Đổi mới công nghệ thâm canh thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Nuôi trồng thủy sản đã và đang tạo ra một phần ô nhiễm vùng nuôi và phát sinh nhiều dịch bệnh. Ở quy mô thâm canh thì ô nhiễm càng tăng và nguy cơ dịch bệnh càng nhiều. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong hình thức nuôi này là nhu cầu bức thiết để có sản phẩm chất lượng phục vụ xuất khẩu.

Công nghệ lạc hậu

Kinh nghiệm của bà con bấy lâu nay đều cho rằng nuôi tôm mật độ thưa ít bệnh hơn, nuôi quảng canh ít bệnh hơn. Song đó chỉ là một quan niệm dựa trên cách nuôi tôm truyền thống, ít dùng khoa học kỹ thuật. Bởi trong thực tế khoa học kỹ thuật phát triển, nhiều nước đã nuôi tôm công nghiệp mật độ rất dày, nhưng tôm không bị bệnh và năng suất rất cao. Và xu hướng hiện đại thì việc nuôi tôm mật độ dày cũng dễ dàng hơn trong việc kiểm soát chất lượng và sản lượng tôm xuất khẩu. Đơn cử vấn đề ô nhiễm nguồn nước, nhiều quy trình công nghệ nuôi trồng thủy sản ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đã có như Công nghệ nuôi thủy sản tuần hoàn (RAS), hệ thống nuôi thủy sản Raceway, công nghệ Biofloc, công nghệ Aquaponics… mà nếu áp dụng thì có thể tăng sản lượng, cho sản phẩm sạch  mà vẫn thân thiện với môi trường. Các nhà khoa học cũng cho biết, nếu Việt Nam quyết liệt phát triển công nghệ sinh học trong ngành thủy sản, theo hướng vi sinh cân bằng chất lượng nước và bổ sung dinh dưỡng cho tôm thì vẫn có thể nuôi thâm canh bền vững.

Theo Bộ NN&PTNT, khoa học công nghệ hiện nay tập trung vào lĩnh vực sản xuất giống tôm sú, tôm chân trắng, tôm càng xanh, cá tra, rô phi, cá tra. Lĩnh vực chế biến, đã nghiên cứu và ứng dụng công nghệ làm lạnh nước biển, bể ngâm hạ nhiệt, khay chứa đựng, các phương tiện bốc dỡ, công nghệ bảo quản và vận chuyển sống đối với một số loài hải sản như cá, nhuyễn thể, giáp xác… Song đánh giá chung là “Hoạt động khoa học công nghệ nhìn chung hiệu quả chưa cao, số lượng các sản phẩm liên quan đến khoa học ứng dụng cũng như các sản phẩm khoa học tạo ra từ nguồn ngân sách nhà nước được thương mại hóa còn ít, ứng dụng thực tiễn còn thấp”.

 đổi mới công nghệ thâm canh thủy sản

Nuôi tôm siêu thâm canh nhà kính tại Bạc Liêu – Ảnh: Phan Thanh Cường

Định hướng chính

Các cuộc hội thảo công nghệ một vài năm gần đây, đa số các ý kiến đều cho rằng Việt Nam cần ưu tiên phát triển công nghệ chống biến đổi khí hậu. Trong đó vấn đề xử lý ô nhiễm cho nguồn nước cần phải ưu tiên hàng đầu. Sau nhiều năm nuôi trồng thủy sản, các vùng như ĐBSCL, miền Trung… đã có dấu hiệu xuống cấp về môi trường nước. Cũng có ý kiến nói rằng việc nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ hiện khá dàn trải, mỗi lĩnh vực có khoảng chục đề tài, nhưng quy mô nhỏ, sức lan tỏa chưa lớn. Phải chăng nên tập trung nguồn lực vào một số lĩnh vực trọng điểm ảnh hưởng nhiều tới chất lưởng thủy sản xuất khẩu mà đó chính là vấn đề nuôi trồng bền vững, chống ô nhiễm, chống lạm dụng kháng sinh.

