Đồng Nai: Quan ngại với ô nhiễm môi trường

Chưa có đánh giá về bài viết

Nuôi thủy sản nói chung trong đó có nuôi cá năm 2015 và những ngày đầu năm 2016 tại nhiều vùng trong cả nước phải đối diện với việc ô nhiễm môi trường trầm trọng khi có hàng nghìn tấn tôm, cá bị chết.

Cá chết trắng

Theo phản ánh của người dân tại xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, cuối tháng 12/2015, xuất hiện tình trạng cá chết tại khu vực nuôi cá lồng bè tại Hiệp Hòa. Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp với Phòng Kinh tế thành phố Biên Hòa, UBND xã Hiệp Hòa và Chi cục Thủy sản Đồng Nai tiến hành xác minh sự việc.

Được biết, hộ ông Châu Văn Thiên, ấp Nhất Hòa, xã Hiệp Hòa thả nuôi 2 bè với 20 lồng (kích thước 4x6x2,5 m); với các loại cá chính là điêu hồng, chép, lăng. Từ ngày 15/12/2015, các loại cá này có hiện tượng nổi đầu do thiếu ôxy, bỏ ăn và chết rải rác; lượng cá chết khoảng 200 kg/ngày. 6 bè của hộ bà Ngô Thị Dương, ấp Nhất Hòa cũng có biểu hiện tương tự. Theo đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tiến hành thu 1 mẫu cá chép tại bè nuôi của bà Dương, 1 mẫu cá điêu hồng tại bè của ông Thiên để phân tích bệnh do một số vi khuẩn (Aeromons sp., Streptococcus sp., Pseudommonas sp.) tại Cơ quan Thú y vùng VI và khuyến cáo các chủ bè nuôi cá trong khu vực tiến hành các biện pháp phòng bệnh tích cực cho cá.

đồng nai quan ngại với ô nhiễm môi trường

Cá chết trắng tại xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa, Đồng Nai – Ảnh: CTV

Tiếp đó, ngày 1/1/2016, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với Phòng Kinh tế thành phố Biên Hòa, UBND xã Hiệp Hòa, Chi cục Thủy sản, Sở Tài nguyên và Môi trường giám sát tình hình cá chết, thu mẫu phân tích các chỉ tiêu môi trường nước khu vực nuôi cá lồng bè tại thành phố Biên Hòa; vẫn xuất hiện tình trạng cá chết rải rác, đến 4/1/2016 xảy ra hiện tượng các loại cá nuôi chết hàng loạt.

Kết quả xét nghiệm của cơ quan Thú y vùng VI cho thấy, không phát hiện vi khuẩn Aeromons sp., Streptococcus sp., Pseudommonas sp. gây bệnh cho cá; do đó, kết luận “cá chết không phải do bệnh”.

 

Tìm nguyên nhân

Ngày 8/1/2016, Sở NN&PTNT Đồng Nai có văn bản số 58/SNN-CCTS gửi UBND tỉnh về tình hình cá bè chết trên sông Cái. Thống kê đến ngày 4/1 cho thấy, xã Hiệp Hòa có 83 hộ dân với 177 bè, 696 vèo có cá bị chết với tổng thiệt hại 243 tấn cá. Từ các kết quả phân tích mẫu nước, mẫu cá đã khảo sát tại hiện trường, về mặt kỹ thuật Sở NN&PTNT nhận định: cá chết do hàm lượng ôxy hòa tan (DO) trong nước giảm thấp, gây bất lợi cho hoạt động sống của vật nuôi; đồng thời, nồng độ DO giảm làm tăng sự xuất hiện của các khí độc NH3, NO2. Khi đó, quá nhiều thức ăn dư thừa hoặc sự phân hủy các chất hữu cơ có trong nước thải là một trong những nguyên nhân gây ra sự suy giảm DO trong nước, dẫn đến cá chết. Ôxy giảm còn không ngoại trừ khả năng có mặt khá cao của các hóa chất xử lý trong môi trường nước; mặt khác, vào thời điểm giao mùa do biến đổi đột ngột của thời tiết, dòng chảy có thể ảnh hưởng đến môi trường.

Từ kết quả quan trắc khu vực giữa dòng, hàm lượng DO vẫn thấp, cho thấy môi trường nước của sông Cái quanh khu vực nuôi cá bè ở thời điểm ngày 1/1/2016 bị suy giảm mạnh về hàm lượng DO, có thể trong môi trường nước bị ô nhiễm do tác nhân bên ngoài cùng mật độ nuôi dày, ô nhiễm cục bộ tại vùng nuôi, gây nên hiện tượng cá chết nhiều.

Trước tình hình này, đại diện Sở NN&PTNT đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường thực hiện quan trắc để có biện pháp quản lý chất lượng nguồn nước tại khu vực nhạy cảm của vùng nuôi cá bè trên sông Đồng Nai. Trước mắt, xác định chất lượng môi trường tại thời điểm cá chết, đánh giá, tìm nguyên nhân để có hướng xử lý.

Đồng thời, đề nghị UBND thành phố Biên Hòa, có kế hoạch phối hợp với các ngành chức năng tổ chức kiểm tra, thực hiện quản lý đúng quy chế hoạt động làng cá bè đã được ban hành theo Quyết định số 4508/QĐ-UBND ngày 8/12/2015 của UBND thành phố về việc “Ban hành quy chết về hoạt động các lồng bè trên sông Cái và nhánh sông Đồng Nai thuộc phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hòa”; tiến hành xử lý các trường hợp lồng, bè nuôi không nằm trong quy hoạch.

Chỉ đạo UBND các phường, xã tăng cường kiểm tra, quản lý không để các hộ chăn nuôi cá bè sử dụng các phụ phẩm từ gia súc, gia cầm làm thức ăn cho cá. Trong thời gian tới, cần tổ chức, bố trí các bè cá neo đậu theo đúng quy hoạch và đăng ký đối tượng nuôi, mật độ thả nuôi trước mỗi vụ nuôi với cơ quan chức năng.

Ngoài ra, đề nghị các ngành chức năng thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi, hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Trước mắt, hỗ trợ thành phố Biên Hòa, Sở NN&PTNT trong quá trình xử lý hiện tượng cá chết trên sông Đồng Nai.

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị UBND thành phố Biên Hòa chỉ đạo các ngành chức năng khẩn trương thực hiện các biện pháp: di dời, sắp xếp các hộ nuôi cá bè các hộ nuôi cá bè về diễn biến hàm lượng DO của chất lượng nước tại khu vực nuôi bè trên sông Cái để có biện pháp giảm mật độ nuôi phù hợp. Phối hợp với Chi cục Thủy sản Đồng Nai hướng dẫn các hộ nuôi bè tại khu vực xã An Bình, Thống Nhất, Tân Mai, Tam Hiệp, Hiệp Hòa tuân thủ quy trình kỹ thuật nuôi cá bè, nhất là chế độ cho ăn và mật độ thả.

Trước tình trạng cá chết hàng loạt tại khu vực sông Cái, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã giao cho Bộ NN&PTNT kiểm tra sự việc, báo cáo Thủ tướng.

>> Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai: Chi cục sẽ phối hợp chặt với cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương theo dõi hoạt động nuôi cá lồng bè trên địa bàn TP Biên Hòa. Nếu tiếp tục có hiện tượng cá nuôi chết bất thường do bệnh sẽ thu mẫu để phân tích, hướng dẫn cho người nuôi có biện pháp xử lý thích hợp, kịp thời.

Linh Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!