Đề án 52 tại Nghệ An: Kinh nghiệm từ Nghi Lộc

Chưa có đánh giá về bài viết

Sau 5 năm (2009 – 2013) triển khai thực hiện, Đề án “Kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển” tại huyện Nghi Lộc đã phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng dân số các xã vùng biển, ven biển.

Quyết liệt chỉ đạo

Xác định công tác DS – KHHGĐ có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội địa phương, năm 2009, sau khi có kế hoạch chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Y tế Nghệ An, UBND huyện Nghi Lộc đã ban hành Quyết định thành lập Tiểu ban quản lý Đề án 52 cấp huyện; thành lập Đội lưu động y tế – dân số. Ở cấp cơ sở, các xã đã thành lập các Ban chỉ đạo công tác DS – KHHGĐ. Hằng năm, UBND huyện có kế hoạch phân công trách nhiệm cụ thể các ban, ngành, đoàn thể liên quan, phối hợp với Phòng Y tế, Trung tâm DS – KHHGĐ thực hiện Đề án.

Ngư dân Nghệ An khai thác thủy sản – Ảnh: Huy Hùng

Việc mua sắm trang thiết bị phục vụ Đề án được quan tâm đầu tư. 7/7 Trạm Y tế các xã vùng biển, ven biển đã được đầu tư tổng kinh phí gần 70 triệu đồng sắm trang thiết bị, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của dân và công tác dân số. Từ năm 2009 đến nay, 44 lượt cán bộ ngành Y tế, làm công tác DS – KHHGĐ được đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, kiến thức chăm sóc SKSS, sức khỏe bà mẹ, trẻ em, KHHGĐ phục vụ Đề án. Các ban, ngành cấp huyện tổ chức 135 cuộc giám sát thực hiện, nên việc triển khai Đề án đảm bảo đồng bộ từ huyện đến cơ sở.

 

Đổi mới truyền thông

Huyện Nghi Lộc có 7 xã vùng biển và ven biển (gồm Nghi Yên, Nghi Tiến, Nghi Thiết, Nghi Quang, Nghi Xuân, Nghi Thái, Nghi Thọ), với dân số 49.167 người, chiếm 24,5% dân số toàn huyện. Trong đó, 13.804 phụ nữ 15 – 49 tuổi, 7.852 phụ nữ có chồng đang trong tuổi sinh đẻ.

Cũng như các xã vùng biển, ven biển khác, trước đây nhận thức của người dân về công tác DS – KHHGĐ còn hạn chế, do quan niệm sinh con trai để có người đi biển, nên hằng năm mức sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn cao; tỷ lệ phụ nữ trong tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai khá thấp; một số Trạm Y tế vừa xuống cấp vừa thiếu trang thiết bị cần thiết.

Vì vậy, khi triển khai thực hiện Đề án, cấp ủy, chính quyền và Trung tâm DS – KHHGĐ huyện đã xác định việc đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Cùng với việc tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường chỉ đạo cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, hằng năm, Trung tâm chú trọng đổi mới, đa dạng hóa công tác truyền thông. Trong đó, nổi bật là việc phối hợp với Hội Phụ nữ, Huyện Đoàn, Đài Truyền thanh – Truyền hình huyện tổ chức Cuộc thi “Tìm hiểu kiến thức chăm sóc SKSS, sức khỏe bà mẹ trẻ em/KHHGĐ” tại các xã thực hiện Đề án, thu hút đông đảo hội viên phụ nữ, đoàn viên thanh niên tham gia; tổ chức Chương trình đối thoại trực tiếp, giao lưu văn hoá, văn nghệ “Công dân biển với công tác DS – KHHGĐ”; Hội thi “Sức khỏe sinh sản – hành trang tuổi học đường vùng biển” tại Trường THPT Nghi Lộc 4; Hội thi “Tuyên truyền viên dân số giỏi”; xây dựng loại hình “Câu lạc bộ nam ngư dân với công tác dân số’ tại xã Nghi Xuân…

Tuyên truyền DS – KHHGĐ được huyện Nghi Lộc chú trọng – Ảnh: CTV

Ngoài ra, công tác truyền thông DS – KHHGĐ trên các phương tiện truyền thông cũng được đẩy mạnh. Trung tâm đã phối hợp với Đài Truyền thanh – Truyền hình huyện, các phương tiện truyền thông của tỉnh, của Trung ương, sản xuất được 25 phóng sự, 650 bản tin, bài viết; phối hợp với hệ thống truyền thanh ở cơ sở sản xuất được 406 tin, bài tuyên truyền, phổ biến nội dung Đề án.

Có thể nhận thấy, công tác truyền thông tại Nghi Lộc được triển khai thực hiện một cách sáng tạo, phù hợp các đối tượng trong tuổi sinh đẻ, góp phần quan trọng nâng cao nhận thức, trách nhiệm cả hệ thống chính trị và người dân đối với công tác DS – KHHGĐ.

 

Nhiều thành công

Cùng với đẩy mạnh hoạt động truyền thông, các hoạt động tư vấn lưu động về chăm sóc SKSS/KHHGĐ xuống tận địa bàn, cơ sở cũng đã được Trung tâm DS – KHHGĐ Nghi Lộc, ban DS – KHHGĐ các xã thường xuyên quan tâm, phát huy hiệu quả tích cực.

5 năm qua, đội ngũ cán bộ làm công tác dân số của huyện, cán bộ dân số, y tế các xã đã tổ chức tư vấn về chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho trên 18.900 lượt hộ với trên 60.500 lượt người tham gia; trong đó, 5.425 bà mẹ mang thai đã được tư vấn SKSS, được khám sức khỏe và siêu âm sàng lọc trước khi sinh; 32.778 lượt phụ nữ trong tuổi sinh đẻ được khám phụ khoa. Tỷ lệ phụ nữ có thai được khám đủ bình quân 3 lần đạt 80,5%, tỷ lệ phụ nữ sinh đẻ được tiêm phòng văcxin uốn ván và chăm sóc sức khỏe sau sinh đạt 100%.

Khi chưa thực hiện Đề án, tỷ lệ các cặp vợ chồng chấp nhận các biện pháp tránh thai ở các xã vùng biển và ven biển Nghi Lộc còn thấp. Nay đã có gần 66% cặp vợ chồng chấp nhận thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại; mức sinh bình quân hằng năm giảm còn 20‰, gần tương đương tỷ lệ chung toàn huyện; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn 19,4%, thấp hơn 1,2% so với tỷ lệ chung toàn huyện. Tỷ lệ giới tính khi sinh còn 89 nam/100 nữ (năm 2008 tỷ lệ là 143 nam/100 nữ).

>> Giai đoạn 2014 – 2015, Nghi Lộc phấn đấu tỷ lệ các cặp vợ chồng trong tuổi sinh đẻ tại các xã vùng biển, ven biển áp dụng các biện pháp tránh thai đạt 70% trở lên; giảm mức sinh còn 17‰, giảm tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên còn 12,5%; 90% phụ nữ trong tuổi sinh đẻ được tiếp cận dịch vụ chăm sóc SKSS, sức khỏe bà mẹ trẻ em và KHHGĐ…

Trương Văn Hà

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!