Đổ nợ vì ngao đang xảy ra tại các huyện ven biển tỉnh Thanh Hóa

Chưa có đánh giá về bài viết

Nuôi ngao thắng một vụ có thể đổi đời. Nhưng đấy là lúc mưa thuận gió hòa, ngược lại khi sự cố xảy đến thì tất cả đổ xuống sông xuống bể chỉ trong tích tắc… Thực trạng trên đang diễn ra tại các huyện ven biển của tỉnh Thanh Hóa.


Bãi nuôi rộng gần 3ha của nhà chị Dung ngao chết sạch bách

Giàu con ngao, khó con ngao

Một người nuôi ngao có tiếng từng bộc bạch: “Giá trị con ngao mang lại không thể phủ nhận, thắng một vụ thôi nghiễm nhiên thu về tiền trăm bạc tỷ, hộ nào triển khai với quy mô lớn giá trị kinh tế tăng theo cấp số nhân. Nhưng đó là ở khía cạnh tích cực, quả thực nếu ông trời không thương thì nguy cơ đổ nợ rất khó tránh khỏi”.

Mới đây thôi một hộ dân vùng đất biển Quảng Xương thảng thốt nỗi bạc phận trong cay đắng. Đổ mồ hôi sôi nước mắt, chạy đôn chạy đáo khắp nơi huy động kinh phí dồn hết vào đầm ngao, sau gần 2 năm tích cực chăm bẵm những tưởng sẽ thu về thành quả xứng đáng, nào ngờ dịch bệnh ập đến khiến mọi thứ đảo chiều chóng vánh.

Đó là trường hợp của chị Phạm Thị Dung, trú thôn Thạch Hải, xã Quảng Thạch. Gia đình chị Dung thầu lại đầm ngao từ năm 2015, quá trình nuôi từ đó đến nay dù dăm ba lần xảy ra sự cố nhưng nhìn chung luôn trong tầm kiểm soát, thế nên sự việc lần này khiến anh chị hoang mang thực sự.

“Miếng ăn đến tận miệng vẫn bị mất, xót xa lắm chú ơi. 2 ngày đầu thu hoạch được 4 tấn sản phẩm nên tin chắc vụ này thắng đậm, ngờ đâu kế đó ngao thi nhau chết trắng bãi với số lượng cả trăm tấn, cánh thương lái biết chuyện ngay lập tức dừng luôn thu mua”, chị Dung thở dài thườn thượt.

Công nhân nhặt xác ngao không xuể

Công nhân nhặt xác ngao không xuể

Tình trạng ngao chết bắt đầu xuất hiện từ ngày 7/4 với mức độ rải rác, nghĩ đơn thuần chỉ là hiện tượng nhất thời nên gia đình không mảy may đắn đo, tuy nhiên 2 ngày sau (9/4) tình hình chuyển xấu thấy rõ, cả bãi nuôi rộng gần 3ha ngao thi nhau chết như ngả rạ. Ngao chết đến đâu niềm tin của người nuôi hao mòn đến đó, lúc này thay vì thu hoạch sản phẩm cánh nhân công lại quay sang thu gom phế phẩm.

“Vợ chồng tôi dự kiến đợt này thu về khoảng 90 tấn hàng, với mức giá 15.000 đồng/kg ước thu về trên 1,3 tỷ đồng. Nhưng người tính không bằng trời tính, đến thời điểm này xem như mất trắng hết cả rồi. Sau mỗi bận thủy triều rút xác ngao lại trồi lên kín mít, 2 tuần qua gia đình liên tục thuê mướn nhân công thu dọn bãi, ngày ít tầm 10 – 15 người, có những hôm đỉnh điểm lên đến 30 người, vị chi 200.000 đồng/công, tính ra cũng mất ối tiền. Nào đã hết, tới đây còn phải thay nguồn cát mới để ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh, công đoạn này tiêu tốn vài trăm triệu chứ chẳng chơi”, anh Nguyễn Ngọc Sơn, chồng chị Dung âu lo.

Về nguyên nhân, anh Sơn phỏng đoán 2 yếu tố, 1 là quá trình tháo nước cống sông Lý ở đầu nguồn, 2 là dịch bệnh phát sinh theo chu kỳ. Có điều, bãi của gia đình anh Sơn cách khu vực nuôi xã Quảng Nham chưa đến 1 hải lý, cùng chung con nước nhưng phía bên kia gần 70ha ngao cơ bản vẫn bình yên vô sự.

