Đề án 52 Thái Bình: Góp phần phát triển nguồn nhân lực biển

Chưa có đánh giá về bài viết

Thái Bình có 2 huyện ven biển là Tiền Hải và Thái Thụy với dân số 519.023 người; Việc được tiếp nhận và triển khai Đề án 52 “Kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển” từ năm 2009 đến nay đã giúp cho công tác DS -KHHGĐ nơi đây có nhiều chuyển biến tích cực.

tổng cục dân số - kế hoạch hóa gia đình

Nhiều khó khăn

Năm 2015, dân số 2 huyện là 519.023 người, chiếm 25,7% dân số cả tỉnh. Số sinh là 7.396 bé, tỷ suất sinh 14,3‰, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên 15,6%. Có 88.294 người phụ nữ 15 – 49 tuổi có chồng, 65.531 cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, đạt 74,2%. Đặc biệt, tỷ số giới tính khi sinh của 2 huyện là 109 trai/100 gái trong khi tỷ số này của toàn tỉnh lên tới 111,6/100, báo động tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

góp phần phát triển nguồn nhân lực biển

Chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ mang thai – Ảnh: Thu Hà

Do đặc thù địa lý nên người dân ở các vùng ven biển chưa có nhiều cơ hội và điều kiện tiếp cận, thụ hưởng đầy đủ các chính sách, dịch vụ xã hội cơ bản, trong đó có dịch vụ chăm sóc bà mẹ và trẻ em, SKSS/KHHGĐ. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên của 2 huyện ven biển là 15,6% cao hơn mức bình quân cả tỉnh (12,6%); nhu cầu sinh con của các cặp vợ chồng vùng biển còn cao, nhất là sinh con trai. Tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn, tỷ lệ mắc các bệnh viêm nhiễm đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục cao. Cơ sở vật chất, mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình ở cấp xã một số nơi còn yếu và thiếu, chưa phù hợp với đặc điểm môi trường và khí hậu biển…

 

Triển khai hiệu quả

Những năm qua, Thái Thụy và Tiền Hải đã triển khai hiệu quả 3 mô hình như: Đáp ứng nhu cầu CSSK bà mẹ trẻ em và KHHGĐ; Phòng chống bệnh lây truyền qua đường tình dục, phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn, phá thai an toàn; Nâng cao chất lượng dân số khi sinh nhằm tư vấn, kiểm tra các yếu tố nguy cơ cao ảnh hưởng trực tiếp đến sự mang thai, phát triển và chất lượng bào thai, hỗ trợ khi sinh và sau sinh đối với các thai phụ có nguy cơ cao.

Theo đó, năm 2015 đã tổ chức 350 cuộc nói chuyện chuyên đề, truyền thông tư vấn, tuyên truyền lồng ghép vào các cuộc hội họp, truyền thông lưu động… cho trên 8.000 lượt nam ngư dân, vị thành niên, thanh niên, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Viết trên 200 tin bài phản ánh các hoạt động của Đề án đăng, phát sóng hơn 2.500 lượt trên đài truyền thanh 3 cấp. Tổ chức truyền thông lưu động trên biển cho người dân đi biển dài ngày, người dân lao động tại các bãi ngao, vây, đầm, chòi canh trên biển mang lại hiệu quả cao. Trang bị 4 bộ máy vi tính cho cán bộ dân số cấp xã, máy chiếu cho Trung tâm dân số 2 huyện tạo điều kiện để cán bộ dân số xã dễ dàng cập nhật thông tin, quản lý dữ liệu, kiểm soát tình hình dân số…

Song song với tăng cường công tác truyền thông giáo dục, việc cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ được triển khai tại 35/35 xã; trong đó, 8 xã ven biển khó khăn là Thái Đô, Thái Hưng, Thụy Dũng, Hồng Quỳnh (Thái Thụy), Đông Hoàng, Nam Hưng, Nam Hồng, Bắc Hải (Tiền Hải) được tiếp nhận Mô hình đáp ứng nhu cầu CSSK bà mẹ trẻ em và KHHGĐ. Thành lập 4 đội dịch vụ lưu động cung cấp 3 gói dịch vụ cho 8 xã chiến dịch, tổ chức khám phụ khoa cho chị em phụ nữ, chuyển tuyến những ca viêm nhiễm nặng, u sơ tử cung. Kết quả, cung cấp BPTT hiện đại cho 1.618 đối tượng, 1.955 thai phụ được khám thai định kỳ, 4.713 lượt chị em được khám phụ khoa, phát hiện và điều trị cho 2.215 chị em. Vận động 22 ca mang thai con thứ 3 thực hiện KHHGĐ.

Trong thời gian tới, để Đề án 52 tiếp tục phát huy hiệu quả rất cần sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát hơn nữa của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác DS – KHHGĐ. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị truyền thông, thiết bị y tế, hỗ trợ nguồn kinh phí cho các hoạt động của Đề án. Xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên cho các địa phương có tỷ số giới tính khi sinh cao, có nhiều lao động nhập cư sống, làm việc tại các khu kinh tế biển và các xã có đầm phá, ngập mặn, âu thuyền cảng cá, cửa sông cửa biển. 

 >> Thái Bình phấn đấu đến năm 2020, tổng tỷ suất sinh giảm còn 1,9 con; tỷ lệ sử dụng các BPTT hiện đại 78%; tỷ lệ trẻ em mới sinh bị dị tật bẩm sinh giảm xuống 2%; tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh là 55%; tỷ lệ trẻ em được sàng lọc sơ sinh là 50%; giảm tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh không vượt quá 112 trai/100 gái vào năm 2020.

Thu Hà, Chi cục DS - KHHGĐ Thái Bình

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!