Đồng Tháp: Cá lau kiếng sản sinh nhanh ở nhiều nơi

Chưa có đánh giá về bài viết

Vài năm trở lại đây, cá lau kiếng – một loài sinh vật ngoại lai có nguồn gốc từ Nam Mỹ xuất hiện ngày càng nhiều ở các kênh, rạch, ao, đìa trong tỉnh. Ban đầu loài cá này được những người chơi cá nhập về để nuôi làm cảnh nhưng sau đó đã thoát ra ngoài sinh sôi nảy nở và ảnh hưởng tới quần thể sinh thái và thủy cầm bản địa.

Cá lau kiếng được người dân huyện Châu Thành chài được

Theo nhiều người dân ở xã Phú Long, huyện Châu Thành, trong thời gian gần đây họ phát hiện có rất nhiều cá lau kiếng ở dưới các tuyến kênh thủy lợi, ao hồ nuôi cá nước ngọt. Đáng lưu ý là kể từ lúc cá lau kiếng xuất hiện cũng là lúc lượng cá đồng bản địa ngày càng giảm đi rõ rệt. Ông Lương Văn Út ở ấp Phú Thạnh, xã Phú Long, huyện Châu Thành cho biết, cách đây 2 năm, gia đình ông thả nuôi nhiều loại giống cá như cá mè vinh, cá bống tượng, cá rô phi. Vài tháng sau khi thả nuôi, thấy cá phát triển tốt, rồi sau đó lại giảm dần, đến khi thu hoạch thì toàn cá lau kiếng.

Theo ông Út, gia đình ông không ai thả cá lau kiếng xuống ao, trước khi thả cá nuôi, ông đã cải tạo ao rất kỹ, phơi nắng ao thời gian dài nhưng không biết từ đâu mà cá lau kiếng sinh sôi nẩy nở khủng khiếp rồi “làm chủ” cả ao cá đồng rộng lớn.

Còn theo nhiều người dân trong khu vực, cá lau kiếng ăn hết rong tảo trong ao, lại sinh sản rất nhanh lấn át nên cá đồng bản địa không thể sống và phát triển được. Không chỉ phát hiện cá lau kiếng có trong ao cá nuôi mà loài sinh vật ngoại lai này còn xuất hiện ồ ạt ở các tuyến kênh thủy lợi. Ông Trần Chí Tâm ở ấp Phú Thạnh, xã Phú Long, huyện Châu Thành cho biết, trước đây chài cá trên sông, mỗi lần gỡ chài có nhiều cá linh, cá rô, cá sặc, còn giờ thì đa số là cá lau kiếng. Trong 3kg cá bắt được thì cá lau kiếng khoảng 2kg. Loại cá này mang ra chợ bán rất ít người mua.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Tháp, cá lau kiếng thuộc loài cá cảnh, sau khi phát tán ra môi trường, chúng dễ dàng thích nghi với môi trường sông nước. Cá có khả năng sinh sản quanh năm, tỷ lệ cá con sống khoảng 70% và có thể sống mà không cần đến thức ăn suốt 1 tháng. Điều đáng lo ngại là cá lau kiếng mẹ hay cá lau kiếng con đều có thể tiếp cận loài cá khác hút nhớt làm các loài cá khác giảm khả năng phát triển. Nếu các loài cá có khả năng thích nghi kém sẽ chết. Nguy hiểm hơn do cá thích nghi mạnh nên chúng lấn át sinh vật bản địa, tạo ra sự mất cân bằng sinh thái.

Hiện nay chưa có giải pháp nào để ngăn chặn sự xâm hại của cá lau kiếng nhưng trước mắt Chi cục Thủy sản khuyến cáo người dân không nên phát tán cá lau kiếng ra ngoài môi trường nước. Khi đánh bắt được loại cá này nên mang đi tiêu hủy hoặc làm thức ăn cho các loài thủy cầm ăn thịt như cá sấu, ba ba.

Việc cá lau kiếng – một loài sinh vật ngoại lai, hầu như không có giá trị kinh tế đã xuất hiện với mật độ ngày càng dày đặc tại các kênh, rạch, ao, đìa làm cho người dân hết sức lo lắng. Nhiều người đã đặt ra nghi vấn rằng liệu cá lau kiếng có thể gây hại như là rùa tai đỏ hay ốc bươu vàng hay không. Tuy nhiên, đến nay ngành chức năng vẫn chưa có kế hoạch khảo sát cụ thể, đánh giá mức độ gây hại để có thể đưa ra khuyến cáo người dân ngăn chặn cá lau kiếng phát triển ra diện rộng. Người dân mong mỏi ngành chức năng sớm giải đáp vấn đề này.

Việt Khuê

Báo Đồng Tháp Online

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!