Ethoxyquin và những suy đoán chưa được chứng minh

Chưa có đánh giá về bài viết

Năm 2017, EU đã ban hành Quyết định 2017/962 về việc kiểm soát Ethoxyquin; theo đó từ ngày 1/4/2020, EU sẽ cấm dùng Ethoxyquin trong thức ăn và nguyên liệu thức ăn cho các loại vật nuôi, thủy sản. Để vào được thị trường này, sản phẩm chăn nuôi và thủy sản của Việt Nam buộc phải tuân thủ.

Những đánh giá chung

EU là thị trường nhập khẩu thủy sản quan trọng của Việt Nam và khi EU đã quyết định cấm thì tất cả các nhà máy sản xuất thức ăn, trang trại nuôi, doanh nghiệp chế biến cần phải tuân thủ để không tồn dư Ethoxyquin trong các sản phẩm xuất vào EU. 

Đây là vấn đề hết sức khó khăn cho ngành thủy sản Việt Nam, do hầu hết thức ăn cho chăn nuôi, thủy sản vẫn còn phải sử dụng một lượng lớn chất Ethoxyquin để duy trì chất lượng và kéo dài thời gian bảo quản. Vì vậy, cần xem xét Ethoxyquin là gì, vai trò của nó trong lĩnh vực sản xuất thức ăn và các biện pháp ứng phó với những rào cản liên quan đến việc quản lý và sử dụng chất này như thế nào để sản phẩm chăn nuôi và thủy sản của Việt Nam đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy định của các thị trường khó tính trong đó có EU.

Cấu trúc hóa học của EthoxyquinEthoxyquin là chất chống ôxy hóa tổng hợp lần đầu năm 1921 có công thức hóa học là C14H19NO. Chất này tan trong dầu mỡ, được sử dụng như là chất bảo quản (E324).

Trong một nghiên cứu vào tháng 3/2003, Câu lạc bộ Chuột ở Mỹ (Rat & Mouse Club of America – RMCA) đã chỉ ra một số đặc tính kháng ung thư của Ethoxyquin trong thức ăn của chuột do độc tố aflatoxin gây ra. Ethoxyquin được đánh giá là độc tính cấp 3, hay nhóm độc tính trung bình. Nếu nhiễm phải với nồng độ từ 0,5 – 5 g/kg có thể gây tử vong ở người. Nhưng mức độ này chưa độc bằng aspirin hay cafein, những chất vẫn được sử dụng rất phổ biến trên thị trường.

Theo một nghiên cứu (2013) của Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm, Kiểm định NTTS (Tổng cục Thủy sản) hệ số tích tụ Ethoxyquin trong quá trình sử dụng là không thay đổi nhiều theo thời gian. Ethoxyquin có thể thải loại hoàn toàn trong tôm thương phẩm trong khoảng thời gian 4 – 5 ngày và không có sự khác biệt rõ ràng về hệ số tích tụ Ethoxyquin và thời gian tồn lưu Ethoxyquin trong tôm sú và tôm thẻ chân trắng.


Sử dụng rộng trong nông nghiệp

Ethoxyquin được sử dụng nhằm tăng tính ổn định các vitamin tan trong dầu, đảm bảo chất lượng của thức ăn chăn nuôi, thủy sản (FDA, 21 CFR 172.140), ngăn ngừa quá trình ôi thiu của chất béo có trong bột cá, dầu cá, khô đỗ tương, ngô… và một số thực phẩm cho người như bột ớt một cách phổ biến từ những năm 1950.

Trong sản xuất thức ăn chăn nuôi và NTTS, Ethoxyquin là chất chống ôxy hóa tốt, giá rẻ nên trong thời gian qua chất này được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam cũng như một số nước trên thế giới. Bên cạnh tác dụng bảo quản, năm 1965, lần đầu tiên Ethoxyquin được đăng ký sử dụng như một loại thuốc trừ sâu tránh sự chuyển màu không mong muốn (thường bị chuyển sang màu nâu) đối với trái cây táo và lê, bằng cách phun trực tiếp trước và sau khi thu hoạch.

