FAO cảnh báo việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi

Chưa có đánh giá về bài viết

Dù được cảnh báo liên quan đến sức khỏe con người và môi trường, việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi vẫn diễn ra tràn lan ở nhiều nơi trên thế giới.

Tổng Giám đốc FAO José Graziano da Silva. Ảnh: FAO

Tổng Giám đốc FAO José Graziano da Silva. Ảnh: FAO

Thuốc kháng sinh (antibiotics), hay còn gọi là chất kháng khuẩn (antimicrobial agent), là thuốc chống lại các nhiễm trùng gây ra do vi khuẩn cho cả người và động vật. Tuy nhiên, các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho hay, việc sử dụng nhiều loại thuốc kháng sinh cực mạnh trong chăn nuôi nhằm nâng cao sản lượng, lợi nhuận nhanh, đang phá vỡ thế cân bằng sinh thái, đồng thời trở thành một mối đe dọa đối với nền y tế toàn cầu. 

Phát biểu trong cuộc họp cuối tháng 5 vừa qua, Tổng Giám đốc Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) José Graziano da Silva khuyến nghị việc sử dụng kháng khuẩn trong chăn nuôi khi cần thiết như trị bệnh cho gia súc, gia cầm và trong nuôi trồng thủy sản phải được kiểm soát nghiêm ngặt, theo chỉ định chuyên ngành. Việc quảng bá về việc sử dụng kháng sinh kích thích tăng trưởng trong chăn nuôi… cần được dẹp bỏ ngay.

Vào cuối năm ngoái, WHO ra thông cáo báo chí kêu gọi nông dân và ngành chế biến thực phẩm chấm dứt việc sử dụng thuốc kháng sinh hàng ngày để kích thích tăng trưởng, kể cả trong phòng ngừa bệnh tật ở những con vật khỏe mạnh.

Trên thế giới, nhiều bệnh nhiễm khuẩn như viêm phổi, bệnh lao có thể điều trị được đang ngày càng trở nên kháng với các loại thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị các bệnh đó. Việc này dẫn đến tình trạng bệnh kéo dài hơn và tử vong nhiều hơn. Sử dụng không hợp lý kháng sinh trong động vật, nông nghiệp và sức khỏe con người đóng một vai trò quan trọng trong cuộc khủng hoảng đang nổi lên này. 

Theo FAO, việc sử dụng kháng sinh ở gia cầm và trang trại heo sẽ tăng lên hơn 120% ở châu Á vào năm 2030. Đáng chú ý là một nửa số kháng sinh trên toàn cầu hiện nay được tiêu thụ ở Trung Quốc. 

FAO trích dẫn nhiều nghiên cứu cho biết, tình trạng kháng kháng sinh hiện nay khiến gần 500 nghìn ca tử vong mỗi năm. Nếu không được kiểm soát chặt chẽ, vấn đề kháng kháng sinh tiếp tục gia tăng có thể dẫn đến 10 triệu ca tử vong vào năm 2050 và chi phí y tế toàn cầu lên tới hàng nghìn tỷ USD.

Người đứng đầu FAO kêu gọi thế giới cần có những hành hành động mạnh mẽ, mang tính bền vững để chống lại tình trạng kháng thuốc và bảo vệ sức khỏe của người dân trên toàn thế giới. Trong đó bao gồm thông qua việc ngăn chặn việc dụng kháng sinh, thậm chí tiến tới sẽ dừng hẳn việc sử dụng kháng sinh, kể cả trong chữa bệnh và trong thức ăn chăn nuôi.

Nam Việt

Báo Quảng Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!