Đồng Nai: Nuôi tôm công nghệ cao

Chưa có đánh giá về bài viết

Nghề nuôi tôm hiện gặp phải nhiều trở ngại từ tác động môi trường, dịch bệnh; tuy nhiên, cũng có không ít mô hình nuôi cho giá trị kinh tế cao. Điển hình là nuôi tôm ứng dụng công nghệ lót vải bạt, phủ lưới, đang được hàng chục hộ nuôi tôm tại các huyện Nhơn Trạch, Long Thành ứng dụng.

Nhiều triển vọng

Ông Nguyễn Trường Đại (xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch), một trong những hộ dân đầu tiên tại Quảng Nam áp dụng công nghệ nuôi tôm lót vải bạt cho biết, chỉ với 2 ao nuôi tôm lót vải bạt rộng gần 3.500 m2, từ đầu năm đến nay ông thu hoạch được gần 20 tấn tôm thịt, đạt lợi nhuận hàng tỷ đồng. Ông Đại tâm sự, công nghệ này có thể nuôi tăng lên 4 – 5 vụ/năm chứ không chỉ làm được 2 vụ như trước, chi phí đầu tư ban đầu lại không quá cao. Mặt khác, ở ao lót bạt đáy có thể thả tôm với mật độ đến 200 con/m2, gấp 4 lần so ao cũ nên năng suất tôm thu hoạch cũng gấp nhiều lần. Vụ thu hoạch vừa qua với diện tích ao khoảng 2.000 m2, ông Đại thu trên 8 tấn tôm thịt, năng suất cao hơn gấp 4 lần so cách nuôi truyền thống.

Cũng là người tiên phong ứng dụng công nghệ cao, bà Nguyễn Thị Lê Hoa (xã Long Phước) cho biết thên, qua 2 vụ liên tiếp bà đều thu lợi nhuận cao hơn gấp nhiều lần so cách nuôi truyền thống. Điều quan trọng nhất trong mô hình này là do luôn chủ động kiểm soát môi trường nuôi nên hạn chế được rất nhiều nguy cơ dịch bệnh cho con tôm. Từ 1 ao nuôi thử nghiệm ban đầu, hiện bà tiếp tục đầu tư mở rộng thêm 5 ao ứng dụng công nghệ cao này.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của ông Nguyễn Trường Đại   Ảnh: CTV

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của ông Nguyễn Trường Đại Ảnh: CTV

Ưu tiên phát triển

Có thể thấy, do nuôi tôm công nghệ cao và theo quy trình vi sinh, quản lý tốt dư lượng kháng sinh nên tôm thu hoạch gần như là tôm sạch. Theo đó, để ứng dụng công nghệ này, người nuôi phải chọn con giống sạch, chất lượng; tuân thủ đúng quy trình xử lý nguồn nước đầu vào; sử dụng vi khuẩn có lợi cạnh tranh với vi khuẩn có hại; đặc biệt ao được thiết kế để các chất thải, chất bẩn có hại tập trung lắng xuống khu trũng ở đáy ao, người nuôi phải vệ sinh hàng ngày và hút các chất bẩn ra khỏi ao nuôi…

Theo các hộ nông dân, để chuyển đổi từ nuôi ao đất sang nuôi ao lót vải bạt, phủ lưới lan thường chỉ cần đầu tư thêm vài trăm triệu đồng. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay của nhiều hộ nuôi tôm tại 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch là do vùng nuôi nằm tách biệt với khu dân cư, nhiều hộ vẫn phải chạy máy dầu phát điện trong sản xuất khiến chi phí đầu tư lớn, tốn nhiều công lao động.

Ông Bùi Phúc Bảo, Trưởng phòng Kinh doanh bộ phận thủy sản của Công ty Cổ phần C.P. Việt Nam (đơn vị phối hợp tực hiện công nghệ nuôi tôm này tại Đồng Nai), chia sẻ, chương trình chuyển giao công nghệ mới trong nuôi tôm được Công ty triển khai tại nhiều tỉnh, thành. Riêng tại Đồng Nai, C.P đã hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật và một phần chi phí con giống cho hơn 10 hộ nuôi tại Long Thành và Nhơn Trạch và đều đạt kết quả tốt. Mặt khác, C.P hiện có các nhà máy chế biến tôm đông lạnh tại huyện Trảng Bom (Đồng Nai), Bến Tre… nên người nuôi không lo về đầu ra cho sản phẩm. Thời gian tới, Công ty vẫn tiếp tục đồng hành với người nuôi để nhân rộng mô hình này. 

Bảo Bình

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!