Đồng Tháp: Hiệu quả nuôi thủy sản ở Tam Nông

Chưa có đánh giá về bài viết

Mấy năm gần đây phong trào nuôi thủy sản ở huyện Tam Nông phát triển khá mạnh, chính vì vậy nghề này đã mang lại hiệu quả giúp người dân có nguồn thu nhập cao vươn lên khá giàu.


Cá thát lát cườm dễ nuôi, cho lợi nhuận cao Ảnh: Ngọc Trinh

Thắng lớn với nuôi lươn

Nhiều năm qua nhờ tận dụng đất trước và sau nhà mà ông Phạm Văn Chuối ở ấp Long Thành, xã Phú Thành A, huyện Tam Nông đã thiết kế hồ nuôi lươn bằng tường xi măng cao 9 tấc. Trung bình mỗi hồ trên diện tích 240 m2, bên trong hồ ông chia làm 16 bồn, mỗi bồn 15 m2. Phía đáy hồ, ông phủ một lớp bùn cao 1,5 – 2 tấc, rồi bơm nước vào hồ và thả lươn giống vào nuôi. Bốn gốc dưới đáy hồ ông trang bị bốn bó cây dùng để thức ăn cho lươn. Bên trên mặt nước hồ được phủ kín bởi một mảng lục bình, rau muống và các loại cây bắp sau thu hoạch… để tạo bóng mát cho lươn có nơi bám vào nghỉ ngơi trú ẩn. Mỗi gốc hồ chừa một khoảng trống nhỏ để bỏ thức ăn cho lươn. Trong 16 hồ được ông Chuối thả nuôi 900 kg lươn giống.

Ông Chuối bày tỏ: “Nuôi lươn rất dễ. Con lươn nuôi tỷ lệ hao hụt rất thấp, ít bệnh, công chăm sóc rất đơn giản và có lãi cao”. Nguồn thức ăn cho lươn chủ yếu được ông Chuối sử dụng là cá tạp, cua, ốc bươu vàng được nấu chín trộn với bột gòn và thức ăn viên công nghiệp có nhiều độ đạm… Lúc đầu, ông thả lươn giống vào hồ ương nuôi. Sau 1 tháng, ông tuyển chọn những con lươn khỏe mạnh được ương nuôi trong môi trường khắc nghiệt, rồi thả đều khắp vào 16 bồn để nuôi đại trà và tăng lượng thức ăn lên theo quá trình tăng trưởng của lươn. Theo ông Chuối, cứ đầu tư khoảng 3,5 kg thức ăn sẽ cho ra 1 kg lươn thương phẩm. Bên cạnh đó, ông Chuối còn thường xuyên thay nước bồn nuôi lươn, chăm sóc đàn lươn chu đáo và phòng ngừa dịch bệnh cho lươn kịp thời theo đúng quy trình kỹ thuật để giúp lươn tăng trọng nhanh, hạn chế dịch bệnh tấn công. Nên sau 8 tháng nuôi, ông Chuối thu hơn 3 tấn lươn thương phẩm, bán giá dao động 137.000 – 147.000 đồng/kg, trừ tất cả chi phí đầu tư và công chăm sóc, lãi hơn 117 triệu đồng.

Các hộ nuôi lươn trong hồ xi măng ở xã Phú Thành A năm nay cũng rất phấn khởi, vì đàn lươn nuôi đang phát triển tốt, cho thu hoạch với sản lượng cao và bán được giá. Ông Nguyễn Sỹ Khánh, Trưởng Trạm Thủy sản vùng 2 huyện Tam Nông – Tháp Mười cho biết, toàn huyện Tam Nông thu hoạch 88 hồ xi măng, bễ lót bạt nuôi lươn, với gần 15 tấn lươn thương phẩm. Giá bán bình quân 130.000 – 140.000 đồng/kg lươn cỡ 200 g/con và 105.000 đồng/kg lươn loại dưới 200 g. Toàn huyện hiện có 109 hộ thả nuôi lươn trong 109 hồ xi măng, bể lót bạt…; tập trung nhiều ở các xã An Long, Phú Thành A, Phú Thành B, Phú Thọ, Phú Ninh… Đây là mô hình độc đáo đang được các ngành chức năng nghiên cứu phát huy và nhân rộng để giúp người dân nhanh chóng thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống và từng bước khá giàu, góp phần thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển.

