Gây ô nhiễm vẫn xây dựng mở rộng

Chưa có đánh giá về bài viết

Một cơ sở sản xuất phế phẩm hải sản ở xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa có nước thải hôi thối khiến cho không khí trong khu vực bị ô nhiễm. Đã vậy, cơ sở này tiếp tục mở rộng xây dựng xưởng sản xuất khiến người dân địa phương lo ngại…

Thời gian vừa qua, người dân xã Suối Cát nhiều lần phản ánh về việc cơ sở chế biến phế phẩm hải sản của gia đình ông Nguyễn Chí Nam (đóng tại thôn Khánh Thành Nam, xã Suối Cát) gây ô nhiễm môi trường. Theo những hộ dân sống gần cơ sở này, gia đình ông Nam chuyên mua đầu tôm về chiết xuất chất Chitin nên nước thải ra gây hôi thối không chịu nổi. Ngoài ra, các loại phế phẩm hải sản mà gia đình ông Nam mua về khiến cho ruồi nhặng ở khu vực này sinh sản rất nhiều. Ông Lê Văn Lộc (trú thôn Tân Xương 1, xã Suối Cát) nói: “Cơ sở này xây dựng trên đất nông nghiệp, chế biến đầu tôm, đầu cá gây ô nhiễm môi trường. Mùi hôi thối bốc lên rất khó chịu. Mùa mưa họ còn xả nước thải ra suối làm ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân trong khu vực. Dân đã nhiều lần kiến nghị lên xã, lên huyện nhưng cơ sở này vẫn chưa khắc phục”.  

Ao nước ô thải ô nhiễm và phần nhà xưởng xây dựng trái phép. 

Ao nước ô thải ô nhiễm…..

Hiện gia đình ông Nam tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất làm người dân lo lắng. Ông Nguyễn Văn Châu (trú thôn Tân Xương 2, xã Suối Cát) phản ánh: “Cơ sở của ông Nam xây dựng trái phép, sai mục đích sử dụng đất, không đúng quy hoạch và gây ô nhiễm môi trường đã nhiều năm nay. Cơ sở này tồn tại trên diện tích đất khoảng 8.000 m2 với khoảng 400 m2 nhà xưởng. Với diện tích này, người dân đã không chịu nổi, nếu ông Nam còn tiếp tục mở rộng cơ sở sản xuất thì không biết sẽ ô nhiễm đến cỡ nào?”. Trước thực trạng đó, người dân đề nghị UBND xã Suối Cát, UBND huyện Cam Lâm kiểm tra, và yêu cầu di dời cơ sở sản xuất này vào các khu công nghiệp.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, UBND huyện Cam Lâm từng đưa cơ sở này vào danh sách những cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm cao. Kết quả kiểm tra của UBND huyện mới đây xác định rõ, hiện cơ sở không có hệ thống xử lý nước thải. Nước thải được thu gom chứa vào ao đất không có lót đáy; một phần thấm rút tự nhiên, một phần thuê xe hút hầm hút đi thải bỏ, lưu lượng xả thải khoảng hơn 10 m3/ngày. Nước thải bốc mùi hôi thối nồng nặc. Phân tích mẫu nước và so sánh với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp, thủy sản thì nước thải ở cơ sở của ông Nam có 4/7 thông số phân tích vượt quy chuẩn cho phép. UBND huyện Cam Lâm đã ra quyết định xử phạt 5 triệu đồng.

và phần nhà xưởng xây dựng trái phép 

…. và phần nhà xưởng xây dựng trái phép

Trao đổi với chúng tôi, ông Nam thừa nhận việc sản xuất Chitin gây ô nhiễm là đúng vì không có cách gì để khắc phục được tình trạng này. “Tuy nhiên, hiện tôi đã dừng việc làm Chitin, chuyển sang chế biến các phế phẩm hải sản thành bột bán cho các nhà máy sản xuất thức ăn gia súc. Cũng vì chuyển hình thức sản xuất để tránh ô nhiễm nên tôi mới đầu tư giàn máy sấy khô nguyên liệu để không có nước thải như trước đây. Nhưng mới xây lại nhà xưởng thì bị người dân khiếu nại” – ông Nam nói.

Xung quanh vấn đề này, ông Phan Ngọc Châu – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cam Lâm khẳng định: “Cơ sở sản xuất của ông Nam có gây ô nhiễm. Tuy nhiên, ngày 1/6, phòng có đi kiểm tra thì cơ sở này không còn sản xuất nữa. Đối với việc xây dựng trái phép thì Thanh tra Sở Xây dựng đã kiểm tra và yêu cầu dừng thi công. Ông Nam đang chuyển sang sản xuất bột tôm, cá để tránh ô nhiễm nên phải xây dựng lại nhà xưởng là hợp lý. Song việc xây dựng này chưa có phép, do đó trong thời gian tới, ông Nam phải xin chuyển mục đích sử dụng đất và bổ sung một số thủ tục cần thiết thì mới được tiếp tục xây dựng”.

Đình Lâm - Vĩnh Thành

Báo Khánh Hòa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!