Đề án 52 tại Lý Sơn: Hướng đến những giải pháp lâu dài

Chưa có đánh giá về bài viết

Từ khi có Đề án 52 triển khai, việc thực hiện các chỉ tiêu về DS – KHHGĐ của xã trong huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đều đạt, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm đáng kể, nhận thức và ý thức của người dân vùng biển đảo được nâng lên.


Thay đổi tư tưởng

Lý Sơn là huyện biển đảo, cách xa đất liền, diện tích hẹp với trên 5.000 hộ/22.000 nhân khẩu, sinh sống tập trung ở 3 xã là An Vĩnh, An Hải và xã đảo An Bình. Trong đó, khoảng 70% sinh sống bằng nghề nông và ngư nghiệp, số còn lại hoạt động thương mại dịch vụ và các ngành nghề khác. Hoạt động dân số cũng bị ảnh hưởng bởi công việc liên quan. Không hiếm gia đình có 5 – 6 người con, điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng gặp nhiều khó khăn, bởi đông con nên đời sống gia đình luôn lâm vào cảnh nghèo đói; việc tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục cũng hạn chế. Nhận thức rõ điều đó, việc vận động người dân thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, chăm sóc SKSS và áp dụng các BPTT đã được chính quyền, Hội Phụ nữ và các đoàn thể hết sức quan tâm.

đề án 52 tại lý sơn hướng đến những giải pháp lâu dài

Ngư dân Lý Sơn chủ yếu sống bằng nghề biển – Ảnh: Đăng Lâm

Đề án 52 đến với huyện đảo được coi là “làn gió mới”, giúp thay đổi và tác động nhiều đến hoạt động dân số của người dân địa phương. Nhờ sự tham gia có trách nhiệm của đội ngũ cộng tác viên dân số, Trung tâm DS – KHHGĐ huyện đã thành lập nhiều Câu lạc bộ SKSS vị thành niên, DS – KHHGĐ. Qua nhiều năm thực hiện, những phong trào như quân dân y kết hợp phối hợp với ngành DS – KHHGĐ mở nhiều đợt chiến dịch chăm sóc SKSS, tổ chức khám chữa bệnh và khám thai cho hàng triệu lượt người; tiêm chủng mở rộng cho trẻ em trong độ tuổi; tiêm phòng bệnh uốn ván cho hàng trăm phụ nữ trong thời kỳ mang thai.

Qua các đợt chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ, ngành dân số còn tư vấn cho các đối tượng là bà mẹ có con dưới 2 tuổi về việc nuôi con bằng sữa mẹ. Những đối tượng được thụ hưởng dịch vụ đã chủ động tới cơ sở y tế để được tư vấn, khám, sử dụng các dịch vụ và BPTT phù hợp. Nếu như trước đây cán bộ dân số và y tế phải chủ động đến tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp KHHGĐ, chăm sóc SKSS, khám quản lý thai; giờ đây, phần lớn người dân đã hiểu biết và chủ động tìm đến cán bộ y tế để được tư vấn áp dụng các BPTT thích hợp cũng như cách chăm sóc SKSS.

Bà Dương Thị Dung, cán bộ chuyên trách dân số xã An Vĩnh cho biết: Người dân vùng biển đã thay đổi về nhận thức, không sinh nhiều con để tập trung phát triển kinh tế gia đình. Công tác truyền thông không vất vả như những năm trước, người dân đã có ý thức hơn về DS – KHHGĐ. Những đối tượng này cũng tự tìm đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám và thực hiện các biện pháp liên quan đến chăm sóc sức khỏe.

 

Tự chủ

Để thực hiện tốt công tác y tế, DS – KHHGĐ và nội dung Đề án 52 về nâng cao chất lượng dân số biển, đảo, cấp ủy, chính quyền địa phương các xã trong huyện đã chỉ đạo ngành dân số phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tích cực tham gia, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động; đồng thời, đề ra giải pháp thực hiện cụ thể, sát với chỉ thị, nghị quyết về công tác về DS – KKHGĐ. Hiện, Lý Sơn có Trung tâm Y tế quân dân y kết hợp và một số Trạm Y tế xã với đầy đủ đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn về sản khoa đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cũng như trong việc sinh đẻ cho người dân địa phương. Ngoài ra, mạng lưới cộng tác viên dân số cũng được thành lập, củng cố đến tận các thôn, xóm, nhằm quản lý đến từng gia đình.

Năm 2016, ngành dân số Lý Sơn tiếp tục tranh thủ sự chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy đảng và chính quyền, sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan, đoàn thể trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 52 để đưa các nội dung của công tác DS – KHHGĐ tiếp tục đi vào đời sống người dân. Đồng thời, kết hợp xây dựng các Câu lạc bộ chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho ngư dân theo các tổ, đội cùng nhau ra khơi đánh bắt xa bờ, tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, hoạt động chủ yếu phấn đấu đạt mức sinh thay thế trong toàn vùng; nâng cao chất lượng dân số, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, SKSS/KHHGĐ.

Tuy nhiên, để việc tuyên truyền đạt hiệu quả, ngành dân số luôn kết hợp với các hoạt động của những bên liên quan. Do từ đầu năm đến nay, kinh phí triển khai chưa có, những việc vận động, tuyên truyền, truyền thông, khám tư vấn đều phải lồng ghép với hoạt động của các tổ chức, đoàn thể khác. Do đó, mong muốn của địa phương là tiếp tục triển khai sâu rộng các hoạt động của Đề án thông qua nguồn kinh phí từ Trung ương, địa phương.

>> Huyện đảo Lý Sơn có gần 22.000 dân, chủ yếu sống bằng nghề biển. Mục tiêu đến năm 2020, Lý Sơn phấn đấu giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên từ 0,92% năm 2015 xuống còn 0,79%; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm xuống dưới 10,6%.

Mai Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!