Đề án 52 tại Cần Giờ: Hoàn thành các chỉ tiêu năm 2014

Chưa có đánh giá về bài viết

Qua 6 năm triển khai Đề án 52 tại huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh, Đề án đã đem lại sự đổi thay trên địa bàn toàn huyện, giúp thay đổi hành vi của những đối tượng liên quan, góp phần thực hiện thành công kế hoạch đề ra tại địa phương.

Những kết quả đáng ghi nhận

Đánh giá về kết quả triển khai Đề án 52 năm 2014 tại Cần Giờ, Chi cục DS-KHHGĐ TP Hồ Chí Minh cho biết, Đề án góp phần nâng cao chất lượng Dân số, cải thiện SKSS, tạo ổn định mức sinh và giảm sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn huyện.

Đề án triển khai tại 7/7 xã, thị trấn, nhận được sự quan tâm, phối hợp của các cơ quan, ban ngành, huyện Cần Giờ và UBND các xã, thị trấn đã tham gia, tạo thuận lợi cho phụ nữ được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ, bà mẹ mang thai được siêu âm sàng lọc trước sinh…

Trong năm, toàn huyện đã tiến hành soi tươi cho 1.480 trường hợp; phết tế bào âm đạo cho 707 người, siêu âm 59 trường hợp; điều trị phụ khoa 338 trường hợp, đặt vòng 35 trường hợp. Ngoài ra, các cơ sở y tế công lập (Bệnh viện Cần Giờ, Phòng khám An Nghĩa và Trạm Y tế xã, thị trấn) đã thực hiện khám phụ khoa cho 6.946 lượt người; trong đó, thực hiện các kỹ thuật gồm: soi tươi 1.559; phết tế bào âm đạo 320; siêu âm sản phụ khoa 1.289. Qua kết quả khám, số phụ nữ phát hiện bệnh và điều trị 1.881 người. Đồng thời, triển khai tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai, các xã, thị trấn đã tiếp thị xã hội 21.800 bao cao su, đạt tỷ lệ 90,83% (chỉ tiêu 24.000 bao); 12.925 vỉ thuốc, đạt tỷ lệ 230,80% (chỉ tiêu giao 5.600 vỉ); Thực hiện cấp phát miễn phí 4.740  bao cao su, 7.525  vỉ thuốc uống tránh thai, 700 bao cao su nữ cho các xã, thị trấn.

Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SK/KHHGĐ được huyện Cần Giờ đẩy mạnh – Ảnh: K. Hoàng

Song song với các hoạt động khám chữa bệnh, tư vấn SKSS, Phòng Y tế huyện cũng tăng cường tổ chức các hoạt động truyền thông với các hình thức như tư vấn trực tiếp, vận động các nhóm đối tượng tham gia, tuyên truyền trên hệ thống phát thanh. Đội truyền thông của huyện đã cấp phát 5.000 tờ rơi cho người dân, Phòng Y tế huyện Cần Giờ phối hợp với các đoàn thể và các xã, thị trấn tổ chức 48 buổi truyền thông với 2.720 lượt người dự gồm các chuyên đề: Sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh, nâng cao chất lượng dân số đến các đối tượng khó tiếp cận; SKSS nam giới. Trang thông tin điện tử của Chi cục và bản tin của huyện Cần Giờ đã đăng 14 tin, bài;  Đài Phát thanh huyện và các Trạm phát thanh xã, thị trấn thực hiện 402 lần phát tin, phát thanh tuyên truyền về công tác dân số. Lắp đặt mới 9 pano tuyên truyền về nội dung chương trình giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân. Tại các xã, thị trấn đã tổ chức 113 buổi truyền thông nhóm về chuyên đề chăm sóc SKSS/KHHGĐ, nâng cao chất lượng dân số, vận động nam/nữ thanh niên trong độ tuổi kết hôn tham gia khám sức khỏe tiền hôn nhân với 1.850 lượt người dự; cấp phát 15.610 tờ rơi các loại.

 

Vì mục tiêu dân số

Theo chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trên địa bàn huyện Cần Giờ giai đoạn 2011 – 2020, huyện phấn đấu đạt được các chỉ tiêu: Tỷ số giới tính khi sinh không vượt quá 110 trẻ sơ sinh trai /100 trẻ sơ sinh gái vào năm 2015 và 108 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái vào năm 2020; giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản xuống 6/100.000 trẻ sinh ra còn sống vào năm 2015 và xuống dưới 6/100.000 vào năm 2020; duy trì tỷ lệ 100% phụ nữ mang thai được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đến năm 2015 và tiếp tục duy trì đến năm 2020; giảm tỷ lệ phá thai xuống 3/100 trẻ sinh ra sống vào năm 2015 và xuống dưới 2/100 vào năm 2020; giữ vững tỷ lệ 100% Trạm Y tế có bác sỹ, nữ hộ sinh (hoặc y sỹ sản – nhi); 100% cơ sở y tế đảm bảo cung cấp thuốc, vật tư, dụng cụ thiết yếu phục vụ đỡ đẻ an toàn; 100% cơ sở y tế có đủ trang thiết bị kỹ thuật phù hợp cho chương trình chăm sóc thai sản và làm mẹ an toàn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, do đặc thù về công việc và điều kiện sinh hoạt, nhận thức về chăm sóc SKSS/KHHGĐ của một số phụ nữ còn hạn chế, chưa tham gia khám phụ khoa định kỳ để phát hiện, điều trị sớm bệnh phụ khoa. Việc tiếp cận với ngư dân và nam giới là chủ hộ gia đình để thực hiện công tác tuyên truyền, tư vấn công tác dân số còn nhiều bất cập. Phòng kiến nghị Chi cục Dân số tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn cộng tác viên mới tham gia và tập huấn lại cho cộng tác viên còn hạn chế nghiệp vụ, kỹ năng truyền thông SKSS/KHHGĐ.

Năm 2015, Phòng Y tế Cần Giờ tiếp tục triển khai sâu rộng Đề án, duy trì mức dân số vừa phải theo khẩu hiệu “Mỗi gia đình nên sinh đủ 2 con”. Vấn đề bình đẳng giới được thực hiện lồng ghép trong các chính sách, chương trình, kế hoạch của ngành Y tế huyện. Huyện sẽ tăng cường công tác thanh, kiểm tra các phòng khám, chủ động kiểm soát tình trạng phá thai vì lý do giới tính; tăng cường cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS cho phụ nữ và nam giới và các biện pháp đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dân số như: Sàng lọc thai nhi, sàng lọc sơ sinh, khuyến khích y, bác sỹ tham gia các khóa đào tạo bác sĩ chuyên khoa nam học.

>> Năm 2014, huyện Cần Giờ đã hoàn thành các chỉ tiêu về giảm sinh, sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh; các biện pháp tránh thai hiện đại, tỷ lệ giới tính khi sinh được duy trì ở mức bình thường.

Hương Ly

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!