Định hướng phát triển thủy sản tại ĐBSCL

Chưa có đánh giá về bài viết

Trong hội nghị phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu tại Cần Thơ do Chính phủ tổ chức cuối tháng 9, Bộ NN&PTNT có báo cáo chuyên đề về chuyển đổi trục tăng trưởng kinh tế: thủy sản – cây ăn trái – lúa. Theo đó, dưới nhiều yếu tố khách quan và chủ quan tác động sâu sắc tới thiên nhiên (đất và nước), ĐBSCL được chia làm 3 tiểu vùng.

Thủy sản là mũi nhọn phát triển tại khu vực ĐBSCL   Ảnh: PTC

Thủy sản là mũi nhọn phát triển tại khu vực ĐBSCL Ảnh: PTC

Việc phân vùng ĐBSCL dựa trên Bản kế hoạch châu thổ Mê Kông do Chính phủ Hà Lan và Việt Nam xây dựng năm 2013. Từ đó, Bộ NN&PTNT nêu ra định hướng phát triển thủy sản cho từng tiểu vùng để khai thác tốt tiềm năng.

Hai tiểu vùng mạn trên

Tiểu vùng thượng nguồn gồm các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Long An. Tiểu vùng giữa gồm các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang và một phần diện tích của Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu.

Tiểu vùng thượng nguồn: Về dài hạn, đây là vùng trọng điểm sản xuất lúa, đảm bảo dự trữ chiến lược cho an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu và vùng chuyên canh cá tra theo hướng hiện đại, bền vững lớn nhất trên thế giới. Do vậy, chiến lược sinh kế chính đối với tiểu vùng này là phải chuyển từ sinh kế dựa chính vào lúa 3 vụ sang sinh kế đa dạng hòa hợp với lũ.

Thủy sản ở đây, đẩy mạnh nuôi cá tra, phát huy lợi thế nguồn nước ngọt. Trong  điều kiện biến đổi khí hậu, thách thức từ thị trường, giữ ổn định diện tích nuôi cá tra, tôm càng xanh và các đối tượng thủy sản bản địa của các tỉnh, tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi, chú trọng vào nâng cao giá trị sản phẩm. Xây dựng An Giang trở thành trung tâm giống cá tra công nghệ cao, cung cấp con giống chất lượng cao theo hướng liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp; từng bước đáp ứng đủ về nhu cầu con giống cá tra có chất lượng tốt cho vùng ĐBSCL, góp phần tái tạo ngành hàng cá tra theo hướng bền vững và hiệu quả.

Tiểu vùng giữa: Về dài hạn, đây là vùng trọng điểm trái cây của cả nước phục vụ xuất khẩu, bên cạnh các vùng chuyên canh rau màu, sử dụng đất linh hoạt để chuyển sang trồng lúa khi cần thiết. Chiến lược sinh kế chính, chuyển từ diện tích lúa 3 vụ và vườn tạp sang chuyên canh trái cây, chuyên canh cây công nghiệp và chuyên canh rau màu, bên cạnh phát triển thủy sản nước lợ ở mức độ vừa phải.

Thủy sản ở tiểu vùng giữa, phát triển mạnh các đối tượng thủy sản nước ngọt (cá tra, tôm càng xanh) và các đối tượng đặc sản nước ngọt tại các tỉnh Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, Tiền Giang. Phát triển thủy sản nước lợ (tôm nước lợ, cua…) tại một số huyện tiếp giáp vùng nước lợ ven biển của các tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre và Tiền Giang.

Tiểu vùng ven biển

Tiểu vùng này bao gồm một phần diện tích các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang và phần lớn diện tích tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau. Cách phân vùng này cho phép việc phân tích và thiết kế các định hướng chuyển đổi sinh kế trong nông nghiệp  phù hợp hơn với tình  hình biến đổi khí hậu và phát triển thượng nguồn.

