Đề nghị đình chỉ điều tra bị can vụ án lấy nợ cá tra gần 9 năm

Chưa có đánh giá về bài viết

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết, vừa nhận được đơn đình chỉ điều tra bị can Phạm Thị Mai trong vụ án lấy nợ bán cá tra kéo dài đã gần 9 năm mà vẫn chưa chứng minh được tội phạm.

Mua bán thành tội phạm và 4 phiên tòa

Theo hồ sơ, ngày 24/9/2009, DNTN Vạn Hưng có nhà máy chế biến cá tra ở xã Vĩnh Châu (huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) mua cá tra của nhóm nông dân ở xã Tân Lộc Tây (quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ). Số lượng cá 335.317 kg, thành tiền 4.929.159.900 đồng, sau nhiều lần trả đến ngày 20/12/2010 DNTN Vạn Hưng còn nợ 1.630.000.000 đồng. Nhóm nông dân cử bà Phạm Thị Mai đi đòi nợ. Chủ DNTN Vạn Hưng là ông Khưu Chí Thức và bà Huỳnh Dù Táng không có tiền trả nợ nên ngày 20/1/2011, thỏa thuận bán nhà máy với giá 5.500.000.000 đồng cho nhóm bà Mai, tiền nợ thành tiền đặt cọc. Hợp đồng này được xác nhận của UBND xã Vĩnh Châu.

Sau đó, nhiều lần bà Mai xuống Vĩnh Châu để nhận tài sản nhưng không gặp được chủ DNTN Vạn Hưng. Đến sáng 19/2/2011, chủ DNTN Vạn Hưng điện thoại với bà Mai là do thiếu nợ nhiều nên phải lánh mặt, còn “những món đồ mà em hứa bán trả nợ cho chị trước đây thì chị cứ lấy để đảm bảo phần tiền đặt cọc của chị”. Bà Mai liền thuê người đến tháo 1 máy phát điện, 2 tủ đông lạnh. Ngày 22/2/2011, đem máy móc ra không lọt cửa nhà kho nên bà Mai cho đập tường để đi thì buổi chiều, bảo vệ DNTN Vạn Hưng là ông Trần Thại điện thoại báo Công an huyện Vĩnh Châu “có người đập phá lấy tài sản”. Công an huyện đến yêu cầu bà Mai đưa tài sản về trụ sở xã để làm việc nhưng bà Mai cứ bán máy phát điện được 230 triệu đồng còn 2 tủ đông lạnh đem đi gửi. Chủ DNTN Vạn Hưng tố cáo bà Mai phá kho, lấy tài sản.


Bà Phạm Thị Mai tại phiên tòa sơ thẩm lần thứ nhất ngồi trả lời thẩm vấn vì trong thời gian tạm giam đã bị liệt chân. Ảnh: Sáu Nghệ

Ngày 13/4/2011, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can bà Mai tội “Cưỡng đoạt tài sản” và “cố ý làm hư hỏng tài sản”. Ngày 12/4/2012 có kết luận điều tra và ngày 18/9/2012 thêm kết luận điều tra bổ sung. Ngày 22/5/2012 VKSND tỉnh Sóc Trăng ra cáo trạng truy tố bị cáo Mai hai tội theo điều tra.

Vòng xét xử thứ nhất. Ngày 22/3/2013, TAND tỉnh Sóc Trăng xử sơ thẩm, tuyên bị cáo Mai 7 năm tù về tội cưỡng đoạt tài sản, 6 tháng tù về tội cố ý làm hư hỏng tài sản. Bà Mai kháng cáo kêu oan và ngày 26/9/2013 Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP Hồ Chí Minh “Hủy toàn bộ bản án sơ thẩm (…) để điều tra lại”.

Điều tra lại, ngày 11/11/2014, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng có kết luận điều tra nội dung như cũ. Ngày 8/1/2015, VKSND tỉnh Sóc Trăng ra cáo trạng truy tố bị cáo Mai hai tội nhưng cáo trạng này bị hủy để đình chỉ điều tra tội “cố ý làm hư hỏng tài sản” và ngày 8/10/2015 có cáo trạng chỉ truy tố tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

Vòng xét xử thứ hai. Ngày 18/11/2015, TAND tỉnh Sóc Trăng xử sơ thẩm, tuyên bị cáo Mai 7 năm tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Bị cáo Mai kháng cáo kêu oan và ngày 18/8/2016 TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh tiếp tục “Hủy toàn bộ bản án sơ thẩm (…) để điều tra theo quy định”.


