Đề án 52 tại huyện Trần Văn Thời: Phát huy cách làm hay

Chưa có đánh giá về bài viết

Thực hiện Đề án 52 trong điều kiện kinh phí rất eo hẹp, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau vẫn đạt hiệu quả cao, đời sống người dân ngày một cải thiện, công tác dân số nhiều chuyển biến.

Phong Lạc đăng ký không sinh con thứ 3

Cùng với sự góp sức của Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên…; Trung tâm DS – KHHGĐ huyện Trần Văn Thời thành lập đội thuyền lưu động đến các xã ven biển, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), bệnh lây qua đường tình dục, phá thai an toàn đối với các trường hợp mang thai ngoài ý muốn, cung cấp phương tiện tránh thai cho phụ nữ trong tuổi sinh đẻ; chú trọng nhóm phụ nữ 15 – 24 tuổi chưa kết hôn, không đi học, chưa có việc làm hoặc việc làm không ổn định tại các xã ven biển… Qua đó, tạo hiệu quả đáng kể trong công tác dân số và thực hiện KHHGÐ.

Một trong những địa phương thực hiện tốt Đề án 52 là xã Phong Lạc, xã ngập mặn của huyện. Phương châm của xã là thực hiện triệt để, tích cực, kiên quyết hoàn thành mục tiêu đề ra. Ông Nguyễn Văn Chuyển, cán bộ chuyên trách dân số Trạm Y tế xã Phong Lạc cho biết, từ khi Phong Lạc được triển khai thực hiện Ðề án 52, nhận thức của người dân đã chuyển biến tích cực. Tỷ lệ các cặp vợ chồng trong tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai đạt trên 80%; tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm 1% so cùng kỳ năm 2014 còn 3,2%; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm hằng năm, nhận thức của chị em về chăm sóc SKSS được nâng lên… Đã 10/10 ấp của xã thực hiện đăng ký ấp không sinh con thứ 3.

đề án 52 huyện trần văn thời

Phụ nữ huyện Trần Văn Thời tham gia phát triển kinh tế nhờ thủy sản – Ảnh: Huỳnh Lâm

Cùng với sự thực hiện quyết liệt của Trung tâm DS – KHHGĐ là sự vào cuộc của các ban ngành đoàn thể trong xã. Hằng năm, xã đều xây dựng nghị quyết, kế hoạch chỉ đạo Trạm Y tế thực hiện kế hoạch dân số, cam kết đạt các chỉ tiêu địa phương đề ra. Bằng việc tuyên truyền, vận động, kết hợp các hoạt động, đến nay, hầu hết người dân đều nhận thức được khó khăn của việc sinh đông con, nên đăng ký không sinh con thứ 3, việc lựa chọn giới tính thai nhi cũng không còn.

Nói về việc triển khai Đề án, nhiều chị em phụ nữ trong xã chia sẻ, qua những dịp tham gia khám, tư vấn, tuyên truyền về Đề án, họ ý thức hơn trong việc tham gia khám định kỳ; chú trọng quan tâm sức khỏe của mình, thực hiện các biện pháp KHHGĐ thường xuyên hơn.

 

Sớm giải quyết khó khăn

Theo Trung tâm DS – KHHGĐ huyện Trần Văn Thời, vật giá thay đổi dẫn đến nhiều chỉ tiêu kinh phí kèm theo không thực hiện được, cần điều chỉnh cho phù hợp; phương tiện tránh thai, thuốc thiết yếu cung cấp phải đảm bảo theo tiến độ. Ông Nguyễn Cao Hùng, Chi cục trưởng DS – KHHGĐ Cà Mau cho biết, công tác DS – KHHGĐ thời gian tới tại Cà Mau là nỗ lực ổn định mức sinh thay thế, từng bước nâng cao chất lượng dân số, khống chế tình trạng tăng tỷ số giới tính khi sinh ở vùng biển, đảo, ven biển và ngập mặn, thông qua các mô hình, đề án hiệu quả.

Ông Huỳnh Thanh Giảng, Giám đốc Trung tâm DS – KHHGÐ huyện Trần Văn Thời cho biết, kinh phí hiện nay còn khó khăn, bị cắt giảm nhiều, địa phương khó tự chủ trong việc thực hiện để đáp ứng hết nhu cầu của người dân. Do đó, việc thực hiện tuyên truyền vẫn kết hợp lồng ghép nhiều hoạt động với các ban ngành đoàn thể. Với việc khám và cấp phát thuốc, chỉ tập trung trong các chiến dịch; qua đó, chủ yếu giới thiệu đến đối tượng phương pháp, cách thức chăm sóc sức khỏe, tư vấn các dịch vụ liên quan công tác dân số. Những khó khăn này ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả thực hiện của Đề án. Giải quyết khó khăn về kinh phí sẽ tháo gỡ phần nào những khó khăn kể trên.

Song song đó, các xã thực hiện Đề án mong muốn có kinh phí, thù lao hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ dân số, cộng tác viên dân số xã được ổn định hơn. Hiện, đội ngũ này chủ yếu hoạt động trên tinh thần tự nguyện, kiêm nhiệm, trách nhiệm và sự gắn kết với công việc chưa cao, ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng công việc, chất lượng những đợt tuyên truyền.

>> Từ năm 2009 đến nay, qua thời gian triển khai Đề án, tỷ lệ viêm nhiễm đường sinh sản và bệnh lây truyền qua đường tình dục của phụ nữ giảm mạnh; tỷ lệ cặp vợ chồng áp dụng biện pháp tránh thai nâng từ 58% lên 81%; kiến thức làm mẹ an toàn, ý thức phòng chống bệnh lây truyền qua đường tình dục nâng lên rõ rệt.

Mai Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!