Bền vững tôm càng xanh

Bên cạnh nghề nuôi lươn, người dân huyện Tam Nông còn có 11 hộ thả nuôi 30,4 ha tôm càng xanh, 36 hộ nuôi 108,8 ha tôm thẻ chân trắng, nhiều hộ thả nuôi 232,92 ha cá tra xuất khẩu, 7,18 ha cá lóc, trên 22 ha cá rô phi, cá chạch lấu, cá trê trắng các loại…

Ông Nguyễn Thiện Khương thả nuôi 2 ha tôm càng xanh trên ruộng lúa ở khóm 5, thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông. Sau hơn 8 tháng chăm sóc, ông Khương thu hoạch nhiều đợt vừa bán cho thương lái vừa bán cho những bạn hàng ở chợ và người tiêu dùng, tổng sản lượng 1,7 tấn. Giá bán dao động ở mức 140.000 – 150.000 đồng/kg tôm trứng và 170.000 – 180.000 đồng/kg tôm thịt. Tổng thu nhập gần 300 triệu đồng, trừ tất cả chi phí đầu tư và công chăm sóc, ông Khương còn lãi trên 100 triệu đồng.

Thoát nghèo với thát lát cườm

Còn ông Nguyễn Văn Thành ở xã An Long đã tận dụng cái ao nuôi cá tra cũ cạnh nhà để thả nuôi cá thát lát cườm theo mô hình VietGAP. Sau khi tiến hành cải tạo 300 m2 mặt nước ao cạnh nhà, lên bờ bao, vét đáy ao và vệ sinh sạch bằng vôi bột rồi phơi đáy ao khoảng 1 tuần, ông Thành bơm nước vào ao, tìm diệt các loại cá lóc, trê, ếch, rắn… rồi để khoảng 3 ngày cho nước trong ao có màu xanh của rong – tảo, vì đây là môi trường thích hợp để nuôi thủy sản. Sau đó, ông Thành thả 23.000 cá thát lát cườm giống vào ao ương nuôi. Ông Thành cho biết, lúc đầu, ông ương cá thát lát cườm giống trong mùng lưới cước được đặt trong ao. Từ 15 – 20 ngày đầu, ông cho cá ăn bằng thức ăn viên công nghiệp có độ đạm cao. Sau gần 1 tháng ương và chăm sóc, cá thát lát cườm giống phát triển, ông tháo mùng lưới cước ra nuôi đại trà trong ao và tiếp tục sử dụng thức ăn viên công nghiệp có nhiều độ đạm cùng với cá biển, cá tạp, cua ốc… xay nhuyễn trộn với bột keo và tăng lượng thức ăn lên theo quá trình tăng trưởng của cá.

Ông Thành bày tỏ, cá thát lát cườm rất dễ nuôi. Tỷ lệ hao hụt thấp, cho ăn đầy đủ, thay nước thường xuyên và phòng ngừa dịch bệnh cho cá kịp thời thì con cá rất mau lớn, cho lợi nhuận cao. Mỗi ngày, ông Thành cho thay nước ao nuôi cá thát lát cườm một lần, chăm sóc đàn cá nuôi thật chu đáo. Mỗi tháng một lần, ông trộn bổ sung lượng Vitamin C và khoáng chất trong thức ăn để cho cá ăn nhằm tăng sức đề kháng và giúp cá tăng trọng nhanh.

Sau gần 6 tháng nuôi, ông Thành cho tát ao thu hoạch được sản lượng gần 6.000 kg cá thát lát cườm thương phẩm, bán giá 60.000 đồng/kg, thu nhập trên 360 triệu đồng. Trừ các khoản chi phí đầu tư và công chăm sóc, ông Thành còn lãi hơn 60 triệu đồng. Ông Thành hiện đang nuôi tiếp 25.000 con cá thát lát cườm giống trong cái ao 300 m2 cạnh nhà. Đàn cá nuôi của ông Thành đang được chăm sóc cẩn thận và cá tăng trưởng tốt, không có dấu hiệu bị bệnh. Bình quân mỗi con trọng lượng trên 500 g và đang chuẩn bị xuất bán đàn cá.

>> Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thuần ngọt đã được Sở NN&PTNT Đồng Tháp, UBND huyện Tam Nông phối hợp với Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam miền Trung triển khai. Đầu năm 2018, mô hình triển khai trên 15 ha ở xã Phú Thọ, Phú Thành B và xã An Hòa của huyện Tam Nông.

Ngọc Trinh - Trọng Trung

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!