Đánh thức ngành rong biển

Chưa có đánh giá về bài viết

Khai thác, nuôi trồng rong biển ở Việt Nam được đánh giá là triển vọng; đồng thời có vai trò quan trọng trong bảo vệ, cải tạo môi trường nước ở các vùng nuôi thủy sản vốn đang bị ô nhiễm và thích ứng với biến đổi khí hậu. Song để ngành này xứng với lợi thế, rất cần phát triển công nghệ sản xuất giống; nhập giống mới để bổ sung cơ cấu giống nuôi…

Một số mô hình nuôi rong biển thí điểm cho hiệu quả cao   Ảnh: ST

Một số mô hình nuôi rong biển thí điểm cho hiệu quả cao Ảnh: ST

Lợi ích nhiều mặt

Ngành sản xuất rong biển trên thế giới đã phát triển rất mạnh trong thập niên vừa qua, đặc biệt ở khu vực châu Á (Trung Quốc, Indonesia, Philippines…) do nhu cầu tiêu thụ của rong và sản phẩm chế biến từ rong biển ngày càng gia tăng, giá trị thương mại rong biển trên thế giới năm 2015 ước 6,5 tỷ USD.

Việt Nam có lợi thế, tiềm năng lớn khi có hơn 800 loài rong biển gồm, rong đỏ, rong lục, rong nâu, rong lam với trữ lượng tự nhiên 80 – 100 tỷ tấn. Diện tích nuôi trồng rong biển ở Việt Nam hiện hơn 10.000 ha, sản lượng hơn 101.000 tấn rong tươi/năm. Rong biển được nuôi trồng tập trung ở các vùng ven biển, Bắc bộ gần 6.600 ha, Bắc Trung bộ hơn 2.000 ha, Nam Trung bộ 1.400 ha và ĐBSCL 100 ha. Riêng Khánh Hòa, hơn 300 ha; trong đó rong sụn chiếm đến 80%, tập trung tại các địa phương Cam Lâm, Cam Ranh và Vạn Ninh; 20% còn lại là rong nho thả nuôi tại các vùng Cam Lâm và Ninh Hòa…

Trong số hơn 800 loài rong biển thì vùng biển nước ta có 90 loài có giá trị kinh tế. Trong đó, hai nhóm loài rong biển có trữ lượng nguồn lợi tự nhiên lớn là rong mơ và rong câu. Khánh Hòa là một trong những địa phương tiên phong trong chế biến, xuất khẩu hoặc tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng từ rong biển. Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng đã xây dựng thành công mô hình nuôi các đối tượng thủy sản kết hợp rong biển như: Nuôi ốc hương kết hợp hải sâm, vẹm xanh và rong sụn tại vùng biển Khánh Hòa; Nuôi ốc hương, tu hài kết hợp rong câu ở vùng biển Phú Yên; Canh tác tôm sú và rong câu… Những mô hình này đã tạo ra nhiều loại sản phẩm, nguồn cung cấp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của nhiều thị trường khác nhau, giảm rủi ro trong sản xuất và phân phối, sử dụng hiệu quả mặt nước.

Riêng đối với vùng ĐBSCL, khu vực bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn trong những năm qua. Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cần phải nghiên cứu các loài thủy sản thích ứng với sự biến đổi này, đặc biệt là nghề nuôi trồng rong biển. Đây là hướng tiếp cận phù hợp với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn ở vùng này, để giúp người dân ổn định sản xuất.

Cần xây dựng trung tâm giống

Dù có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi và chế biến rong biển như thị trường tiêu thụ rộng lớn, rong biển được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực, cho hiệu quả kinh tế cao… nhưng nghề này cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. Đó là ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường, sản phẩm chưa đa dạng, sản xuất nhỏ lẻ và manh mún, chưa có công nghệ chế biến và quy hoạch cụ thể… Nhất là chưa có cơ sở lưu giữ, cung cấp giống và hướng dẫn kỹ thuật nhân giống, trồng rong cho người dân. Đa phần hiện người dân vẫn đang tự nhân giống bằng phương pháp thủ công từ nguồn tự nhiên nên không được nhiều và thường gặp những loại bệnh ở giai đoạn lưu giữ giống, do đó không mở rộng được diện tích.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để phát triển ngành rong biển ở quy mô hàng hóa theo hướng hiện đại, cần phát triển đồng bộ các khâu sản xuất nguyên liệu, chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng từ rong biển đảm bảo, hiệu quả, năng suất cao và chất lượng sản phẩm phù hợp nhu cầu của thị trường; Phát triển các phương thức, quy mô, công nghệ trồng phù hợp với từng loài, từng vùng sinh thái; Ưu tiên phát triển các loài rong có hàm lượng agar, carrageenan, alginate cao;  Đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, các hệ thống chứng nhận. Phát triển các vùng nuôi thâm canh, ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học, an toàn môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu… Nhưng quan trọng hơn vẫn là cấp thiết xây dựng một trung tâm nghiên cứu về rong biển để giải quyết đủ giống và công nghệ trồng rong phục vụ cho việc khai thác vùng nước ven biển, tạo việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo cho ngư dân thông qua việc phát triển trồng rong biển.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của giống trong việc “đánh thức” tiềm năng phát triển ngành rong biển ở Việt Nam nên trong “Quy hoạch hệ thống nghiên cứu, sản xuất và cung ứng giống thủy sản đến năm 2020”, Bộ NN&PTNT cũng đã định hướng việc hình thành Trạm nghiên cứu sản xuất giống rong biển (Cam Ranh) thuộc Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Trung và nâng cấp Cơ sở Quý Kim thuộc Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc để lưu giữ, nghiên cứu nhân giống, phòng trị bệnh, chiết xuất sản phẩm và sản xuất giống rong biển kinh tế. Phấn đấu đưa sản lượng giống rong biển từ 10.000 tấn năm 2015 lên 15.000 tấn năm 2020.

>> Theo Tổng cục Thủy sản, hiện có 7 loài rong kinh tế đang được trồng phổ biến ở Việt Nam gồm, rong nho (Caulerpa lentillifera), rong câu chỉ vàng (Gracilaria tenuistipitata), rong câu thắt (Gracilaria firma), rong câu cước (Gracilariopsis bailinae), rong sụn (Kappaphycus alvarezii), rong bắp sú (Kappaphycus striatus) và rong sụn gai (Eucheuma denticulatum).

Phương Ngọc

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!