Động lực cho thủy sản cất cánh

Chưa có đánh giá về bài viết

Xác định thủy sản là một trong những ngành hàng chiến lược trong phá triển kinh tế tại Cà Mau; thời gian qua, địa phương đã tập trung nhiều nguồn lực, tạo điều kiện phát triển và thủy sản Cà Mau đã luôn ghi nhận sự tăng trưởng góp phần vào sự tăng trưởng chung.

Lợi thế phát triển

Trong thực tế, động lực phát triển của ngành thủy sản tỉnh Cà Mau được hình thành từ thế và lực; Cà Mau nằm ở vị thế thuận lợi có 3 mặt tiếp giáp biển, với chiều dài bờ biển 254 km, kéo dài từ biển Đông sang biển Tây, có diện tích thăm dò khai thác thủy sản khoảng 71.000 km2, là một trong bốn ngư trường trọng điểm của cả nước. Theo ước tính của các nhà nghiên cứu, ngư trường biển Cà Mau có trữ lượng cá nổi khoảng 320.000 tấn, cá đáy khoảng 530.000 tấn; với lợi thế tiềm năng về biển, ngư dân Cà Mau đã đầu tư trên 4.800 tàu cá, với tổng công suất trên 740.000 CV để đánh bắt hải sản. Trên đất liền, diện tích tự nhiên của Cà Mau trên 5.210 km2, trong đó đất sản xuất chiếm khoảng 400.000 ha, tập trung có trên 280.000 ha NTTS. Để đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản, Cà Mau có 33 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản với tổng công suất thiết kế chế biến tôm trên 250.000 tấn/năm. Về nguồn lực lao động, Cà Mau có khoảng 150.000 hộ lao động trong ngành thủy sản, trên 20.000 công nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản; đây là một nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự phát triển của ngành thủy sản Cà Mau trong thời gian qua.

Sản lượng khai thác thủy sản của Cà Mau năm 2018 đạt 214.500 – Ảnh: CTV

Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau cho biết, từ những tiềm năng và thế mạnh quan trọng đó, ngành thủy sản tỉnh hàng năm đã đạt được những con số đáng ghi nhận, điển hình như chỉ tính riêng năm 2018, tổng sản lượng thủy sản đạt 550.000 tấn, trong đó sản lượng khai thác thủy sản đạt 214.500 tấn, sản lượng nuôi trồng khoảng 335.500 tấn. Cùng với tiềm năng và thế mạnh có được, thời gian qua tỉnh Cà Mau đã triển khai nhiều chính sách thu hút đầu tư, hiệu quả được ghi nhận từ năm 2009 – 2019 có 250 dự án đầu tư với tổng giá trị trên 80.000 tỷ đồng; trong đó có nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực thủy sản, với phương châm “tạo điều kiện thuận lợi nhất, tạo môi trường đầu tư thông thoáng nhất”; theo đó, trong thời gian tới sẽ có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào Cà Mau và lĩnh vực thủy sản sẽ là lĩnh vực được doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn.

Về khai thác thủy sản, nhằm hướng đến sự phát triển bền vững, thời gian qua, bên cạnh các giải pháp như xúc tiến liên kết chuỗi, đầu tư cơ sở hạ tầng, cải tiến quy trình kỹ thuật theo hướng hiện đại, đào tạo, tập huấn cán bộ chuyên môn và lực lượng lao động…; tỉnh Cà Mau đã triển khai công tác chống khai thác IUU, cụ thể như:

 Công tác truyền thông, tuyên truyền về chống khai thác IUU được Sở NN&PTNT tổ chức bằng nhiều hình thức như mở các lớp tuyên truyền tại các xã, thị trấn, Đồn Biên phòng; phát thanh trên hệ thống truyền thanh cấp xã, phát thanh trên tần số các đài trực canh dân sự duyên hải, nhắn tin qua điện thoại, in ấn tờ rơi, pano, sơ đồ, bản đồ ranh giới biển, khu vực, vùng cấm khai thác, thực hiện các phóng sự chuyên đề. Thống kê, từ năm 2017 đến nay, Cà Mau đã tổ chức tập huấn được 221 lớp/11.362 lượt người tham dự.

Cạnh đó, hoạt động kiểm tra truy xuất nguồn gốc được thực hiện tại cảng cá Sông Đốc và cảng cá Rạch Gốc; kiểm soát tàu cá ra, vào cảng, giám sát sản lượng bốc dỡ tại cảng. Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình được thực hiện quyết liệt, đến ngày 23/10/2019, toàn tỉnh lắp đặt được 1.042/1.661 tàu bắt buộc lắp đặt.

Theo ghi nhận của Sở NN&PTNT tỉnh, đến nay đa số ngư dân đã nhận thức được công tác chống khai thác IUU là rất quan trọng, ngoài việc góp phần tháo gỡ “thẻ vàng” của EU, hoạt động khai thác bất hợp pháp còn ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn lợi thủy sản và uy tín thương hiệu sản phẩm khi bán ra thị trường các nước, có tác động trực tiếp đến hiệu quả đánh bắt ở thời điểm hiện tại và về lâu dài. Vì vậy, đa số ngư dân đã tích cực hành động chống khai thác IUU.

 

Giải pháp cho sự phát triển

Theo ông Châu Công Bằng, đề ngành thủy sản phát triển trong thời gian tới tỉnh kiến nghị Trung ương sớm có quy hoạch tổng thể cấp quốc gia, trên cơ sở đó tỉnh sẽ tiến hành quy hoạch tổng thể cấp tỉnh và tiến tới quy hoạch ngành nông nghiệp (trong đó có thủy sản), làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai các chương trình, dự án đầu tư phát triển ngành thủy sản được thực hiện. Cùng đó, Chính phủ sớm phê duyệt Đề án “Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững nghề nuôi tôm tỉnh Cà Mau đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” làm cơ sở pháp lý và huy động được các nguồn lực đầu tư giúp ngành hàng tôm phát triển nhanh và bền vững; đồng thời, sớm phê duyệt Chiến lược phát triển nuôi biển quốc gia đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045. Ngoài ra, Trung ương cần bổ sung thêm nguồn vốn đầu tư trung hạn cho Cà Mau thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững giai đoạn 2015 – 2020 và chuyển tiếp giai đoạn 2021 – 2025; vì Cà Mau là tỉnh trọng điểm thủy sản của cả nước, nhu cầu vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng là rất lớn, trong khi nguồn lực đầu tư của địa phương rất hạn chế.

 >>  Theo Sở Công thương Cà Mau, kim ngạch xuất khẩu tháng 8 của tỉnh ước đạt hơn 106 triệu USD, tăng gần 5% so cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xuất khẩu thủy sản ước gần 95 triệu USD, tăng 3,34%. Trong tháng 8, sản lượng chế biến tôm ước đạt trên 14.000 tấn, đạt 64,91%, tăng 2,61%. 

Lữ Diệu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!