T2, 06/07/2020 12:51

Để chính sách tài chính đến được với ngành tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

Người nông dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước đều đánh giá ngành thủy sản có nhiều thuận lợi và phát triển khá trong thời gian qua; tuy nhiên, tác động của chính sách tài chính còn mờ nhạt. Cần làm gì để chính sách tài chính tạo điều kiện tốt hơn cho người nuôi và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tái cơ cấu nông nghiệp, đảm bảo liên kết phát triển bền vững, tập trung trước hết vào ngành tôm?

Quang cảnh Hội thảo tại Cần Thơ, ngày 22/9

Quang cảnh Hội thảo tại Cần Thơ

Đó cũng là nội dung chính của Hội thảo tham vấn “Chính sách tài chính khuyến khích phát triển chuỗi liên kết thủy sản trong bối cảnh Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do”, do Liên minh châu Âu, Oxfam và Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản Bền vững (ICAFIS) phối hợp Học viện Tài chính, Hiệp hội Cá tra Việt Nam, Viện Chính sách chiến lược NHNN tổ chức ngày 22/9, tại Cần Thơ.

Tiếng nói từ cơ sở

Ông nông dân Nguyễn Quốc Khởi ở HTX Nuôi tôm công nghiệp Tân Long, xã Tân Duyệt (Đầm Dơi, Cà Mau) nói: “Hộ nông dân nuôi tôm diện tích nhỏ chúng tôi chưa biết cách nào tiếp cận vốn tín dụng của ngân hàng”. Ông Tạ Minh Phú, Chủ tịch Hội Thủy sản tỉnh Bạc Liêu, phản ánh trường hợp 18 hội viên nuôi tôm khá nhưng vay tiền ngân hàng không được. “Do thả giống rồi, cần tiền đầu tư tiếp, cán bộ ngân hàng xuống kiểm tra phát hiện có dấu hiệu tôm chết thế là không cho vay”, ông Phú nói.

Phía doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu, ông Lâm Thái Xuyên, Giám đốc Công ty CP xã hội chuỗi tôm rừng Minh Phú ở huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) cũng than phiền về vướng mắc trong các quy định cho vay. Kết quả nuôi tôm rất tốt, tôm đạt chuẩn quốc tế nhưng vay vốn khó vì ngân hàng chỉ cho vay theo tài sản thế chấp là giá trị ao nuôi, trong lúc giá trị ao nuôi nhỏ, còn tài sản trên đất (vật tư đầu vào và con tôm) có giá trị lớn thì không được thế chấp để vay. “Chính sách tài chính cần định mức được giá trị tài sản trên đất theo các hình thức nuôi để cho vay, thì mới hỗ trợ thiết thực cho ngành tôm phát triển”, ông Xuyên đề nghị.

Cũng về giá trị đất thế chấp, ông Thái Văn Đoàn, Giám đốc điều hành Công ty Nuôi tôm công nghệ cao Tân Hoàng Anh, bày tỏ vướng mắc ở khía cạnh khác trong liên kết với nông dân đầu tư nuôi 210 ao tôm siêu thâm canh ở Cà Mau. Đó là, giá trị đất các ao nuôi được định giá để cho vay vốn đã không nhiều nhưng một số nông dân đã thế chấp sổ đỏ ở ngân hàng, nên đầu tư nuôi tôm siêu thâm canh cần vốn lớn lại không vay được tiền.

Thực trạng nhiều hạn chế

Một nghiên cứu của các chuyên gia, phân tích đánh giá chính sách tài chính khuyến khích phát triển liên kết thủy sản đã cho một cái nhìn khá toàn diện về thực trạng. Nhóm nghiên cứu gồm chuyên gia của Học viện Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Bộ NN&PTNT, Hội Nghề cá Việt Nam và ở các địa phương. Họ đã tổ chức 10 cuộc hội thảo, bên cạnh, phát phiếu phỏng vấn cán bộ quản lý nhà nước và chủ cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản ở 21 tỉnh ven biển.

Kết quả, chỉ có 40,2% đánh giá được thụ hưởng từ chính sách tài chính, ít hơn tỷ lệ đánh giá không được thụ hưởng là 41,0%; còn 18,8% không có ý kiến. Trong đó, riêng với doanh nghiệp và người dân có tỷ lệ 40,4% đánh giá là không được thụ hưởng chính sách tài chính và 36,8% không có ý kiến, cho thấy, chính sách chưa tới được nơi cần tới.

Về chính sách miễn, giảm thuế, đến 76,1% không có ý kiến; chỉ 20,5% cho rằng địa phương/cơ sở mình được thụ hưởng; còn 3,4% trả lời thẳng là không được thụ hưởng. Kết quả này quá mâu thuẫn với kỳ vọng của thời gian qua, nhiều chính sách miễn, giảm thuế đã được ban hành. Nguyên nhân do thiếu minh bạch và vẫn tồn tại nhiều loại phí cùng đủ thứ đóng góp khác ở địa phương.

