôn, xã Đầm Hà) hiện đầu tư hệ thống hạ tầng khá hoàn thiện với các bể ươm, ao chứa, bể xử lý nước thải, hệ thống lò nâng nhiệt, bể cho cá đẻ…; năng lực sản xuất mỗi năm đạt 5 triệu con giống cá biển, 10 triệu con giống hàu, 50 triệu con giống ngao, 5 triệu con giống tu hài… Năm 2017, HTX sản xuất được 2,7 triệu con cá giống nước mặn, năm 2018 phấn đấu sản xuất được 5 triệu con cá giống nước mặn…

Song song với việc thu hút những dự án đầu tư lớn, huyện Đầm Hà đã phối hợp với các ngành chức năng, cơ quan chuyên môn về thủy sản kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh và tập huấn khoa học, kỹ thuật, khuyến cáo người nuôi các biện pháp kỹ thuật cần thiết để phòng, chống dịch bệnh. Huyện đã triển khai một số mô hình nuôi tôm theo hướng VietGAP và tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi cho người dân đang tham gia nuôi tôm chân trắng tại một số xã ven biển. Huyện cũng tiến hành đánh giá các mối nguy về an toàn dịch bệnh, ATVSTP và tập huấn cho người nuôi kỹ năng ghi chép hồ sơ, nhật ký ao nuôi; đồng thời cung cấp các thông tin về hiện trạng, định hướng phát triển nuôi tôm chân trắng… Các mô hình đã hướng người dân đến một phương thức nuôi áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, tuân thủ các quy trình kỹ thuật chặt chẽ từ khâu cải tạo ao, đến lựa chọn con giống, thức ăn và quy trình chăm sóc nhằm mục tiêu nuôi an toàn môi trường, an toàn dịch bệnh, hạn chế sử dụng thuốc hoá chất.

Khu nuôi nhuyễn thể tại khu vực Cồn Uốc, xã Tân Bình, huyện Đầm Hà.

Khu nuôi nhuyễn thể tại khu vực Cồn Uốc, xã Tân Bình, huyện Đầm Hà.

Theo kế hoạch, năm 2018, huyện Đầm Hà sẽ thả nuôi 1.150ha thủy sản các loại, trong đó diện tích nuôi mặn, lợ 970ha, riêng nuôi tôm 540ha. Huyện cũng phấn đấu sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 6.430 tấn, riêng sản lượng nuôi tôm đạt 3.520 tấn. Kết quả 2 tháng đầu năm 2018, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện đạt 60ha, sản lượng thuỷ sản đạt 597 tấn.

Có thể thấy, với những nỗ lực cùng bước đi đúng hướng, vững chắc, Đầm Hà sẽ phát huy thế mạnh nuôi trồng thuỷ sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Trung Thành

Báo Quảng Ninh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!