T2, 06/07/2020 12:33

Để ngành tôm “bứt phá” vươn lên

Chưa có đánh giá về bài viết

“Lĩnh vực nuôi tôm nắm nhiều lợi thế nhất trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Với nhiều triển vọng sáng sủa nếu được quy hoạch, tổ chức lại sản xuất theo hướng áp dụng công nghệ cao vào sản xuất dựa trên trình độ quản trị tốt và có đầu tư hạ tầng tương xứng ngành tôm Việt Nam sẽ “lột xác” đáng kể”. Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Hoàng Anh – Chủ tịch Hiệp hội Tôm Bình Thuận, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung nhằm phát triển ngành tôm trong tương lai.

Trại ương tôm giống của Nam Miền Trung tại Nghệ An   Ảnh: Anh Vũ

Trại ương tôm giống của Nam Miền Trung tại Nghệ An Ảnh: Anh Vũ

Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Ông Nguyễn Hoàng Anh cho rằng, Việt Nam có nhiều lợi thế về nuôi tôm. Lợi thế hàng đầu là có đầy đủ các chỉ số môi trường phù hợp cho con tôm sinh trưởng. Với bờ biển (dài trên 3.200 km), nhiều vùng nuôi tôm thích hợp, diện tích nuôi tôm ngày một mở rộng, các nhà máy chế biến tôm của Việt Nam đã đạt chuẩn để xuất khẩu sang các thị trường khó tính nhất…

Trong khi đó, thị trường tiêu thụ tôm thương phẩm có dư địa tăng trưởng lớn, tiềm năng rộng mở, bởi đây là loại thực phẩm được hơn 7 tỷ người trên toàn cầu sử dụng. Ngoài ra, tôm còn được dùng làm phụ gia khá phổ biến trong công nghiệp chế biến thực phẩm. Đặc biệt, thời gian qua nhu cầu tôm thương phẩm trên toàn cầu tăng trưởng hàng năm và chưa xác lập trần sản lượng.

Thực tế, ngành công nghiệp nuôi trồng và chế biến tôm xuất khẩu đã đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế. Đây là một mặt hàng xuất khẩu chủ lực với kim ngạch khoảng 3 – 4 tỷ USD/năm, chưa kể giá trị tiêu thụ nội địa và xuất khẩu qua đường tiểu ngạch.

Tuy nhiên, nuôi tôm đang tồn tại nhiều hạn chế khiến ngành này chưa thể bứt phá. Một trong hạn chế đầu tiên là quy mô diện tích dành cho nuôi tôm trong cả nước còn nhỏ, manh mún. Bởi dù có hàng triệu hecta nuôi tôm nhưng chưa có quy hoạch cụ thể, mà chủ yếu do người dân nuôi tự phát, quản lý chất lượng tôm giống tại các địa phương chưa chặt chẽ, tôm bố mẹ không rõ nguồn gốc xuất xứ, sản xuất kém chất lượng được bán tràn lan. Hệ thống thủy lợi được đầu tư rất kém, dịch bệnh tràn lan, tỷ lệ nuôi thành công chỉ đạt dưới 30% nên giá thành cao hơn các nước khác 20%.

Do không có vùng nuôi tôm lớn được quy hoạch nên rất khó quản lý chất lượng, con tôm Việt Nam bị nhiều quốc gia cảnh báo hoặc ngưng mua bởi có tồn dư kháng sinh, chưa kể việc cho tạp chất vào tôm để ăn gian trọng lượng vẫn diễn ra phổ biến.

Nhiều việc cần làm

Hiện tại, diện tích quy hoạch cho nuôi tôm chỉ khoảng hơn 600 nghìn ha. Trên cơ sở phân tích lợi thế cũng như những bất cập, ông Nguyễn Hoàng Anh kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương rà soát chuyển đổi một phần diện tích đất sang nuôi tôm ở các khu vực vực có lợi thế, đặc biệt diện tích đất bị xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nâng diện tích nuôi tôm cả nước lên quy mô khoảng 2 triệu ha.

“Trên cơ sở quy hoạch lại vùng nuôi tôm, Chính phủ xem xét cơ chế cùng doanh nghiệp chung tay đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ theo hướng áp dụng công nghệ cao, tiến bộ khoa học vào từng mắt xích trong chuỗi giá trị sản xuất ngành tôm. Về nguồn lực tài chính, Nhà nước cần dành khoản tín dụng ưu đãi để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp nuôi tôm. Nếu thực thi tốt chính sách ngành tôm thì mục tiêu đạt 10 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu là chắc chắn chứ hoàn toàn không viển vông”, ông Nguyễn Hoàng Anh khẳng định.

Bên cạnh đó, phải thay đổi cách tiếp cận từ “sạch bệnh” sang “kháng bệnh” đang được nhiều nước áp dụng, đó là nuôi tôm ở mật độ thấp nên ít bệnh, không phải dùng đến hóa chất, kháng sinh.

Tại Hội nghị Xây dựng nền nông nghiệp công nghiệp Việt Nam do Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam tổ chức vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc đánh giá Việt Nam đủ khả năng xuất khẩu 10 tỷ USD tôm là có thể. Thủ tướng nhất trí cho phép mở rộng diện tích nuôi tôm.

Việc Thủ tướng Chính phủ quan tâm ủng hộ về chủ trương và chỉ đạo quyết liệt sẽ giúp ngành công nghiệp nuôi trồng, chế biến tôm sớm có bước phát triển “đột phá” vươn lên trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và xác lập vị trí xứng đáng trên thị trường quốc tế.

>>Ông Nguyễn Hoàng Anh – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung: “Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt khoảng 3 tỷ USD, nhưng xuất khẩu tôm có thể đạt 10 tỷ USD trong thời gian tới nếu ngành tôm Việt Nam chuyển từ nuôi trồng tự phát sang hướng bài bản và khoa học hơn”.

Anh Vũ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!