Đây là vùng bị ảnh hưởng nhiều nhất trong điều kiện biến đổi khí hậu, tuy nhiên, cũng có điều kiện thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản. Về dài hạn, đây là vùng trọng điểm chuyên canh về nuôi trồng thủy sản của cả nước, hướng tới mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu tôm 10 tỷ USD vào năm 2025. Do vậy, chiến lược sinh kế chính đối với tiểu vùng này là chuyển đổi sang thủy sản chuyên canh bền vững thông minh, chống chịu với biến đổi khí hậu kết hợp phục hồi rừng ngập mặn.

Về thủy sản, chú trọng tôm sú duy trì ổn định diện tích 600.000 ha, phát huy lợi thế nuôi tôm sú tại các vùng sinh thái đặc trưng tôm – rừng ngập mặn, tôm – lúa nhằm giữ lợi thế cạnh tranh và thị trường xuất khẩu tôm sú trên thế giới.

Đối với tôm thẻ chân trắng, tiếp tục phát triển nuôi ở địa phương có lợi thế/kiểm soát tốt dịch bệnh nhằm gia tăng sản lượng và giá trị xuất khẩu từ tôm thẻ chân trắng. Xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển tôm Bạc Liêu trở thành đầu tàu về công nghệ để ươm tạo; đưa các kết quả nghiên cứu vào sản xuất, tổ chức đào tạo, chuyển giao công nghệ, thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư để tạo ra công nghệ cao phục vụ ngành công nghiệp tôm của tỉnh Bạc Liêu, tạo tác động lan tỏa cho cả vùng bán đảo Cà Mau cũng như vùng ĐBSCL. Phát triển ngành tôm theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, đảm bảo phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Phát triển tỉnh Cà Mau trở thành trung tâm tôm (đặc biệt là tôm sinh thái) lớn nhất của vùng ĐBSCL và cả nước với mô hình tổ chức sản xuất phù hợp, áp dụng công nghệ nuôi tiên tiến để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm; đồng thời, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái.

Phát triển thủy sản nước mặn, nuôi hải sản lồng bè trên biển quanh đảo (Kiên Giang, Cà Mau), nghiên cứu, thử nghiệm các đối tượng nuôi trồng mới trên biển như rong biển, nho biển, rau câu.

Vùng luân canh  lúa – tôm sú nước lợ: Phạm vi 10 – 20 km cách biển, quy mô khoảng  200.000 ha tại các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang. Cơ cấu giống: Sử dụng các giống lúa đặc sản, lúa thơm (115 – 125 ngày), tạo ra các sản phẩm đặc thù địa phương, chỉ dẫn địa lý phục vụ cho thị trường cao cấp, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Rừng ngập mặn/ngập lợ: Bảo vệ rừng và phát triển rừng ngập mặn kết hợp nuôi trồng và thủy sản tự nhiên (rừng đặc dụng – cua/giáp xác – nhuyễn thể, rừng ngập mặn – tôm, rừng ngập mặn – cua – nhuyễn thể – thu hoạch con giống tự nhiên như cua giống, cá kèo…; tổ chức cộng đồng và liên kết với doanh nghiệp và kết hợp du lịch sinh thái) với diện tích khoảng 90.000 ha chủ yếu tại Cà Mau. Phục hồi và trồng mới hệ thống rừng ngập mặn ven biển nhất là tại Cà Mau để bảo vệ môi trường sống và sinh sản cho các loại thủy, hải sản và phát triển bền vững sinh kế dựa trên nuôi trồng thủy sản của toàn vùng.

>> GS Võ Tòng Xuân: Gợi ý về phát triển nuôi tôm tại ĐBSCL: Đối với tôm sú, tôm thẻ chân trắng thì có thể nuôi, quảng canh, bán thâm canh, hoặc thâm canh. Vùng nuôi tôm khi được dồn điền đổi thửa và hệ thống thủy lợi hợp lý sẽ có nước ngọt pha mặn sạch đưa vào từng thửa vuông. Đối với tôm càng xanh thì nên kết hợp nuôi trong ruộng lúa. Hoặc nuôi trong ruộng 3 vụ lúa vùng ngập sâu bao đê tại Đồng Tháp Mười.

Ngọc Duyên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!