Đồng Tháp: Tăng cường chất lượng cá tra giống

Chưa có đánh giá về bài viết

Theo Sở NN&PTNT Đồng Tháp, do tình hình khan hiếm, từ cuối năm 2017 đến nay, giá con giống cá tra liên tục tăng, đến 21/3, con giống cỡ 28 – 32 con/kg lên đến 70.000 đồng/kg (tăng 31.000 đồng/kg so cùng thời điểm năm 2017).


Chất lượng suy giảm

Theo ghi nhận, toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 1.228 cơ sở sản xuất và cung ứng cá tra giống, trong đó có 68 cơ sở sản xuất cá tra bột, 1.160 hộ ươm cá giống. Tổng đàn cá tra bố mẹ hiện có là trên 207.000 con. Trong 3 tháng đầu năm, sản xuất khoảng 2,2 tỷ con cá tra bột, 164 triệu cá tra giống, giảm gần 44 triệu con so cùng kỳ năm 2017. Nếu so với nhu cầu giống thả nuôi cho cả ĐBSCL thì có hiện tượng thiếu giống. Riêng đối với Đồng Tháp, lượng cá giống sản xuất trong 3 tháng đầu năm đủ đáp ứng cho 200 ha thả nuôi mới trong tỉnh.

Nhưng, điều đáng quan ngại không chỉ là tình hình cung không đủ cầu mà chính là chất lượng con giống. Tuy trình độ sản xuất cá tra giống của người dân đã được nâng cao từ sự hỗ trợ tích cực của các chương trình khuyến nông của Nhà nước và tư nhân; nhưng thời tiết diễn biến thất thường nên việc sản xuất, dưỡng con giống thời gian qua đối mặt với nhiều khó khăn khiến tỷ lệ sống thấp, mắc bệnh nhiều (như bệnh gan thận mủ, xù thân thối đuôi)…; dẫn đến người sản xuất sử dụng nhiều hóa chất, kháng sinh để phòng, trị bệnh làm ảnh hưởng đến chất lượng con giống.

Thực tế cho thấy, thời tiết diễn biến thất thường không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến chất lượng con giống, mà còn xuất phát từ những nguyên nhân khác rất đáng quan tâm. Theo ngành NN&PTNT Đồng Tháp, thời gian qua, mối liên kết giữa các cơ sở sản xuất con giống, hộ nuôi và doanh nghiệp nuôi cá tra chưa chặt chẽ, thống nhất và hài hòa lợi ích giữa các bên. Đa số doanh nghiệp – kể cả doanh nghiệp có vùng nuôi lớn – chưa chú trọng đầu tư khép kín sản xuất con giống cho vùng nuôi, mà hầu hết đều chọn phương thức mua thu gom từ các hộ sản xuất giống cá tra nhỏ lẻ. Còn các tổ hợp tác sản xuất con giống dù đã được thành lập, song mang tính hình thức, hoạt động chưa thật sự hiệu quả. Mặt khác, còn diễn ra tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các cơ sở sản xuất con giống.

Bàn giải pháp tháo gỡ

Đại diện Công ty CP Thủy sản Trường Giang lo ngại, với mục tiêu sản lượng và kim ngạch xuất khẩu đặt ra trong năm 2018, ngành cá tra Việt Nam sẽ đối mặt nhiều thách thức. Ngay từ đầu năm 2018, nguồn cung giống đã có dấu hiệu sụt giảm do lượng con giống bị thiệt hại nghiêm trọng, chất lượng không bảo đảm, kéo theo đó, các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu có nguy cơ thiếu hụt nguồn nguyên liệu.

Theo các doanh nghiệp, hiện tỷ lệ nuôi từ bột lên hương tại nhiều cơ sở sản xuất cá tra giống đạt tỷ lệ cá sống không quá 20%, còn nuôi từ hương lên cá giống đạt không quá 40%. Tỷ lệ hao hụt trong nuôi cá thịt cũng rất cao tại nhiều hộ nuôi, với tỷ lệ cá sống chỉ khoảng 50 – 60%, trong khi mật độ thả nuôi khoảng 80 con/m2. Nuôi mật độ dày dễ gây các tác động xấu cho môi trường và phát sinh dịch bệnh. Do vậy, ngành chức năng cần có giải pháp hỗ trợ nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất giống và kịp thời khuyến cáo, giúp người dân thả nuôi cá thương phẩm với mật độ thưa, tỷ lệ sống cao.

Có thể thấy, giống là nhân tố quan trọng mang lại thành công trong nuôi trồng, đối với con cá tra – vật nuôi thủy sản chủ lực của vùng ĐBSCL cùng với con tôm – không thể không triển khai các giải pháp để nâng cao chất lượng con giống; trong đó bao gồm cả giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý và chính sách hỗ trợ để tiến tới xây dựng thương hiệu cá tra giống chất lượng cao trên nền tảng chất lượng…

Để nâng cao hơn nữa tình hình sản xuất cũng như chất lượng cá tra giống tại địa phương, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh và Sở NN&PTNT Đồng Tháp đã làm việc với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ngành hàng cá tra để bàn về giải pháp phát triển cá tra giống. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT khảo sát lại nhu cầu diện tích nuôi cá tra giống, sớm thành lập các mô hình thí điểm con giống chất lượng cao. Đồng thời, các doanh nghiệp có thể cùng nhau thành lập hội quán sản xuất cá tra giống để thuận lợi trong việc gặp gỡ giải quyết khó khăn. 

>> Hiện nay, toàn tỉnh Đồng Tháp có hơn 60% diện tích thả nuôi cá tra áp dụng các tiêu chuẩn GAP và tương đương; thành lập được HTX nuôi cá tra ở huyện Châu Thành gắn với liên kết theo chuỗi giá trị để giảm giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất. 65% diện tích nuôi cá tra theo mô hình khép kín của các doanh nghiệp, còn lại hơn 450 ha hộ nuôi có tham gia liên kết với doanh nghiệp theo 2 hình thức là ký kết hợp đồng tiêu thụ và hình thức nuôi gia công.

Vân Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!