T2, 06/07/2020 02:07

Diễn biến thị trường thủy sản trước đại dịch COVID-19

Chưa có đánh giá về bài viết

COVID-19 tiếp tục tác động mạnh vào thương mại thủy sản toàn cầu khiến chuỗi cung ứng đảo lộn và kênh dịch vụ ẩm thực sụp đổ. Dưới đây là tổng hợp một số diễn biến trên thị trường thủy sản toàn cầu từ 9/4.

Tham vọng thuyết phục Mỹ vận chuyển nguyên liệu thô sang Ba Lan chế biến, thay vì đưa sang Trung Quốc của các hãng chế biến thủy sản tại Ba Lan dường như đã “tan thành mây khói” do đại dịch COVID-19. Theo ông Jaroslaw Zielinsky, Hiệp hội Các nhà chế biến thủy sản Ba Lan, tổ chức này đã dày công lên kế hoạch từng bước thuyết phục các nhà cung cấp nguyên liệu thô tại Hội chợ thủy sản Boston và Brussels để họ chuyển hướng sang Ba Lan. Tuy nhiên, cả 2 sự kiện này đều bị hoãn, trong đó hội chợ Boston mới được nhà tổ chức xác nhận thời gian tổ chức mới vào tháng 22 – 23/9 năm nay.

Ngày càng nhiều lời cảnh báo về tình trạng cầu tiêu thụ cá hồi trên toàn thế giới đang suy yếu nghiêm trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến người nuôi cá hồi tại Na Uy. Chuyên gia phân tích tại Nordea Bank cho hay, cầu tiêu thụ cá hồi toàn thế giới sẽ giảm ít nhất 15% trong năm nay do đại dịch COVID-19, SpareBank cũng hạ mức dự báo giá cá hồi 2020 khoảng 13%, còn Norway Royal Salmon cũng giảm sản lượng ước tính trong quý đầu 2020 tới 33% xuống 5.400 tấn.

Nhiều hãng thủy sản toàn cầu gặp rắc rối và lúng túng trong ứng phó với COVID-19 một phần do thiếu trang thiết bị công nghệ số hóa và quá phụ thuộc vào hình thức kinh doanh giao dịch trực tiếp giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp (B2B), theo Anton Trantin, Tổng giám đốc công ty Yorso của Nga.

Trong khi đó, Hiệp hội quốc tế về lao động nữ trong ngành thủy sản cho rằng dịch bệnh COVID-19 sẽ tác động tới lao động nữ nhiều hơn nam giới.

Tại Mỹ, Love the Wild, công ty giao các món ăn chế biến sẵn để nấu tại nhà từng đã nỗ lực thay đổi cách suy nghĩ của người tiêu dùng về thủy, hải sản, cũng đã dừng bán lẻ vì để thử nghiệm một mô hình kinh doanh kiểu mới. Tuy nhiên, sự thay đổi kinh doanh gặp thất bại bởi đúng lúc dịch bệnh COVID-19 bùng phát, người dân bị cách ly và chỉ ăn uống tại nhà. Cùng đó, thực phẩm tươi sống ế ẩm, còn doanh số hàng đông lạnh tăng vụt cùng sự lên ngôi của các kênh bán lẻ.  

Tại Ecuador, ngành tôm vẫn hoạt động bình thường nhưng công suất đã giảm 50% do COVID-19 đang lan rộng tại quốc gia này. Các hãng cung cấp tôm tại đây cho hay, giá tôm sẽ tăng do sản xuất khó khăn, nhưng nghịch lý là cầu tiêu thụ lại không tăng cao như kỳ vọng.

Số đơn đặt hàng từ Mỹ, thị trường hải sản lớn nhất của Ấn Độ, đã giảm một nửa kể từ khi virus corona lây lan và các lệnh phong tỏa. Điều này cũng khiến cho việc sản xuất hải sản tươi sống ở Odisha bị đình trệ. Xuất khẩu sang Mỹ đã giảm hơn 50% kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Hiện nay, Ấn Độ cũng đang không nhận được những đơn đặt hàng đến từ các thị trường trọng điểm khác như Liên minh châu Âu (EU), Việt Nam và Nhật Bản. Sản xuất hải sản tươi tại Odisha đã bị tạm dừng kể từ khi lệnh phong tỏa trên cả nước được tuyên bố.

Tuấn Minh (Tổng hợp)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!