Đồng Tháp: Nuôi lươn đón Tết ở Tam Nông

Chưa có đánh giá về bài viết

Hiện, người dân ở các xã An Long, Phú Ninh, Phú Thành A… huyện Tam Nông đang tập trung chăm sóc đàn lươn nuôi để chuẩn bị bán trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2017.

Nuôi lươn lót bạt trong bể xi măng cho hiệu quả cao   Ảnh: Duy Khương

Nuôi lươn lót bạt trong bể xi măng cho hiệu quả cao Ảnh: Duy Khương

Ông Bùi Minh Hường ở ấp Phú Điền, xã Phú Thành A thiết kế bể nuôi lươn rất đơn giản bằng cách xây tường xi măng lên cao 9 tấc trên một khoảng sân trống hình chữ nhật cạnh nhà, có thể thay nước dễ dàng. Năm 2014, ông Hường xây mỗi một bể có kích cỡ 12 m2. Phía đáy bể, ông phủ một lớp bùn cao 1,5 – 2 tấc, rồi bơm nước vào và thả 2.500 con lươn giống. Các gốc bể ông trang bị những tấm vỉ cây dùng để thức ăn cho lươn. Bên trên mặt nước hồ được phủ kín bởi một mảng các loại cây bắp sau thu hoạch… để tạo bóng mát cho lươn có nơi bám vào trú ẩn. Mỗi gốc bể chừa một khoản trống nhỏ để bỏ thức ăn cho lươn ăn. Theo ông Hường, đầu tư khoảng 2 kg thức ăn sẽ cho ra 1 kg lươn thương phẩm. Bên cạnh đó, ông còn thường xuyên thay nước bễ nuôi lươn, chăm sóc đàn lươn nuôi thật chu đáo và phòng ngừa dịch bệnh cho lươn kịp thời theo đúng quy trình kỹ thuật để giúp lươn tăng trọng nhanh, hạn chế dịch bệnh tấn công… Nguồn thức ăn cho lươn chủ yếu được ông Hường sử dụng là cá tạp, cua, ốc bươu vàng được nấu chín và thức ăn viên công nghiệp có nhiều độ đạm…

Sau vụ nuôi năm 2014 – 2015, với 13 bể nuôi được ông Hường thu hoạch trên 700 kg lươn thương phẩm, trừ các khoản chi phí, ông khoảng 50 triệu đồng.

Ông Hường hiện đang nuôi trên 13.000 con lươn trong 13 bễ xi măng quanh nhà. Đàn lươn đang phát triển tốt; trọng lượng bình quân 300 – 500 g/con. Khoảng vào dịp Tết Dương lịch 2017 sẽ xuất bán đàn nếu được giá 150.000 đồng/kg, gia đình ông sẽ có khoảng lợi nhuận trên 100 triệu đồng.

Còn ông Phan Văn Thâu cũng ở ấp Phú Điền, xã Phú Thành A, năm 2015 chỉ thả nuôi có 1.700 con lươn giống trong 3 bể xi măng. Sau 10 tháng nuôi, ông Thâu thu hoạch 450 kg, thu nhập hơn 70 triệu đồng. Trừ tất cả chi phí đầu tư và công chăm sóc, ông Thâu còn lãi hơn 28 triệu đồng. Hiện, ông Thâu đã mở rộng và chăm sóc 8 bể xi măng, thả 500 – 600 lươn giống/bể. Đến nay, đạt trọng lượng 150 – 250 g/con.

Nuôi lươn trong bể xi măng và bạt nilon ở huyện Tam Nông vừa có nguồn thu nhập cao vừa tạo việc làm cho một bộ phận lao động nhàn rỗi ở địa phương. Toàn huyện hiện có 106 hộ đang tận dụng diện tích đất trống quanh nhà đang nuôi lươn trên 550 bể nuôi hình thức này tập trung nhiều ở các xã An Long, Phú Ninh, Phú Thành A, Phú Thọ…

Để duy trì và phát triển nghề nuôi lươn ở huyện Tam Nông một cách bền vững, ông Lưu Văn Tiến, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tam Nông cho biết, ngành nông nghiệp cũng đã xây dựng kế hoạch trong năm 2017 sẽ triển khai thực hiện mô hình nhân giống lươn nhân tạo tại địa phương. Từ đó, tạo nguồn giống đạt chất lượng và đáp ứng đủ nhu cầu về số lượng giống cho người nuôi. Riêng về việc tiêu thụ sản phẩm lươn địa phương sẽ liên hệ với một số cơ sở lớn hoặc là các thương lái có uy tín để ký kết tiêu thụ lươn cho bà con.                 

>> Ông Huỳnh Thanh Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Thành B cho biết: Hội sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động những hộ nuôi lươn tham gia vào Tổ nuôi lươn để từng bước hình thành Tổ hợp tác nuôi lươn ở địa phương. Đồng thời, kiến nghị mở các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi, vận động thành lập Tổ nhân giống để từng bước cung cấp con giống cho các Tổ nuôi lươn trên địa bàn.

Trần Trọng Trung

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!