Để cá rô phi thành chủ lực thực sự

Chưa có đánh giá về bài viết

Cá rô phi là một trong 4 đối tượng thủy sản nuôi chủ lực đã được Bộ NN&PTNT xác định. Với nhiều ưu thế, cá rô phi đang ngày càng được người dân quan tâm và thực tế diện tích thả nuôi tăng hàng năm. Tuy nhiên, làm gì để con cá này phát triển bền vững?

viện kinh tế và quy hoạch thủy sản

Triển vọng

Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2014, diện tích nuôi cá rô phi của cả nước là 16.000 ha, sản lượng trên 125.000 tấn; năm 2015, ước diện tích nuôi 21.000 ha, sản lượng 150.000 tấn.

Cũng năm 2014, sản phẩm từ cá rô phi của Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đạt kim ngạch trên 27 triệu USD, với giá khá cao. Cá nguyên con đông lạnh khoảng 2,5 USD/kg; fillet đông lạnh 4,5 USD/kg. 

cá rô phi thành chủ lực

Theo đánh giá của ngành hữu quan, nhu cầu tiêu thụ cá rô phi trong và ngoài nước còn rất lớn, tốc độ tăng trưởng khoảng 10%/năm. Ngành sản xuất cá rô phi Việt Nam có nhiều thuận lợi về khả năng cạnh tranh như cơ sở hạ tầng, kỹ thuật… Theo Cục Chế biến Nông Lâm thủy sản và Nghề muối, cả nước hiện có trên 600 cơ sở chế biến thủy sản quy mô công nghiệp, công suất khoảng 2,8 triệu tấn sản phẩm/năm. Các cơ sở này đều có thể chế biến phục vụ nội địa và xuất khẩu. Đây là điều kiện thuận lợi cho ngành hàng này phát triển.

 

Cần chặt chẽ quy hoạch

Cá rô phi có nhiều cơ hội phát triển cả về nuôi, chế biến xuất khẩu. Tuy nhiên, việc phát triển loài thủy sản này gặp khá nhiều khó khăn. So sánh trên thế giới, Việt Nam là nước đi sau, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ vấp phải sự cạnh tranh rất mạnh từ các nước sản xuất lớn. Hơn nữa, cá rô phi của Việt Nam sản xuất còn hạn chế về số lượng, chưa có thương hiệu và thiếu các sản phẩm đặc trưng. Chưa kể, chất lượng con giống vẫn chưa đáp ứng; quy mô nhỏ, thời gian nuôi dài, dịch bệnh vẫn xảy ra.

Định hướng sản xuất, Việt Nam sẽ phát triển cá rô phi trở thành một trong những loài thủy sản nuôi chủ lực thực sự. Theo đó, đến năm 2020, cá rô phi của Việt Nam được nuôi theo mô hình thâm canh khoảng 20.000 ha, sản lượng 400.000 – 500.000 tấn; nuôi bán thâm canh 10.000 ha, sản lượng khoảng 100.000 – 150.000 tấn và nuôi khoảng 1 triệu m3 lồng trên hồ chứa, sông với sản lượng khoảng 60.000 – 80.000 tấn; giá trị xuất khẩu của con cá rô phi đem lại dự kiến đạt khoảng 150 triệu USD và tạo việc làm cho khoảng 20.000 lao động.

Tuy nhiên, để phát triển ngành hàng này, theo nhiều ý kiến, ngành chức năng cần nhanh chóng triển khai thực hiện dự án phát triển nuôi cá rô phi chất lượng cao xuất khẩu; quy hoạch phát triển nuôi đến năm 2020, định hướng 2030 và hoàn thành việc hướng dẫn áp dụng quy trình VietGAP cho nuôi cá rô phi thương phẩm. Từ đó, từng bước tổ chức xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật về chất lượng phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

Cùng đó, phải giải quyết được vấn đề khó khăn nhất hiện nay là con giống. Trước hết, cần triển khai quy hoạch vùng sản xuất giống tập trung tại 3 miền. Trong đó, miền Bắc tập trung ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng; miền Trung tại Quảng Nam và các tỉnh có hồ chứa, ao đầm nước lợ nuôi tôm bị thoái hóa môi trường; miền Nam, tập trung sản xuất giống tại Tiền Giang và nuôi thương phẩm tại Cần Thơ. Đặc biệt, cần gấp rút nhập khẩu giống tốt để nghiên cứu, chọn tạo tiến tới tự sản xuất được giống cá rô phi chất lượng cao. Tiếp đó, tập trung nghiên cứu, phát triển đàn cá bố mẹ có chất lượng tốt, đủ số lượng thay thế đàn cá bố mẹ kém hiện nay.

>> Hiện trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã có 4 đơn vị sản xuất cá giống (gồm cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp tư nhân), tuy nhiên cũng mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu nuôi tại địa phương, với khoảng 25 triệu con/năm.

Linh Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!