Ethoxyquin được sản xuất ở nhiều nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Đức… Điển hình ở Mỹ, Ethoxyquin sản xuất tại Công ty Hóa chất Monsanto được xuất khẩu đến nhiều nước như Anh, Na Uy, Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ, Pháp, Áo, Thụy Sĩ, Phần Lan, Tây Ban Nha, Ý, Nam Phi, Mehico, Colombia, Peru, Chilê, Brazil, Philippine…

Quy định từ một số nước

Tại Việt Nam, trong Thông tư số 02/1998/BTS-TT của Bộ Thủy sản (nay là Bộ NN&PTNT) có quy định mức Ethoxyquin tối đa là 0,15% đối với ngô hạt, bột ngô, bột mì, cám gạo, tấm gạo, bột cá, khô dầu đậu tương, khô dầu lạc… làm nguyên liệu để sản xuất thức ăn cho động vật thủy sản.

Quy định hiện hành về hàm lượng Ethoxyquin trong thức ăn chăn nuôi, thủy sản ở Việt Nam là hàm lượng Ethoxyquin trong thức ăn không quá 150 ppm theo Thông tư 20/2017/TT-BNNPTNT về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản. Thức ăn thủy sản phải ghi thêm trên nhãn hàng hóa hàm lượng Ethoxyquin cụ thể. Quy định này có thể phải sớm thay đổi do áp lực của các thị trường nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi, nuôi trồng của Việt Nam.

Ở Việt Nam là hàm lượng Ethoxyquin trong thức ăn không quá 150 ppm. Ảnh minh họa

Trước đây, EU, Mỹ, Nhật Bản cũng đều quy định mức Ethoxyquin tối đa cho phép trong thức ăn chăn nuôi là 150 ppm. Hiện nay, tùy theo mục đích sử dụng Ethoxyquin trong thức ăn chăn nuôi hay trong thực phẩm mà mức quy định liều lượng khác nhau và EU đã cấm hoàn toàn chất này trong chăn nuôi.                           

Nhật Bản quy định, dư lượng Ethoxiquin trong tôm cao nhất là 0,01 ppm. Ngày 18/5/2012, 30% số lô tôm và ngày 31/8/2012, toàn bộ tôm nhập khẩu của Việt Nam bị kiểm tra. Bên cạnh đó, tính đến 13/9/2012, Ấn Độ đã bị Nhật từ chối khoảng 200 container tôm. Đáng chú ý, Ấn Độ đã khiếu nại (tháng 10/2013) lên Ủy ban SPS của WTO và Nhật Bản đã nâng mức cho phép lên 0,2 ppm đối với tôm (thấp hơn 5 lần so 1 ppm áp dụng cho cá).

Riêng trong thực phẩm dành cho người, Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) bắt buộc mức dư lượng Ethoxyquin tối đa là 5 ppm trong các chất béo chưa nấu chín từ động vật (trừ gia cầm); 0,5 ppm trong các cơ thịt động vật chưa nấu chín. FDA chưa xác nhận bằng chứng khoa học nào về mức Ethoxyquin như trên gây tổn hại cho sức khỏe con người hoặc động vật. Năm 1997, FDA đã yêu cầu (không bắt buộc) các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi tự nguyện hạn chế hàm lượng Ethoxyquin từ 150 ppm xuống còn 75 ppm. Tháng 11/2004, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (Environmental Protection Agency – EPA) công nhận việc sử dụng Ethoxyquin là hợp lệ nếu được đăng ký rõ ràng và ghi nhãn mác cụ thể trên bao bì.

Thông tin tại Hội nghị của FAO/WHO về dư lượng thuốc trừ sâu (Joint FAO/WHO Meeting on Pesticide Residues – JMPR), lượng Ethoxyquin ăn vào hàng ngày có thể chấp nhận được là 0,005 mg/kg thể trọng/ngày. Tiêu thụ 300 g cá hồi nuôi (với thức ăn 150 ppm) có thể chiếm ít hơn 15% lượng Ethoxyquin ăn vào hàng ngày có thể chấp nhận được.

Như vậy, quan ngại về Ethoxyquin hiện chỉ dựa trên suy đoán chưa được chứng minh và công nhận nhưng dư lượng của chất này trong thức ăn thủy sản cũng như sản phẩm thủy sản vẫn là một rào cản thương mại phi thuế quan do các nước nhập khẩu thủy sản áp đặt.

Mai Văn Tài

Viện Nghiên cứu NTTS I

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!