T2, 06/07/2020 02:01

Đón Tết bốn phương

Chưa có đánh giá về bài viết

Cách đón Tết trên thế giới cho chúng ta thấy nhiều điều thú vị về tập tục, lối sống và văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngoài Tết năm mới, nhiều quốc gia còn có nhiều loại Tết khác nhau, thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo.

Mông Cổ

Mông Cổ là một trong số ít quốc gia ăn Tết Âm lịch giống Việt Nam. Nơi đây có hai dịp lễ quan trọng được chờ đợi nhất là Tết Tháng Trắng (Tsagaan Sar) vào tháng Giêng và tết Naadam vào tháng bảy. Tết đến, mọi người cùng nhau rửa sạch” cơ thể và tâm hồn để đón chào năm mới tốt đẹp hơn. Nghi thức trước đêm Giao thừa của người Mông Cổ là rửa sạch chén bát bằng sữa ngựa. Khi giao thừa, người Mông Cổ có tục uống trà đầu năm, rót chén đầu tiên rồi vẩy ra tứ phía. Chén thứ hai mời người quan trọng nhất nhà, rồi sau đó lần lượt đến các thành viên khác trong gia đình.

Mâm cỗ của Tasgaan Sar (Mông Cổ) gồm nhiều loại bánh khác nhau – Ảnh: Eternal

Nam Phi

Ngoài pháo hoa, tiệc tùng và những tiếng hô vang chúc mừng năm mới vào đúng nửa đêm, người dân TP Cape Town có cách tạm biệt năm cũ hết sức rộng ràng bằng lễ hội Kaapse Klopse. Kaapse Klopse là lễ hội “hát rong” với nhiều cuộc diễu hành, thi hát, bắt đầu vào ngày 2/1 hàng năm. Gần 13.000 nhạc công mặc áo quần sặc sỡ, cùng nhau vừa đi vừa hát vòng quanh thành phố. Tiếng hát của hàng chục nghìn người cộng lại tạo thành âm thanh hỗn loan, nhưng với người dân nơi đây, như vậy là cách chào đón năm mới bằng cả trái tim. Lễ hội này cũng mang ý nghĩa đặc biệt bởi nó xóa nhòa nạn phân biệt chủng tộc, mọi người bất kể màu da đều đến đây tụ họp và cùng nhau trình diễn nghệ thuật.

 

Nhật Bản

Tết ở Nhật Bản vào mồng 1/1 Âm lịch được chuẩn bị khá sớm. Khắp nơi vang lên tiếng chày gió gạo gói bánh, trước cửa nhà treo những cành thông buộc lẫn với lá tre – tượng trưng cho lòng chung thủy và ước vọng sống lâu, họ căng thêm sợi dây rơm để xua đuổi những điều xấu. Đêm giao thừa, các ngân hàng đều làm việc tới khuya vì mọi người mong muốn được may mắn. Giao thừa, chuông chùa gióng giả 108 tiếng. Mồng 1 Tết, họ đi lễ chùa, thăm hỏi nhau, các cô gái ra đồng hái lộc… Mồng 2 Tết, các công việc đầu tiên được tiến hành như: học trò khai bút, cửa hàng mở cửa, dân miền núi làm lễ “vào rừng”…

 

Tây Ban Nha


Nochevieja, hay “đêm cũ”, là từ chỉ ngày cuối cùng của năm trong tiếng Tây Ban Nha. Khi thời khắc này gần qua, hàng triệu người dân đất nước này tập trung trước tivi hoặc quảng trường, cầm theo bát nho xanh với hy vọng sẽ gặp may vào năm mới. Truyền hình quốc gia sẽ truyền hình trực tiếp từ Real Casa de Correos – tháp đồng hồ từ Thế kỷ 18 khi người dẫn chương trình nhắc lại lời hướng dẫn lần cuối cùng. Sau khi chiếc chuông rung nhanh 4 hồi, sẽ có một khoảng thời gian im lặng bên nhau rồi bắt đầu 12 hồi chuông đại diện cho 12 tháng trong năm. Khi hồi chuông đầu tiên ngân lên, mọi người dân Tây Ban Nha cùng bỏ quả nho đầu tiên vào miệng. Khá là khó để kịp nhai hay thưởng thức hương vị của nó vì chỉ 2 giây sau là đến hồi chuông thứ hai và quả nho thứ hai. Suốt 12 hồi chuông là “12 quả nho may mắn”. Nếu có thể ăn liên tục 12 quả ở tiếng chuông cuối cùng, bạn sẽ gặp may mắn trong năm mới. Khi chiếc đồng hồ điểm xong 12 tiếng và những quả nho cuối cùng không cũng là lúc mọi người hôn lên má nhau, chúc mừng bằng những ly rượu cava và ăn bánh turron.

Nguyễn Linh (Tổng hợp)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!