Đề xuất giải pháp gỡ khó cho nghề nuôi tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

Trước tình trạng nhiều hộ dân sau thời gian dài chạy theo con tôm thẻ chân trắng đang phải “treo ao”, nợ ngân hàng khó trả, cạn kiệt nguồn vốn và nguy cơ phá vỡ nghề nuôi tôm, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam Nguyễn Việt Thắng đã nêu lên một số nguyên nhân và đề xuất biện pháp tháo gỡ.

Theo ông Nguyễn Việt Thắng, từ khi con tôm thẻ chân trắng chính thức được nuôi song song với tôm sú, những năm đầu đã mang lại hiệu quả đáng kể, vì môi trường nuôi tốt và thời tiết thuận lợi đã khiến người dân ồ ạt thả nuôi. Tuy nhiên, từ năm 2010, đặc biệt là từ năm 2012 đến nay, hoạt động nuôi tôm (đặc biệt là quy mô nông hộ nhỏ, diện tích dưới 3 ha) tỷ lệ thất bại khá cao dẫn đến nhiều hệ lụy.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng theo ông Thắng, chủ yếu là do cấu trúc mặt bằng cơ sở nuôi, vùng nuôi bị phá vỡ; việc kiểm soát con giống bị buông lỏng; kỹ thuật nuôi không được cải tiến; thị trường thuốc thú y, sản phẩm xử lý và cải tạo môi trường trong nuôi trồng bị bỏ ngỏ; việc phân công quản lý Nhà nước trong nuôi trồng thủy sản chồng chéo, phức tạp và không hiệu quả. Trong khi đó, môi trường nuôi ngày càng không tốt, biến đổi khí hậu ngày càng bất lợi cho nuôi tôm; cùng đó thị trường và giá cả thiếu sự kiểm soát chặt chẽ khiến việc tiêu thụ sản phẩm bấp bênh. Chưa kể, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của người dân gần như không thể.

Cải tạo ao bị bỏ ngỏ sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy – Ảnh: Phan Thanh Cường

Để khắc phục những vấn đề này, theo Chủ tịch Thắng, Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản cần phải nhanh chóng điều tra tổng thể hiện trạng nghề nuôi tôm, từ đó có định hướng đúng cho việc phát triển nuôi tôm nói chung với biện pháp ứng xử thích hợp cho từng loại hình. Tổ chức nhiều cuộc hội thảo chuyên đề bàn giải pháp cụ thể cho phát triển bền vững con tôm, đặc biệt là khuyến cáo mật độ thả nuôi…

Ngoài ra, cần kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh trên tôm nuôi, các sản phẩm sử dụng trong nuôi trồng đang bày bán trên thị trường. Cùng đó, nghiên cứu đưa ra mô hình sản xuất thích ứng với thời tiết, biến đổi khí hậu, đặc biệt là hỗ trợ áp dụng tiêu chuẩn VietGAP. Mặt khác, phải kịp thời thông tin về thị trường, giá cả, cũng như tháo gỡ khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của người nuôi…

Thu Hồng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!