Chính sách tín dụng nhằm khuyến khích phát triển liên kết chuỗi giá trị thủy sản, 65% không có ý kiến; chỉ 25,6% đánh giá địa phương/cơ sở mình được thụ hưởng; còn 9,4% cho rằng không được thụ hưởng. Nguyên do, chục năm qua, Chính phủ ban hành các chính sách tín dụng là tương đối đầy đủ nhưng thiếu rõ ràng (về điều kiện vay vốn, xử lý nợ xấu do rủi ro…) và thiếu nguồn lực để thực hiện, các tổ chức tín dụng thì sợ rủi ro.

Chính sách đầu tư nhằm khuyến khích phát triển liên kết chuỗi giá trị thủy sản, đến 70,1% không có ý kiến; chỉ 12% đánh giá địa phương/cơ sở mình được thụ hưởng; còn 17,9% cho rằng không được thụ hưởng. Đặc biệt trong đó, chỉ vỏn vẻn 5,3% doanh nghiệp và ngư dân đánh giá là có được thụ hưởng. Nguyên nhân chính, đầu tư công cho phát triển thủy sản quá thấp, giai đoạn 2006 – 2010 chỉ chiếm 2,9% đầu tư công trong ngành NN&PTNT, sang giai đoạn 2011 – 2015 có tăng lên 8% thì cũng còn xa so với nhu cầu là 30% cho tương xứng với giá trị ngành thủy sản đóng góp.

Kiến nghị tháo gỡ

Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược của NHNN cho rằng, nguyên nhân chính khiến chính sách tài chính chưa tiếp cận được cuộc sống là “Chính sách ở trên trời, cuộc sống ở mặt đất”. Ông phân tích, các chính sách tài chính đều “khuyến khích phát triển” nhưng lại không cho biết cụ thể các bên liên quan phải làm những gì để được thụ hưởng. Chưa có những điều kiện cụ thể khi tiến hành, thời gian tiến hành và nếu không được đáp ứng thì khiếu nại hoặc kiện ai, ở đâu? Cho nên, theo ông, nếu ngành thủy sản phải làm cuộc cách mạng để phát triển chuỗi gắn với thị trường, thì các nhà làm chính sách tài chính cũng phải thực hiện một cuộc cách mạng trong ban hành chính sách. “Đó là thực hiện gói chính sách đồng bộ, để đảm bảo chính sách đi vào cuộc sống”, ông nhấn Hòe mạnh.

Ông Lê Anh Xuân, Giám đốc Công ty TNHH SX&TM Trúc Anh ở Bạc Liêu, kiến nghị, chính sách tín dụng cần cho phép định giá tài sản trên đất để cho vay, vừa tháo gỡ khó khăn về vốn vừa khuyến khích áp dụng công nghệ cao trong ngành tôm. Chẳng hạn, nuôi tôm thâm canh hay siêu thâm canh một giai đoạn và hai giai đoạn, có các định mức cho vay cụ thể. Như thế chính sách tín dụng sẽ khuyến khích được việc áp dụng công nghệ cao vào ngành tôm.

Cùng đó là ý kiến đề xuất các gói giải pháp về pháp lý, định chế tài chính, vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp cùng các bên liên quan là viện nghiên cứu, tổ chức xã hội nghề nghiệp, cơ quan quản lý địa phương nhằm thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị tôm bền vững công bằng. Đặc biệt, xây dựng bộ tiêu chí cho vay theo chuỗi giá tôm và tổ chức tham vấn để thống nhất ý kiến nhằm hiện thực hóa việc triển khai. Bên cạnh, Oxfam nêu kinh nghiệm xây dựng thí điểm mô hình cho vay theo chuỗi giá trị cho chuỗi tôm tại các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.

Ông Lê Thanh Lựu, Giám đốc ICAFIS chia sẻ, ông cùng các chuyên gia sang Đài Loan, được giới thiệu đất nuôi tôm định giá trị tới 1 triệu USD/ha. Đất nuôi tôm của họ không hơn gì ta nhưng cách tính sát thực tế như thế tháo gỡ được vướng mắc về vay vốn tín dụng đầu tư cho sản xuất. Theo hướng đó và với kết quả các mô hình thí điểm cho vay theo chuỗi sản phẩm tôm, từ nay đến cuối năm, ICAFIS phối hợp với Viện Chính sách chiến lược của NHNN sẽ trình bày với các cấp có thẩm quyền để tháo gỡ vướng mắc tín dụng cho ngành tôm phát triển.  

>> Theo các chuyên gia, nguyên nhân là một số chính sách được ban hành nhưng thiếu nguồn lực để thực thi, bên cạnh một số địa phương thu phí hoặc buộc đóng góp khác làm triệt tiêu chính sách khuyến khích.

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!