ĐBSCL: Người nuôi cá tra liên tục gặp khó

Chưa có đánh giá về bài viết

Tình trạng cá tra thương phẩm liên tục sụt giảm, hợp đồng xuất khẩu không được ký kết mới tạo sức ép lớn cho người nuôi cá tra khu vực ĐBSCL. Làm thế nào để người nuôi có lãi, tìm lại vị thế của con cá tra đang là bài toàn nan giải cần sự phối hợp giải quyết đồng bộ.

Đâu rồi thời hoàng kim

Cá tra được nuôi tập trung ở các tỉnh như: Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Bến Tre… với diện tích hơn 6.000 ha, mỗi năm bình quân xuất khẩu hàng trăm nghìn tấn cá thương phẩm… Cùng đó, giá trị xuất khẩu mặt hàng này có tốc độ tăng trưởng vượt bậc và đóng góp rất lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước; được coi là sản phẩm chiến lược quốc gia.

cá tra đồng bằng sông cửu long

Giá cá tra ở ĐBSCL lại giảm mạnh, người nuôi lỗ nặng – Ảnh: LHV

Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm 2016 đã trôi qua nhưng tình hình xuất khẩu cá tra vẫn không có nhiều khởi sắc, người nuôi bắt đầu không còn “mặn mà” với loài thủy sản này. Tại Đồng Tháp, thời gian qua việc sản xuất cá tra một cách manh mún, thiếu khoa học, chạy theo lợi nhuận, không nắm bắt thị trường, chăn nuôi còn sử dụng kháng sinh dẫn đến chất lượng chưa cao. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho cá tra sụt giảm, người nuôi thua lỗ.

Ông Nguyễn Thanh Bình (ở KV Thới Bình, P. Thới An, Q. Ô Môn, TP Cần Thơ) xã viên HTX Cá tra Thới An cho biết, từ 4 ao nuôi cá gần 1 ha mỗi năm sản xuất hàng trăm tấn cá tra; nhưng do thua lỗ nhiều năm liền nên đã bán 3 ao, nay chỉ còn 1 ao với diện tích 3.000 m2 đang thả nuôi lại, liên kết với Công ty Thủy sản Bình Minh (Vĩnh Long) với hình thức gia công. Nhưng 2 tháng nay, Công ty không cung cấp thức ăn cho gia đình, điện thoại không bắt máy, hiện đàn cá tra dưới ao đã bị bỏ đói gần 1 tháng qua, cá trọng lượng 400 – 500 g/con nay còn 300 g/con; gia đình ông Bình còn nợ ngân hàng 2,5 tỷ đồng, mỗi tháng đóng lãi trên 100 triệu đồng.

Với 20 kinh nghiệm nuôi cá tra, ông Nguyễn Thanh Sang (ngụ ấp Phú Hòa A, xã Phú Thuận A, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) cho biết, hiện cá tra không còn chiếm vị trí độc tôn mà nó đang là hướng đi khó cho các hộ nuôi. Nhiều hộ thua lỗ phải chuyển sang nuôi các loại thủy sản khác hoặc nuôi gia công cho các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ghi nhận cho thấy, nếu như những tháng đầu năm 2016 cá tra thương phẩm cỡ 700 – 900 g/con giá 22.000 – 24.000 đồng/kg thì hiện chỉ 17.500 – 19.000 đồng/kg (giảm 2.000 – 3.000 đồng/kg). Thị trường cá tra giống cũng bị “vạ lây”, giảm 3.000 – 4.000 đồng/kg loại 30 – 35 con/kg, ở mức 27.000 – 28.000 đồng/kg. Với mức giá hiện tại người nuôi thua lỗ 1.000 – 2.000 đồng/kg nếu như không thực hiện liên kết tiêu thụ hoặc cơ may chỉ huề vốn.

Không chỉ giá cá giảm sút, mà việc thu mua cá tra của các thương lái Trung Quốc với chiêu trò đẩy giá lên cao, mua theo kích cỡ nhưng chỉ mua một thời gian rồi ngừng dẫn đến bất ổn về thị trường. Người nuôi phải lao đao, sống dở chết dở vì chạy theo lợi nhuận không nắm bắt thị trường cung cầu.

Hướng tới nuôi gia công

Để khắc phục những khó khăn trên, nhiều ngành chức năng đã tuyên truyền chuyển đổi sang nuôi các loại thủy sản khác như: cá lóc, điêu hồng, rô phi… để tránh tình trạng cung vượt cầu dẫn đến mất giá, nông dân thua lỗ. Cùng đó, phương thức nuôi gia công cho các công ty cũng được thực hiện; đây được xem là giải pháp hữu hiệu nhằm giảm bớt áp lực cho người nuôi cá tra hiện nay; nông dân có thể thu lợi nhuận, các doanh nghiệp cũng chủ động được nguồn nguyên liệu xuất khẩu, đảm bảo được chất lượng sản phẩm.

Ông Phan Thanh Xuân, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) cho biết: Định hướng và triển khai phương thức nuôi cá tra thương phẩm trên địa bàn huyện theo hướng VietGAP, GlobalGAP… Đồng thời, đẩy mạnh phương thức liên kết với các công ty, doanh nghiệp để giúp các hộ dân có thể giảm các yếu tố thua lỗ, đảm bảo đầu ra và nâng cao chất lượng sản phẩm cá tra.

Dù thế nào thì việc nuôi cá tra hiện đang là một thách thức lớn cho cả người nuôi và doanh nghiệp xuất khẩu. Cần có những quy hoạch cụ thể, những chiến lược đột phá và chất lượng sản phẩm phải được nâng lên thì nghề nuôi cá tra ĐBSCL mới có thể khôi phục lại.

>> Ông Thái An Lai, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Đồng Tháp, cho rằng, cần tập trung rà soát quy hoạch đối với vùng nuôi không có điều kiện. Khuyến khích nâng cao chất lượng nuôi theo các tiêu chuẩn thế giới yêu cầu. Gắn kết vấn đề tiêu thụ, quy hoạch vùng sản xuất giống, nâng cao chất lượng con giống. Đặc biệt cần gỡ khó về nguồn vốn, đây đang là chuyện nan giải nhất của cả người nuôi lẫn doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu.

Ngọc Trinh - Hồng Ngự

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!