Đề án 52 tại Phú Tân – Cà Mau: Nâng cao chất lượng tuyên truyền

Chưa có đánh giá về bài viết

Huyện Phú Tân được tái lập năm 2004. Người dân chủ yếu hành nghề nuôi trồng, khai thác thủy sản, đời sống bấp bênh, thường xuyên phải đối mặt thiên tai… Nhưng mạng lưới y tế huyện ngày càng phát triển, người dân được chăm sóc đầy đủ hơn về sức khỏe và công tác DS – KHHGĐ.

Đầu tư bài bản

Từ năm 2004 đến nay, huyện Phú Tân đã đầu tư gần 7,3 tỷ đồng xây dựng mới các trạm y tế xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia. Từ nhiều nguồn vốn, huyện đã đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân (như máy chụp X-quang, máy điện tim, máy siêu âm, máy sinh hóa…). Đội ngũ cán bộ công chức, viên chức Trung tâm Y tế ngày càng tăng về số lượng, trình độ chuyên môn từng bước được nâng lên.

>> Huyện Phú Tân đã tổ chức được 23 câu lạc bộ không sinh con thứ ba, với 690 hội viên; 64 cụm dân cư không sinh con thứ ba; tỷ lệ các cặp vợ chồng thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại hằng năm trên 80%, góp phần giảm tỷ lệ tăng dân số của huyện từ 1,33% năm 2004 xuống còn 1,09% năm 2011.

Cùng với việc củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, Phú Tân còn đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc chăm lo sức khỏe cho bản thân, gia đình và xã hội. Nhờ đó, nhận thức của người dân về tiêm chủng phòng bệnh được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng đầy đủ vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm hằng năm đạt trên 99%. Tỷ lệ phụ nữ có thai được tiêm chủng vaccine phòng bệnh uốn ván bình quân hằng năm trên 85%. Mạng lưới y tế cơ sở của Phú Tân đang từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng, mang lại niềm an tâm cho người dân.

Ông Võ Trường Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Tân, cho biết: Đời sống người dân nhìn chung được nâng lên, nhưng người dân các xã ven biển Phú Tân, Tân Hải, Nguyễn Việt Khái, Rạch Chèo và thị trấn Cái Đôi Vàm vẫn còn khó khăn. Quy mô dân số và mức sinh cao hơn, phụ nữ ít được tiếp cận dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Việc triển khai Đề án 52 sẽ tạo nhiều cơ hội cho việc chăm sóc sức khỏe người dân.

Nâng cao nhận thức đối với nam giới là một trong những nhân tố quan trọng mang lại thành công cho công tác DS -KHHGĐ tại Phú Tân, Cà Mau

Trung tâm DS – KHHGĐ huyện cũng tăng cường tham mưu, chủ động phối hợp với các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, tạo sức mạnh tổng hợp, từng bước chuyển đổi nhận thức, hành vi của người dân đối với công tác dân số. Theo đó, Trung tâm đã chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động cho từng tháng, từng quý, hướng dẫn các xã, thị trấn tổ chức thực hiện; chú trọng tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, xây dựng quy mô gia đình chỉ sinh 1 – 2 con. Hoạt động truyền thông tập trung vào các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, nhất là nam.

 

Còn nhiều khó khăn

Năm 2013 được dự báo là năm tốt theo quan niệm dân gian, số trẻ em sinh ra sẽ tăng cao. Trong khi đó, kinh phí chương trình mục tiêu từ Trung ương dành cho mua phương tiện tránh thai cấp miễn phí ngày càng ít; người dân từ lâu quen nhận phương tiện tránh thai miễn phí. Cơ sở vật chất phục vụ thông tin, giáo dục, tuyên truyền đến người dân vùng sâu, vùng ven biển, vùng ngập mặn… thường xuyên còn hạn chế. Tỷ lệ mắc bệnh phụ khoa trong tổng số người đến khám còn cao (khoảng 70%).

Mặt khác, phần lớn nam giới lao động và sinh sống trên biển nên công tác truyền thông vận động về KHHGĐ, bệnh lây truyền qua đường tình dục gặp nhiều khó khăn, phải dựa vào thời vụ, công việc của họ. Đồng thời, với tâm lý phải có con trai để đi biển, nên tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn ở mức cao.

 

Cần nhiều giải pháp

Ông Võ Trường Giang cho biết: Trước mắt, công tác DS – KHHGĐ sẽ tập trung rà soát, lập danh sách các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ chưa sử dụng các biện pháp tránh thai, để tuyên truyền giáo dục phù hợp. Với 4 xã, thị trấn ven biển, ưu tiên đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, làm cho các cặp vợ chồng thông hiểu, sinh ít con là điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống. Đưa dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đến ngư dân. Cùng đó, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo theo mục tiêu huyện đề ra.

Trẻ em Cà Mau được chăm sóc tốt hơn khi thực hiện Đề án 52

Theo ông Nguyễn Cao Hùng, Chi cục trưởng Chi cục DS – KHHGĐ tỉnh, thời gian tới, tỉnh sẽ có giải pháp tích cực, quyết liệt hơn nữa: Phát huy vai trò quản lý, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền những xã ven biển; hỗ trợ trực tiếp và cụ thể để nâng cao hiệu quả hoạt động Đề án 52, nhất là công tác tuyên truyền vận động. Đồng thời, nâng cao chất lượng hoạt động của dân số cơ sở bằng những lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ công tác DS – KHHGĐ. Đa dạng hoá công tác truyền thông bằng nhiều loại hình sinh động, hấp dẫn. Phân rõ đối tượng, điều kiện từng vùng, tuyên truyền với nội dung phù hợp, đặc biệt chú trọng đối tượng nam giới, để họ chia sẻ gánh nặng SKSS/KHHGĐ với nữ giới.

>> Ông Nguyễn Thanh Vũ, Giám đốc Trung tâm DS – KHHGĐ huyện Phú Tân: Các ngành và địa phương cần coi công tác DS – KHHGĐ là của toàn xã hội, nhằm ổn định quy mô, nâng cao chất lượng dân số, không ngừng cải thiện đời sống người dân.

Vân Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!