Doanh nghiệp tự chủ giám sát chất lượng

Chưa có đánh giá về bài viết

Là vấn đề nóng, thu hút sự quan tâm của người nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu; việc siết chặt các quy định về vệ sinh ATTP thủy sản là điều cần thiết. Nhưng doanh nghiệp mong muốn các quy định được đưa ra không phải là “làm khó” mà phải tạo điều kiện thuận lợi để họ nâng cao chất lượng sản phẩm.

Doanh nghiệp kiểm nghiệm sản phẩm để đảm bảo chất lượng trước khi xuất khẩu   Ảnh: LHV

Doanh nghiệp kiểm nghiệm sản phẩm để đảm bảo chất lượng trước khi xuất khẩu Ảnh: LHV

Tăng cường kiểm dịch

Năm 2016, các cơ quan trung ương và địa phương đã tổ chức thanh, kiểm tra 29.214 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, giống cây trồng, vật nuôi; phát hiện, xử lý 3.877 cơ sở vi phạm quy định về chất lượng, ATTP chiếm tới 13%.

Trong các cuộc hội thảo và hội nghị bàn về an toàn vệ sinh thực phẩm ngành thủy sản, đa số ý kiến đều tập trung vào việc tăng thêm chế tài xử phạt; song cũng có nhiều quan điểm cho rằng Việt Nam cần phát triển hệ thống kiểm định chất lượng, nhằm giúp các doanh nghiệp, người nuôi có thể dễ dàng tiếp cận.

Hiện nay, trên  khu vực ĐBSCL có 40/45 Phòng Kiểm nghiệm (PKN) được công nhận phù hợp tiêu chuẩn Quốc tế ISO 17025; 7 PKN được Bộ NN&PTNT đánh giá chỉ định đủ năng lực kiểm nghiệm hầu hết các chỉ tiêu ATTP theo yêu cầu trong nước và quốc tế… Song tại cuộc tiếp xúc với cử tri, các đại biểu quốc hội vẫn nhận được nhiều ý kiến phản ánh về khó khăn trong việc kiểm định chất lượng, nhất là với các nông hộ nhỏ lẻ, các hợp tác xã.

Còn đa số các hộ nuôi trồng thủy sản đều chia sẻ, chi phí kiểm định cấp chứng chỉ an toàn vệ sinh nuôi trồng hiện nay quá cao nên việc thực hiện đại trà là khó khăn, nhất là với các chứng chỉ mang tính quốc tế. Hơn nữa, các chứng nhận nuôi trồng an toàn chỉ có thời hạn nhất định, sau đó lại phải đầu tư, kiểm định mới hoàn toàn. Vậy làm sao để người dân tiếp cận được các chứng chỉ nuôi trồng thủy sản sạch với chi phí hợp lý vẫn là câu hỏi lớn.

Đơn giản hóa thủ tục

Dù không có trong Luật ATTP, nhưng quy định “xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP” để được cấp công bố hợp quy theo Nghị định 38/2012/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật ATTP lại là thủ tục bắt buộc với các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chế biến bao gói. Theo đại diện VASEP, quy định này của Bộ Y tế không chỉ không phát huy tác dụng của việc kiểm soát ATTP mà còn dẫn tới một hệ quả về thời gian để xin cấp giấy tiếp nhận chứng nhận hợp quy dài hơn nhiều so với quy định do các thủ tục xét duyệt phức tạp; mặc dù, sản phẩm đã được kiểm nghiệm và xác nhận đạt chất lượng theo quy chuẩn. Đó còn chưa kể tới việc các tiêu chí để thẩm xét công bố phù hợp quy định ATTP không rõ ràng, thậm chí vô lý, nên dễ dẫn tới việc cán bộ thẩm xét trực tiếp thực hiện sẽ làm việc theo “cảm tính”, gây ra tình trạng khó khăn cho doanh nghiệp.

Đại diện nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, chúng ta nên tham khảo và vận dụng cách quản lý ATTP của các nước tiên tiến trên thế giới. Đa số các nước chỉ quản lý nhà nước dựa trên việc đánh giá điều kiện sản xuất, lấy mẫu phân tích và thanh, kiểm tra. Trong khi, Việt Nam còn quản lý dựa vào giấy chứng nhận (“giấy phép con”) rất mất thời gian và không mấy hiệu quả. Một doanh nghiệp về sản xuất, kinh doanh thức ăn chia sẻ, riêng với mặt hàng thức ăn chăn nuôi cho gia súc, thủy sản có nguồn gốc từ động vật như bột cá, bột xương, dầu cá… vừa phải kiểm dịch động vật, kiểm dịch thủy sản lại vừa phải kiểm tra chất lượng, mất thời gian, công sức và chi phí cho doanh nghiệp.

Việc thanh, kiểm tra và cấp phép là nghĩa vụ và trách nhiệm của các cơ quan hữu quan, song thời gian để hoàn thành thủ tục công bố hợp quy an toàn thực phẩm cho nhiều loại sản phẩm, bao gồm sản phẩm cho tiêu thụ nội địa, mất 3 tuần là quá dài. Chưa kể tình trạng, sau 3 tuần, doanh nghiệp mới nhận được hồi đáp là hồ sơ không đạt yêu cầu, phải làm lại, hoặc bổ sung. 

>> Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã giao các Bộ (Khoa học và Công nghệ, Y tế, NN&PTNT…) phối hợp với cơ quan chức năng rà soát, thống nhất danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành theo hướng không chồng chéo. Với hàng hóa xuất, nhập khẩu, mục tiêu giảm tỷ lệ lô hàng phải kiểm tra xuống còn 15%. Nếu làm được điều này có thể giảm được hàng chục nghìn tỷ đồng chi phí cho doanh nghiệp.

Nguyễn Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!