Đề nghị đình chỉ điều tra bị can

Bản án phúc thẩm lần thứ hai của TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã đặt ra hai nội dung chính điều tra cần làm rõ: Hợp đồng mua bán nhà máy và hành vi bị cáo Mai lúc lấy tài sản.

Về hợp đồng mua bán nhà máy, bản án phúc thẩm viết: “Xét về hình thức thì đây là hợp đồng hợp pháp, nhưng bản chất của vụ việc cho thấy người mua (bị cáo Mai) miễn cưỡng phải mua để trừ nợ, tuy nhiên hợp đồng mua bán không thực hiện được do Khưu Chí Thức vi phạm hợp đồng, không bàn giao nhà máy như đã ký kết. Trước đó, chính Khưu Chí Thức đã viết tờ cam kết thể hiện ý chí của mình là giao một số tài sản để trừ nợ nếu không trả được (BL số 285), cấp sơ thẩm chưa trưng cầu giám định chữ ký trên tờ cam kết có phải của Khưu Chí Thức không để có thêm căn cứ đánh giá về hành vi chiếm đoạt của bị cáo Mai”.

Về hành vi lấy tài sản của bà Mai, bản án phúc thẩm viết: “Mai thuê người đến lấy tài sản, ông Trần Thại là người bảo vệ DNTN Vạn Hưng có bị Mai và nhóm người bị cáo Mai thuê chở đồ đi có hành vi đe dọa ông Trần Thại không? Dấu hiệu đặc trưng của tội “Cưỡng đoạt tài sản” là tội phạm được xem đã hoàn thành tính từ lúc người phạm tội thực hiện xong hành vi đe dọa dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn uy hiếp tinh thần người khác kèm theo đòi hỏi về giao tài sản để chiếm đoạt. Vấn đề đặt ra ở đây là cần phải chứng minh bị cáo Mai có hành vi đe dọa dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn uy hiếp tinh thần ông Trần Thại (người đang quản lý, bảo vệ tài sản của Khưu Chí Thức) để chiếm đoạt tài sản của Khưu Chí Thức không? Nếu có đủ căn cứ kết luận bị cáo Mai có hành vi đe dọa dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn uy hiếp tinh thần ông Trần Thại để chiếm đoạt tài sản của Khưu Chí Thức thì cũng cần làm rõ khoản tiền 1.100.000 đồng mà Trần Thại thừa nhận có nhận của bị cáo Mai là khoản tiền gì? Có phải đây là tiền bị cáo Mai cho uống cà phê như Trần Thại khai không?”. Nội dung này, tại tòa sơ thẩm cũng như phúc thẩm, ông Trần Thại đều vắng mặt nên không làm rõ được, “Do đó, việc đại diện VKSND cấp cao đề nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại là có căn cứ và phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử”.

Đến nay, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng vẫn chưa làm rõ được. Vì thế, ngày 4/3/2020, Luật sư Nguyễn Trường Thành bào chữa cho bà Mai gửi đơn đến Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng đề nghị đình chỉ điều tra bị can, “Bởi lẽ, đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm”.

Luật sư Thành cho biết thêm, ngày 8/11/2011, VKSND tỉnh Sóc Trăng có Văn bản số 705/VKS-P7 trả lời luật sư, xác định tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản nhà máy “là tranh chấp dân sự, không có dấu hiệu hình sự”. Nên cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Sóc Trăng khởi tố điều tra và xét xử bên mua lại tài sản để trừ nợ là hoàn toàn mâu thuẫn với Văn bản số 705/VKS-P7.

>> Đơn của Luật sư “đề nghị đình chỉ điều tra bị can và khôi phục các quyền lợi hợp pháp cho bị can Phạm Thị Mai theo quy định pháp luật. Không kéo dài thêm vụ việc ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của công dân, bị can cũng như uy tín của cơ quan và người tiến hành tố tụng”.

Ngọc Duyên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!