Điệp khúc ương cá – trồng lúa

Chưa có đánh giá về bài viết

Sau thời gian nở rộ việc bỏ lúa, đào ao nuôi cá tra giống thì nay nhiều hộ dân ở vùng Đồng Tháp Mười lại quay lại lấp ao, tiếp tục trồng lúa vì việc ương nuôi cá tra giống liên tục thua lỗ.

Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều ngành hàng, trong đó cá tra cũng không ngoại lệ. Xuất khẩu sụt giảm, tình hình nuôi cá tra cũng gặp nhiều khó khăn, giá cá tra nguyên liệu giảm sâu; kéo theo giá cá tra giống cũng sụt giảm mạnh.

Theo Sở NN&PTNT Long An, giá cá tra giống trên địa bàn tỉnh hiện duy trì ở mức thấp, khoảng 18.000 – 21.000 đồng/kg (loại 30 – 35 con/kg). Mức giá khiến người ương nuôi cá tra giống thua lỗ nặng; đặc biệt, đây là mức giá đã kéo dài nhiều tháng liền và chưa có dấu hiệu khả quan hơn đối với người ương nuôi cá tra giống tại các tỉnh vùng Đồng Tháp Mười ở Long An như Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Mộc Hóa và thị xã Kiến Tường.


Một hộ dân ở huyện Tân Hưng, Long An sau thời gian đào ruộng nuôi cá tra, nay san lấp ao để tiếp tục trồng lúa. Ảnh: An Long

Từ cuối năm 2017, phong trào bỏ trồng lúa, đào ao trên đất ruộng để ương nuôi cá tra giống bắt đầu lan rộng ở vùng Đồng Tháp Mười. Đến năm 2019, diện tích chuyển đổi từ trồng lúa sang đào ao ương nuôi cá tra giống tại các tỉnh trên đã hơn 3.500 ha.

Đơn cử như tỉnh Long An, mặc dù ngành nông nghiệp tỉnh đã có nhiều biện pháp hạn chế như xử phạt hành chính về việc khai thác đất sai mục đích, yêu cầu đăng ký hồ sơ chặt chẽ… nhưng một số huyện vẫn có tốc độ bỏ lúa nuôi cá tra “chóng mặt”. Điển hình như huyện Tân Thạnh, từ khoảng 20 ha cuối năm 2017, đến năm 2018 đã tăng lên 634 ha và cuối năm 2019 đã trên 1.300 ha. Hoặc như huyện Tân Hưng, chỉ sau hơn 2 năm phát triển “nóng” đã có 1.037 hộ dân đã chuyển đổi hơn 1.800 ha đất lúa sang đào ao ương cá tra bột lên cá giống. Hệ quả là theo ước tính của ngành nông nghiệp Long An, trong quý I/2020, có trên 70% số hộ dân vùng Đồng Tháp Mười nuôi cá tra bị thua lỗ hoặc hòa vốn.

Trước tình hình trên, từ đầu năm 2020, nhiều hộ đã bỏ lúa, đầu tư đào ao nuôi cá tra nay quay lại lấp ao để tiếp tục trồng lúa. Tính đến nay, đã có hơn 100 ha ao nuôi tại huyện Tân Thạnh và hơn 80 ha tại Tân Hưng đã được người dân lấp lại để trồng lúa hoặc một số loại cây khác, sau khi bị thua lỗ vì đầu tư ương nuôi cá tra giống.

Việc tái ao nuôi cũng đang có dấu hiệu chững lại. Tuần đầu tháng 5/2020, chỉ có 10 ha ao nuôi cá tra được người dân tiếp tục thả nuôi. Hiện, vẫn còn gần 1.100 ha ao nuôi đang tiếp tục để trống, người dân chưa thả nuôi vì đầu tư sẽ tiếp tục bị lỗ.

Tuấn Kiệt

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!