T2, 06/07/2020 02:08

Đừng để hụt hơi khi thị trường hồi phục

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngành thủy sản chịu những tác động mạnh khi đại dịch COVID-19 bùng phát, với cả trong sản xuất lẫn xuất khẩu. Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, các doanh nghiệp và người sản xuất rất trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước. Thế nhưng, để vực dậy, họ buộc phải có những sự tính toán cần thiết.

Sản xuất biến động

Đúng như dự đoán của nhiều doanh nghiệp, dịch COVID-19 sẽ khó được kiểm soát sớm, có thể kéo dài đến cuối quý II, thậm chí tràn sang cả quý III. Hiện nay, tình hình xuất khẩu thủy sản vẫn rất chậm, mặc dù có điểm sáng mới là nhu cầu các sản phẩm chế biến đông lạnh, đồ hộp đang tăng mạnh. Tuy nhiên, nhiều nhận định đều cho rằng, ngay khi COVID-19 được khống chế, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm thủy sản chế biến sâu sẽ tăng trở lại.

Vậy nhưng, điều doanh nghiệp thủy sản lo ngại là nếu người NTTS không thể vượt qua được giai đoạn khó khăn này, vấn đề thiếu nguyên liệu cho chế biến sẽ xảy ra.

Đánh giá chung cho thấy, giá tôm nguyên liệu trên thị trường tại thời điểm cuối tháng 2/2020 đã giảm 10% so cuối năm 2019. Thông thường, từ tháng 3, vụ nuôi tôm đầu tiên trong năm bắt đầu khởi động. Tuy nhiên, kể từ đầu năm nay, dịch COVID-19 bùng phát đã khiến nhu cầu tiêu thụ tôm giảm, dẫn đến giá bán tôm xuất khẩu và tôm nguyên liệu cũng giảm theo, do đó, đa số các hộ nuôi tôm chậm tiến hành thả nuôi vụ mới hoặc thu hẹp diện tích.

Chế biến tôm xuất khẩu Ảnh: Huy Hùng

Chế biến tôm xuất khẩu. Ảnh: Huy Hùng

Ngoài ra, tại một số tỉnh ven biển ĐBSCL như Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau… tình hình xâm nhập mặn diễn ra ngày càng nghiêm trọng cũng là nguyên nhân gây nhiều khó khăn cho hoạt động nuôi tôm của nông dân. Với tình hình các hộ nuôi đồng loạt giảm diện tích như vậy, sẽ khiến các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu đầu vào khi nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu tăng trở lại. Bên cạnh đó, diễn biến giá tôm nguyên liệu trên thị trường sẽ phụ thuộc rất lớn vào mức độ hồi phục nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu tôm của Việt Nam.

Về cá tra, từ mức đỉnh cuối năm 2018 là 35.800 đồng/kg, giá cá tra nguyên liệu đầu năm 2020 chưa đến 20.000 đồng/kg, thấp hơn khá nhiều so chi phí nuôi của các hộ dân, nghĩa là người nuôi cá tra đang gánh lỗ. Khi dịch COVID-19 bùng phát và lan rộng trên toàn cầu, giá cá tra nguyên liệu tiếp tục đà giảm, cuối tháng 2/2020, giá cá tra nguyên liệu loại I (0,7 – 0,8 kg/con) trung bình khoảng 18.800 đồng/kg, mức giá thấp nhất trong khoảng hai năm gần đây.

VASEP dự kiến, diện tích nuôi cá tra giảm nên sản lượng năm 2020 có thể giảm 10 – 20%, đạt khoảng 1,2 triệu tấn. Tương tự với con tôm, giá cá tra nguyên liệu chỉ phục hồi khi nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu được cải thiện. Nhiều chuyên gia đánh giá, đây là “đặc trưng” của ngành thủy sản Việt Nam – một ngành phụ thuộc rất lớn vào đầu ra.

 

Chuẩn bị chờ thời cơ

Quan sát chung cho thấy, từ khi dịch bệnh COVID-19 lan rộng, người nuôi trồng thủy sản phải “tiếp nhận” nhiều thông tin nhiễu loạn về tình hình thị trường khiến họ rụt rè trước vụ nuôi mới.

Cụ thể, trước tình hình dịch COVID-19 và hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh ĐBSCL, các địa phương đã chủ động điều chỉnh lịch mùa vụ nuôi tôm nước lợ, tổ chức liên kết sản xuất cho phù hợp với điều kiện của địa phương. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của các tỉnh, trong quý I diện tích thả nuôi mới chỉ đạt 425.215 ha (bằng 85% cùng kỳ), chủ yếu là nuôi tôm quảng canh.

Nhằm ổn định sản xuất, tránh những thông tin bất lợi, đồng thời đón cơ hội khi thị trường hồi phục, Tổng cục Thủy sản đã có văn bản đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh/thành phố trung ương ven biển, các hội, hiệp hội và các đơn vị liên quan cần thông tin kịp thời, chỉ đạo sản xuất thích ứng với hạn hán, xâm nhập mặn và dịch COVID-19 để hoàn thành kế hoạch sản xuất tôm nước lợ vụ đầu năm và cả năm 2020.

Cùng đó, cần tổ chức sản xuất, chế biến và hoạch định kế hoạch tiêu thụ sản phẩm phù hợp với diễn biến thực tế trong và sau khi dịch bệnh kết thúc; khuyến cáo doanh nghiệp, người dân tối ưu hóa chuỗi sản xuất để giảm giá thành sản phẩm; áp dụng quy trình công nghệ nuôi tôm an toàn để có nguồn nguyên liệu chất lượng cao, truy xuất nguồn gốc phục vụ cho chế biến. Đối với tôm nuôi đến kỳ thu hoạch cần hỗ trợ người dân kết nối với doanh nghiệp chế biến để tiêu thụ sản phẩm. Đối với các cơ sở đang nuôi với mật độ dày, tôm cỡ nhỏ cần san thưa để chăm sóc tốt, hạn chế rủi ro, giảm thiểu chi phí sản xuất…

VASEP dự báo, mặt hàng tôm xuất khẩu ở các thị trường chủ lực đang biến động, nếu người nuôi tôm cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn cầm cự này bằng cách duy trì nuôi ở mức độ phù hợp để cầm cự đến tháng 6 – 7 khi thị trường hồi phục thì ngành tôm vẫn có nguyên liệu để chế biến và xuất khẩu, bù đắp sụt giảm những tháng đầu năm. Với cá tra, theo VASEP, ngành hàng này không lo ngại nhiều về nguyên liệu, nhưng nên tiếp cận việc đánh số vùng nuôi hoặc đưa ra các điều kiện nuôi cá tra hoàn chỉnh hơn để chuẩn bị cho năm 2021 tốt hơn, đặc biệt liên quan đến chương trình thanh tra của Cơ quan Kiểm dịch và An toàn thực phẩm (FSIS).

Để đảm bảo nguồn nguyên liệu đáp ứng cho chế biến xuất khẩu của các doanh nghiệp sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, kiến nghị Chính phủ và Bộ NN&PTNT có kế hoạch và quy hoạch về vùng nuôi nguyên liệu tôm, cá tra; đồng thời, hỗ trợ để khuyến khích người nuôi tiếp tục thả giống mới trong thời gian này…

>> Quý I/2020, xuất khẩu thủy sản của cả nước ước đạt trên 1,5 tỷ USD, giảm 14% so với quý I/2019. Trong đó, xuất khẩu cá tra giảm 31%; tôm giảm 4,3%; cá ngừ giảm 13,5%; mực, bạch tuộc giảm 28%…

Phan Thảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!