Chủ tịch UBND xã Quảng Thạch Đoàn Văn Sâm khẳng định mức độ thiệt hại lần này quá lớn, bao nhiêu năm công tác ông chưa từng chứng kiến sự việc nào tương tự. Được biết sau khi nắm bắt thông tin, lãnh đạo huyện Quảng Xương đã cử đơn vị chuyên ngành xuống hiện trường lấy mẫu ngao, mẫu nước tiến hành xác minh, đến nay (21/4) vẫn chưa có kết luận chính thức.  

Muôn vàn mối lo

Trường hợp của gia đình anh Sơn, chị Dung là tình cảnh chung của phần lớn các hộ nuôi ngao trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, thực tế cho thấy nếu không sớm có phương án khắc phục e rằng “dân không sống được với nghề”.

Bấy lâu nay huyện Hậu Lộc được biết đến là vựa ngao với quy mô trên 500ha, nếu tính cả những diện tích nằm ngoài quy hoạch con số thực không dừng lại ở đó. Thời hoàng kim con ngao hệt như cỗ máy in tiền, giúp nhiều hộ đổi đời, còn giờ đây nuôi ngao chẳng biết đường nào mà lần, sự cố liên tiếp ập đến khiến của nả cứ thế đội nón ra đi.

Nuôi ngao là nghề tốn kém, thầu được ao đầm là một nhẽ, triển khai được lại là chuyện khác. Tính chi ly, một đầm ngao diện tích tầm 1ha kinh phí đầu tư trên dưới cả tỷ đồng (chi phí cải tạo, thuê nhân công, giống má), vốn liếng eo hẹp nên phần lớn các hộ phải tiến hành vay mượn, cầm cố tài sản mới đủ sức cáng đáng. Trong số hàng trăm gia đình ở xã Hải Lộc theo nghề này, không dưới 80% sổ đỏ đang nằm yên vị tại các… ngân hàng.

Chủ đầm Phạm Thị Dung thất thần

Chủ đầm Phạm Thị Dung thất thần

Anh Phạm Văn Ba, trú thôn Lộc Tiên, người vẫn được xem là “vua ngao”. Anh Ba nằm trong số ít người đủ tiềm lực tài chính để theo nghề, việc sở hữu hàng chục ha nuôi là minh chứng rõ nét nhất. Dù vậy độ hơn 1 năm trở lại đây, tình hình không xuôi chèo mát mái khiến gia đình anh phải trải qua nhiều phen trầy trật.

Đầu tiên là sự cố “xả trộm chất thải” gây hoang mang dư luận cuối năm 2016, khu vực bãi nuôi bị ô nhiễm trầm trọng khiến 4ha ngao giống của gia đình chết sạch bách, thiệt hại lên đến 3,7 tỷ đồng. Chưa hết, bản thân anh Ba còn đứng ra cung ứng giống cho một số hộ trong vùng, riêng kinh phí bồi thường ngốn thêm 1,2 tỷ đồng nữa.

Trót đâm lao đành phải theo lao, sau biến cố đó anh Ba chạy vạy huy động được 3 tỷ đồng thuê mướn nhân công, điều động máy móc cải tạo ròng rã bãi nuôi suốt 5 tháng trời, thế nhưng xuống giống chưa được bao lâu thì cơn ác mộng lại tiếp diễn. Chung tình cảnh như bao hộ nuôi khác, trận lũ lịch sử ngày 9 – 12/10 năm ngoái càn quét tan hoang tất cả. Hai biến cố liên tiếp “cướp” mất của gia đình ngót nghét chục tỷ bạc, thế nhưng sau quá trình kiểm đếm, thống kê thiệt hại số tiền anh Ba được hỗ trợ tái sản xuất chỉ khoảng… 200 triệu đồng.

Thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu cùng sự tác động trực tiếp từ chính con người là những yếu tố đẩy nghề nuôi ngao tại Thanh Hóa lâm vào tình cảnh khốn cùng.

Việt Khánh

Báo Nông Nghiệp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!