Đồng Tháp: Không nuôi tôm vùng nước ngọt

Chưa có đánh giá về bài viết

Mấy năm trở lại đây, nhiều nông dân ở Đồng Tháp tự ý khoan cây nước tìm nước ngầm và sử dụng thêm muối rải xuống ao nhằm tăng độ mặn… để nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng ngọt. Đây là việc không nằm trong quy hoạch, gây ảnh hưởng đến môi trường và nhiều lĩnh vực khác. Tuy nhiên xử lý việc này lại rất khó.

Nuôi tôm thẻ chân trắng nước ngọt gây nhiều hệ lụỵ   Ảnh: Máy Cày

Nuôi tôm thẻ chân trắng nước ngọt gây nhiều hệ lụy Ảnh: Máy Cày

Diện tích tăng mạnh

Tôm thẻ chân trắng thuần ngọt được chọn là giống tôm có đặc tính sinh trưởng ở vùng nước có độ mặn thấp dưới 7%; sau đó, tiếp tục ngọt hóa tôm giống xuống còn 1% độ mặn.

Hiện nay tỉnh Đồng Tháp nuôi tôm thẻ chân trắng được gần 150 ha, tập trung nhiều nhất ở huyện Tam Nông – chiếm 90% diện tích. Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng tăng hơn 50 ha so cùng kỳ năm 2017. Bình quân mỗi héc ta nuôi tôm thẻ chân trắng lãi trên 100 triệu đồng/vụ. Sản lượng nuôi tôm thẻ chân trắng tại đây đạt năng suất hơn 2 tấn/ha, kích cỡ tôm thu hoạch từ 65 – 185 con/kg.

Cùng với sự “phá rào” của người nuôi, tỉnh cũng đã chủ động triển khai thí điểm nuôi tôm thẻ chân trắng thuần ngọt với 2 mô hình của Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung và Công ty CP Aquabox. Tuy nhiên, mô hình “Nuôi tôm thẻ chân trắng kết hợp với ương cá tra giống” tại huyện Cao Lãnh của Công ty Aquabox chưa tổ chức thực hiện được, do vốn đối ứng của các hộ tham gia mô hình quá lớn (450.000.000 đồng/tổng kinh phí). Trong khi mô hình “Nuôi tôm thẻ chân trắng thuần ngọt theo quy trình tuần hoàn khép kín tại 3 xã” của Công ty Nam Miền Trung, tuy chọn được 4 điểm tham gia (2 điểm đã thả giống), nhưng Sở NN&PTNT Đồng Tháp cũng đã phải đề nghị UBND tỉnh cho phép ngừng thực hiện mô hình do nhiều nguyên nhân.

Không phù hợp

Liên quan đến vấn đề này, các nhà khoa học đều cho rằng, không nên nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt. Bởi các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng không có hệ thống cấp thoát nước riêng biệt nên nguồn nước thải đưa trực tiếp ra sông, kênh rạch và mật độ thả nuôi cao và lượng thức ăn sử dụng nhiều sẽ gây nên tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Ngoài ra, việc khoan giếng, sử dụng nguồn nước ngầm để nuôi tôm thẻ chân trắng là một trong những vấn đề đáng lo ngại. Theo Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II, việc sử dụng nước giếng khoan có độ mặn 3 – 7%0, pha thêm muối và một số khoáng chất để nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt sẽ ảnh hưởng đến tầng nước ngầm và thải ra môi trường làm mặn hóa vùng trồng lúa gây ảnh hưởng năng suất lúa. Khu vực nước ngọt Đồng Tháp là vùng thượng nguồn, khi có dịch bệnh xảy ra trên tôm, mầm bệnh sẽ theo nước, theo vật chủ lây truyền cho vùng nuôi ở cửa sông. Ngoài ra, tôm thẻ chân trắng là đối tượng mang nhiều mầm bệnh nguy hiểm, có khả năng lây lan mầm bệnh từ tôm thẻ chân trắng sang cho tôm càng xanh và một số loài thủy sản khác.

Từ câu chuyện “phá rào”

Tại Đồng Tháp, không chỉ diễn ra tình trạng tự ý nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt, địa phương này cũng đang diễn ra việc tự ý nuôi cá tra ngoài quy hoạch do cá tra đang được giá. Trước tình trạng này, cơ quan chức năng cũng khuyến cáo cần có những biện pháp xử lý mạnh tay để không gây ra những hệ lụy. Hay như tình trạng phá rào nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt và những hậu quả đã được biết trước của một số địa phương trong tỉnh An Giang, Sóc Trăng những năm qua. Cơ quan chức năng đều vào cuộc và có khuyến cáo với người dân nhưng sự vào cuộc này dường như còn mờ nhạt.

Trở lại vấn đề nuôi tôm thẻ chân trắng tại Đồng Tháp, Sở NN&PTNT Đồng Tháp đã đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện một số nhiệm vụ; trong đó có một số nội dung đáng chú ý, như: Nghiên cứu, khảo nghiệm nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt tại Đồng Tháp nhằm đánh giá khả năng thích ứng của loài, sự ảnh hưởng đến môi trường nước mặt, môi trường đất, sự tác động đến hiệu quả kinh tế của người dân; kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm khai thác, sử dụng nguồn nước giếng khoan, các vi phạm về bảo vệ môi trường do sử dụng muối, để nuôi tôm thẻ chân trắng xả thải ra môi trường.

Văn bản cũng nêu rõ, đối với những địa phương đã thả nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt, yêu cầu người nuôi sau khi thu hoạch không thả nuôi trở lại, không để phát sinh thêm diện tích nuôi mới; tiếp tục tuyên truyền để người dân nắm được những ảnh hưởng trước mắt cũng như lâu dài của việc nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt, ngăn chặn kịp thời những tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân; xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, đảng viên – nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt để làm gương cho người dân chấp hành…

Hậu quả của việc nuôi tôm thẻ chân trắng ngoài quy hoạch sẽ khiến ngành nuôi trồng thủy sản chịu ảnh hưởng nặng, bởi vấn đề môi trường trong nuôi tôm vốn luôn được báo động vì ô nhiễm trong những năm gần đây. Để đảm bảo quy hoạch của nuôi trồng thủy sản vùng nước ngọt, quyền lợi người nông dân… được bảo vệ, chắc chắn cần phải có những chiến lược cho ngành và cho từng vùng nuôi trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng hơn.

>> Tổng cục Thủy sản khuyến cáo, theo quy hoạch tổng thể ngành thủy sản đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, Đồng Tháp không quy hoạch nuôi tôm thẻ chân trắng… Việc người dân vẫn thả nuôi tôm thẻ chân trắng gây lo lắng cho những hộ nuôi thủy sản nước ngọt và trồng lúa…

Minh Dương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!