Đồng Tháp: Đề ra lộ trình cấp mã nhận diện ao nuôi cá tra thương phẩm

Chưa có đánh giá về bài viết

Lộ trình thực hiện cấp mã số nhận diện ao nuôi cá tra thương phẩm trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020 vừa được UBND tỉnh Đồng Tháp phê duyệt, nhằm tăng cường công tác quản lý nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững chuỗi giá trị ngành hàng cá tra trên địa bàn.

Nông dân phấn khởi với nghề nuôi cá tra.

Nông dân phấn khởi với nghề nuôi cá tra.

Theo đó, đối với các cơ sở chưa đảm bảo các điều kiện về nuôi cá tra thương phẩm theo Nghị định số 55/2017/NĐ-CP ngày 9/5/2017 của Chính phủ quy định quản lý nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra, chậm nhất đến hết ngày 31/5/2019, các cơ sở nuôi phải thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch sử dụng đất của địa phương; chậm nhất đến ngày 31/6/2019, các cơ sở nuôi phải hoàn thiện, bổ sung các hạng mục, công trình còn thiếu như: khu chứa bùn thải, ao xử lý nước thải…

Sau thời gian quy định, các đơn vị chức năng địa phương sẽ kiểm tra, đánh giá về mức độ khắc phục của các cơ sở nuôi và sẽ thu hồi lại giấy chứng nhận mã số nhận diện ao nuôi đã được cấp đối với các cơ sở chưa đảm bảo các điều kiện về nuôi cá tra thương phẩm theo quy định của Nghị định số 55/2017/NĐ-CP.

Đối với các cơ sở nuôi thỏa mãn các quy định về nuôi cá tra thương phẩm theo Điều 3 (điều kiện nuôi cá tra thương phẩm) Nghị định số 55/2017/NĐ-CP sẽ tiếp tục được sử dụng giấy chứng nhận mã số nhận diện ao nuôi cá tra đã được cấp.

Ngoài ra, đối với các cơ sở nuôi đăng ký cấp mới hay cấp lại mã số nhận diện ao nuôi cá tra thương phẩm, để được cấp mã số nhận diện ao nuôi cá tra thương phẩm, cơ sở nuôi phải đảm bảo các quy định theo Điều 3, Nghị định số 55/2017/NĐ-CP, các quy định hiện hành về bảo vệ môi trường đối với hoạt động sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp và các quy định liên quan.

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, việc đề ra lộ trình thực hiện cấp mã số nhận diện ao nuôi cá tra thương phẩm trên địa bàn nhằm tăng cường công tác quản lý nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững chuỗi giá trị ngành hàng cá tra trên địa bàn.

Đồng Tháp được ví như “thủ phủ” nuôi cá tra tại khu vực ĐBSCL. Toàn tỉnh hiện có hơn 1.500 ha diện tích nuôi cá tra với sản lượng trên 400.000 tấn, nằm trong “top” dẫn đầu khu vực ĐBSCL hiện nay.

Hà Vy

Báo Thời Đại

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!