Đồng Tháp: Mô hình nuôi cá lóc mang lại hiệu quả kinh tế cao

Chưa có đánh giá về bài viết

Nhằm từng bước đa dạng hóa nghề nuôi trồng thủy sản và phổ biến rộng rãi trong quần chúng nhân dân các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, hơn 2 năm qua, xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự đã phát triển mô hình nuôi cá lóc. Mô hình này phần nào giải quyết tốt việc làm tại chỗ và là một trong những phương thức giúp cho bà con có ít đất canh tác đạt hiệu quả kinh tế cao.

Theo các hộ dân thì đây là mô hình khá thuận lợi và phù hợp cho những người nghèo tham gia sản xuất tăng thu nhập. Vì mô hình này đầu tư đơn giản, không cần diện tích lớn, có thể tận dụng nguồn thức ăn có sẵn và quan trọng hơn là chi phí đầu tư không cao. Bên cạnh đó, để người dân yên tâm sản xuất, UBND xã Phú Thuận B tạo điều kiện hỗ trợ vốn vay giải quyết việc làm cho các hộ thiếu vốn và hỗ trợ về kỹ thuật nuôi. Cá lóc sau khi thu hoạch được các thương lái từ thành phố Cao Lãnh, An Giang mua về để chế biến xuất khẩu sang thị trường Campuchia, vì thế đầu ra cho cá lóc tương đối ổn định.

 

Mô hình nuôi cá lóc ở xã Phú Thuận B

Hiện toàn xã Phú Thuận B có tổng diện tích thả nuôi cá lóc khoảng 102ha. Trong đó, ương nuôi cá lóc giống được 1,2ha, với 30 hộ nuôi; nuôi cá lóc thịt có 100,8ha với 398 hộ. Là một trong những hộ nuôi cá lóc đạt hiệu quả, anh Nguyễn Công Sang ngụ ấp Phú Lợi B, xã Phú Thuận B chia sẻ: “Gia đình tôi đang nuôi giống cá lóc đầu nhím, loài cá này có khả năng chịu đựng tốt với điều kiện môi trường. Tuy nhiên, nếu xảy ra tình trạng thiếu thức ăn sẽ dẫn đến việc cá lớn sẽ ăn cá nhỏ. Vì vậy khi nuôi nên chọn đàn cá cùng ngày tuổi, cùng kích cỡ”.

Nuôi cá lóc khó nhất là giai đoạn thả con giống, giai đoạn này cần quan tâm chăm sóc kỹ, nguồn thức ăn phải đảm bảo và nguồn nước luôn phù hợp để tránh các dịch bệnh và rủi ro khác. Nên chọn con giống ở những nơi tin cậy, có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh, không dị hình, không bị trầy xước. Con giống có chiều dài khoảng 6 – 10cm là thích hợp cho việc thả nuôi thương phẩm. Mật độ thả khoảng 50 – 100 con/m3 tùy theo điều kiện đầu tư của hộ nuôi. Thức ăn cho cá lóc là loại thức ăn viên chuyên dùng. Ngoài ra, thức ăn cần trộn thêm các loại thuốc kháng sinh để giúp cá kháng bệnh và phát triển đều.

Đây là đặc điểm nổi bật trong việc nuôi cá lóc hiện nay vì sử dụng thức ăn công nghiệp sẽ hạn chế ô nhiễm môi trường, dịch bệnh và hạn chế làm cạn kiệt nguồn cá tự nhiên. Nên định kì bắt cá để phát hiện bệnh sớm có thể xảy ra trong ao nuôi. Với hơn 350 m2 diện tích, anh Sang thả nuôi khoảng 40.000 con cá lóc. Số lượng cá thu hoạch ước tính từ 11 – 12 tấn. Với giá cá thương phẩm 39.000 đồng/kg, sau hơn 5 tháng nuôi, trừ tất cả các chi phí khác gia đình anh Sang còn lãi gần 100 triệu đồng.

Để mô hình nuôi cá lóc ngày càng phát triển, bà Nguyễn Thị Diễm – Phó Chủ tịch xã Phú Thuận B cho biết: “Thành công từ các mô hình nuôi cá lóc ở Phú Thuận B đã góp phần tạo thêm một hướng mới trong việc thúc đẩy nghề nuôi thủy sản. Thời gian tới, UBND xã sẽ mời các chuyên gia trong lĩnh vực nuôi cá lóc tập huấn thêm về kỹ thuật cho bà con nuôi cá trên địa bàn xã. Thông qua các lớp tập huấn, các cấp chính quyền địa phương muốn giúp nông dân củng cố, nâng cao kiến thức về kỹ thuật thả nuôi, phòng trị các loại bệnh, chăm sóc cá lóc để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đồng thời, hướng dẫn người dân xây dựng mô hình hợp tác xã chuyên mua bán cá lóc để mở rộng thêm thị trường, khuyến khích người dân lựa chọn phương án vốn xoay vòng, phối hợp với Ngân hàng Chính sách để người dân thuận lợi vay vốn chăn nuôi, góp phần giúp bà con nông dân cải thiện được cuộc sống, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu”.

Nhật Khánh

Báo Đồng Tháp Online

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!