T2, 06/07/2020 01:23

Đóng tàu cho ngư dân thuê: Bài toán vừa mới, vừa khó

Chưa có đánh giá về bài viết

Trước thực tế nhiều khó khăn trong việc cho vay và thu hồi vốn vay đóng tàu, nhiều ý kiến bàn luận việc đóng tàu cho ngư dân “thuê”. Phương án này rất triển vọng khi nhu cầu thuê tàu của ngư dân khá lớn, tuy nhiên, cái khó hiện nay là vấn đề ai đứng ra đóng những con tàu này?


Triển vọng nhu cầu thuê tàu của ngư dân 

Hiệu quả tàu đi thuê

Tại Nghệ An, nhận thấy một số “tàu 67” ở nhiều địa phương trong tỉnh hoạt động không hiệu quả phải nằm bờ triền miên, nhiều ngư dân xã Quỳnh Long (huyện Quỳnh Lưu) đã thuê lại để đánh bắt hải sản, thu về hàng trăm triệu đồng.

Điển hình là ngư dân Trần Xuân Danh. Cuối tháng 10 vừa qua, sau gần 1 tháng đi biển, tàu của anh Danh khai thác được hơn 100 tấn cá. Trước đó, thấy tàu của ngư dân Diễn Châu nằm bờ do đánh bắt không hiệu quả, anh cùng các thuyền viên đã thuê lại con tàu mang số hiệu NA 999.29 để hoạt động nghề vây rút chì, hiệu quả đánh bắt được nâng lên, mỗi chuyến biển đều có lãi, thu về 300 – 400 triệu đồng.

Tại xã Quỳnh Long hiện cũng có 2 ngư dân thuê tàu khai thác hải sản. Hai chiếc tàu này được thuê từ ngư dân ở huyện Nghi Lộc và thị xã Cửa Lò, cả hai chiếc đều được đóng bằng vỏ composote. Sau khi vận hành về cảng Lạch Quèn (xã Quỳnh Thuận), ngư dân đã cải hoán lại, chuyển đổi nghề để khai thác hiệu quả hơn.

Theo đánh giá của địa phương, 3 tàu thuê của ngư dân trong xã đều đánh bắt hiệu quả, lợi nhuận cao. Mỗi ngư dân khai thác có mức thu nhập trung bình 14 – 15 triệu đồng/tháng.

Khó tìm người chủ trì

Từ thực tế tại nhiều địa phương và những vấn đề nảy sinh sau khi những con “tàu 67” hoạt động không hiệu quả dẫn đến việc khúc mắc nặng giữa ngân hàng, nhà quản lý và ngư dân. Có người đặt câu hỏi, liệu có thể thay thế việc cho ngư dân vay vốn đóng tàu bằng việc đóng tàu cho ngư dân thuê? Nhiều ý kiến đều cho rằng, đây là một phương án mới, phương án hay, thế nhưng việc xác định người đi tiên phong không phải đơn giản.

Ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam băn khoăn ai sẽ là người đóng những con tàu đó. Hiện, không dễ để doanh nghiệp tư nhân bỏ tiền ra đóng tàu cho thuê khi thiếu các cơ chế. Còn nhà nước không thể chung chung mà phải hạch toán trên nền tảng có chủ là doanh nghiệp hoặc HTX. Phương án nhà nước bỏ tiền ra đóng và cho thuê lại càng khó hơn, bởi nó phụ thuộc và liên quan đến việc quản lý, theo dõi, kiểm tra thường xuyên. Khi đó, để thực hiện tốt, bắt buộc phải có thêm một bộ máy quản lý riêng.

Nhà nước không thể tự đóng tàu cho ngư dân thuê nên ý kiến khác cho rằng nhà nước có thể ban hành các quy định, cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp chuyên nghiệp về đánh bắt, thu mua, chế biến thủy sản có cơ hội tham gia.

Đơn cử như việc, nhà nước cho phép các doanh nghiệp chuyên nghiệp trong lĩnh vực đánh bắt, chế biến thủy sản mua lại những con tàu của ngư dân thực hiện từ chính sách vay vốn của Nhà nước nhưng gặp khó khăn trong sản xuất và trả nợ. Doanh nghiệp sẽ trả lại tiền cho ngư dân hoàn vốn vay. Sau đó, doanh nghiệp sẽ đưa những ngư dân ấy trở thành công nhân làm thuê cho họ hoặc theo nhiều hình thức khác, như ăn chia theo sản lượng hay theo sự linh hoạt giữa hai phía.

Đóng tàu cho ngư dân thuê là một mô hình mới, chỉ có doanh nghiệp đứng ra làm mới cụ thể, mà doanh nghiệp thì hiệu quả kinh tế là yếu tố tiên quyết. Vậy nhưng, dường như doanh nghiệp cũng không mấy mặn mà. Bởi tại Quảng Nam, phương án này đã từng được triển khai, nhưng không hiệu quả. Trước đây, nhà nước đã từng giao cho một đơn vị đóng mới 20 chiếc tàu vỏ thép cho ngư dân thuê, nhưng chỉ có 1 chiếc hoạt động hiệu quả, 19 chiếc ngư dân trả lại cho doanh nghiệp vì thua lỗ. Nguyên nhân là do ngư dân không đủ năng lực và thiếu chuyên nghiệp trong quá trình vận hành, sử dụng.

Do vậy, đại diện một doanh nghiệp cho rằng, để có thể thực hiện thành công phương án này, có lẽ trước hết phải nâng cao trình độ và ý thức sản xuất của ngư dân. Cùng đó, cần sự ra đời của các công ty đánh cá làm đầu tàu để tổ chức sản xuất.

>> Nhiều ngư dân cho rằng, việc thuê tàu không đơn giản, bởi con tàu đó phải phù hợp với nghề mà ngư dân làm. Khi đưa tàu về địa phương, cùng với việc chuyển đổi nghề ngư dân phải tân trang lại một số thiết bị khác mới đáp ứng điều kiện đánh bắt…

Hồng Hà

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!