Khoa học công nghệ trong ngành thủy sản phải chăng cần được hoạch định và đầu tư nhiều hơn để thực sự đến với người nông dân? Thật ra người nuôi tôm rất háo hức với công nghệ mới, chẳng hạn công nghệ nano hay công nghệ sinh học đều được chú ý. Song để các công nghệ mới được ứng dụng rộng rãi cần phải có những cơ quan kiểm định, công tác khuyến nông phải hỗ trợ bà con, vì nhiều người dân thấy phát triển công nghệ sẽ tốn kém hơn mà giá cả lại không khác gì với tôm nuôi truyền thống.

 Thời của siêu thâm canh

Thâm canh và siêu thâm canh hoàn toàn có thể thắng lợi và cho sản phẩm sạch, với yêu cầu việc nuôi siêu thâm canh phải dựa trên những quy trình khoa học tiến bộ. Chúng tôi đã đến vùng nuôi tôm siêu thâm canh ở Bạc Liêu và thấy rõ hiệu quả của nuôi tôm thâm canh. Tỉnh Bạc Liêu và một số tỉnh ở ĐBSCL không phát triển tôm quảng canh mà tập trung vào nuôi tôm công nghiệp. Đây là hướng phát triển hiện đại và bước đầu phải trả giá vì dịch bệnh đã xuất hiện trong vài năm trước. Song, kiên trì với nuôi tôm công nghiệp, các tỉnh này, đặc biệt là Bạc Liêu đã có những cuộc cách mạng trong nuôi tôm công nghiệp, nhất là nuôi tôm trong nhà kính. Người nuôi có có thể thả tôm thẻ chân trắng nuôi với mật độ cao 200 – 250 con/m2.  Việc nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính giúp người nuôi tránh được những hiện tượng khắc nghiệt của biến đổi khí hậu như độ mặn ngọt thay đổi, nhiệt độ bất thường, ô nhiễm nguồn nước. Với diện tích phù hợp, việc nuôi tôm trong nhà kính giúp các công ty dễ dàng kiểm soát được nhiệt độ, chất lượng nước, thức ăn và tránh dịch bệnh, tỷ lệ nuôi tôm thành công gần như tuyệt đối. Khó khăn lớn nhất là vốn đầu tư khá lớn, song theo tính toán thì đầu tư vào nhà kính có thể được thu hồi trong 5 năm và giúp thay đổi được nền tảng công nghệ ngành tôm.

Hiện, nhiều tỉnh ở ĐBSCL đã đánh giá cao ý nghĩa của khoa học công nghệ và đầu tư nhiều vào việc hiện đại hóa công nghệ nuôi tôm thâm canh. Chỉ riêng tập đoàn Việt – Úc đã triển khai tới 350 ha nuôi tôm nhà kính tại Bạc Liêu trong năm 2015 và dự kiến đến năm 2018, diện tích nuôi tôm trong nhà kính sẽ đạt 1.000 ha. Những nỗ lực ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để nuôi tôm siêu thâm canh đối phó với biến đổi khí hậu đã cho thấy ngành thủy sản Việt Nam đang biết “tự làm mới” chính mình để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu sạch và ổn định cho xuất khẩu.

 

Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản 10 tháng đầu năm 2016 ước 18,3 tỷ USD, tăng 7,9%, đây là mức tăng trưởng khá nếu so cùng kỳ năm trước. Trong đó, mặt hàng thủy sản tăng trưởng 6,5%, là mức tăng trưởng khá so cùng kỳ (cùng kỳ giảm 17%), tuy nhiên, xuất khẩu thủy sản vẫn gặp khó do các rào cản về kỹ thuật khi xuất khẩu sang một số thị trường lớn như Nhật Bản, Mỹ…  

Nguyễn Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!