T2, 06/07/2020 01:19

Giá cá tra cao kỷ lục: Chớ nên ngủ quên trên chiến thắng

Chưa có đánh giá về bài viết

Mặc dù giá cá tra đạt ngưỡng kỷ lục nhưng ngành vẫn còn đối mặt với nhiều thách thách, đặc biệt là áp lực cạnh tranh ngày một lớn.


Giá cá tra cao kỷ lục.

Giá cá tra nguyên liệu đạt kỷ lục

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long hiện có mức giá trung bình 30.000 – 32.000 đồng/kg đối với loại 700 – 900 gram/con, tăng tới 3.000 đồng/kg so với tháng 8.

Giá cá tra nguyên liệu tăng do nguồn cung cá giống khan hiếm, cùng với việc trữ lượng cá nguyên liệu đang ở mức khá thấp, nhu cầu thu mua cá nguyên liệu sản xuất cho xuất khẩu sang thị trường Mỹ và EU tăng, đặc biệt là cá tra có kích thước nhỏ.

Với mức giá hiện tại, người nuôi cá tra thu lãi từ 6.000 – 9.000 đồng/kg và có thể xoay vòng vốn, trả nợ ngân hàng còn tồn đọng từ thiệt hại do cá tra xuống giá từ 2 năm trước.

Trao đổi với phóng viên, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam nhận định, đây là mức giá cao kỷ lục trong hàng chục năm qua. Ngoài nhu cầu từ EU và Mỹ tăng mạnh, thị trường Trung Quốc cũng đang tăng cường nhập khẩu cá tra của Việt Nam. Nếu như trước kia, Trung Quốc chỉ nhập khẩu cá tra loại 1kg/con trở lên thì gần đây, thị trường này nhập khẩu cả loại 700 – 800 gram/con.

Sản lượng nuôi cá tra của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long 9 tháng năm 2018 ước đạt 992.700 tấn, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích cũng được mở rộng thêm 5% lên 5.480 ha. Tăng trưởng xuất khẩu cá tra lên trong 9 tháng đầu năm lên tới 24,6% đạt 1,6 tỷ USD.

Khó khăn về con giống

Nhu cầu cá tra nguyên liệu phục vụ cho xuất khẩu tăng cũng khiến cá tra giống được hưởng lợi. Chỉ tính riêng trong quý III giá mặt hàng này cũng đã tăng tới 180% lên 70.000 đồng/kg (loại 30 con/kg).

Giá cá tra giống tăng không chỉ do nhu cầu cải thiện mà còn là vì bệnh dịch vào mùa mưa như bệnh xuất huyết, sán lá, gan, thối đuôi xuất hiện khiến lượng cá tra giống chết tăng cao. Ông Quốc cho biết, tình hình dịch bệnh này thường sẽ kéo dài trong vòng khoảng 2 tháng.

Lâu nay, cá tra giống Việt Nam được đánh giá là chất lượng chưa cao, tỷ lệ chết lớn, ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông, việc người dân chuyển sang ương giống trong khi chưa am hiểu về kỹ thuật ương, kiểm soát chất lượng nước chưa tốt nên nhiều diện tích ương giống bị nhiễm bệnh.

Vì vậy, hiện nay vẫn chưa đủ cá tra giống chất lượng cao trên thị trường. Thời tiết xấu khiến tỷ lệ cá tra giống trọng lượng dưới 20 gram chết cao.

Nhiều hộ chăn nuôi buộc phải mua cá tra giống chất lượng loại C thay vì loại A hoặc B. Vì vậy, tỷ lệ cá chết rất cao. Đối với loại cá tra giống 20 gram, tỷ lệ chết trước khi tới kỳ thu hoạch lên tới 40%. Trong khi đó, các công ty xuất khẩu bày tỏ lo ngại việc thiếu cá tra giống sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới nguồn cung cá tra xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm 2018, đồng thời khiến giá cá tra giống tăng.

Để giải quyết về vấn đề chất lượng con giống, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phát đông Đề án giống cá tra ba cấp. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông Nguyễn Xuân Cường nhận định: “Một trong những giải pháp then chốt để ngành cá tra phát triển bền vững là các địa phương phải quy hoạch lại sản xuất từ khâu giống, thức ăn, nuôi và chế biến xuất khẩu”.

Cá tra xuất khẩu Việt Nam không còn giữ vị trí độc tôn

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, cá tra là loại thủy sản khá dễ nuôi nên thời gian gần đây một số nước đã bắt đầu đẩy mạnh đầu tư phát triển loại thủy sản này, tạo áp lực cạnh tranh khá lớn đối với Việt Nam.

Ông Đào Xuân Hiếu, Phó Trưởng phòng Phát triển thị trường Thủy sản, Cục chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản, cảnh báo cá tra xuất khẩu của Việt Nam không còn giữ vị trí độc tôn trên thế giới. Trao đổi với phóng viên, ông Hiếu cho biết, mặc dù ăn hiện nay Việt Nam đang chiếm khoảng 60 – 70% nhưng một số nước như Baladesh, Ấn Độ cũng bắt đầu tham gia vào thị trường xuất khẩu.

Vụ Nuôi trồng Thủy sản, Tổng cục Thủy sản thông tin, mặc dù Trung Quốc vẫn đang là một trong những khách hàng tiêu thụ sản phẩm cá tra Việt Nam nhiều nhất nhưng đang có khả năng trở thành nhà cung cấp cá tra rất tiềm năng cho thế giới. Đây cũng là một rào cản lớn cho ngành cá tra về sau.

Theo ông Quốc, sản lượng cá tra Việt Nam trung bình đạt 1,2 – 1,3 triệu tấn/năm, thậm chí trong năm nay có thể hơn. Cùng lúc đó, tổng sản lượng cá tra của các nước còn lại cũng tương đương, và đây là tín hiệu cạnh tranh bắt đầu nổi lên.

Mặc dù vậy, ông Quốc lạc quan so với các nước khác, Việt Nam có lợi thế địa lý và tự nhiên phù hợp để phát triển nuôi cá tra nên tốc độ tăng trưởng sản lượng cao hơn.

“Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan mà phải tăng cường sản xuất và quản lý theo chuỗi, đảm bảo về chất lượng cũng như sản lượng. Thêm vào đó, Việt Nam cần xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam tốt hơn nữa để tránh bị bôi bẩn”, ông Quốc cảnh báo.

Theo ông Hiếu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn coi cá tra là sản phẩm quốc gia và đã có chính sách đặc thù riêng, trong đó có nội dung phối hợp cùng Bộ Công Thương xây dựng thương hiệu sản phẩm này trên thị trường thế giới.

Xuất khẩu có thể đạt kỷ lục 2 tỷ USD?

Nhìn lại 9 tháng đầu năm, sản xuất cá tra phải đối mặt với khá nhiều khó khăn. Đó là sự khủng hoảng cá tra giống và những rào cản từ thị trường nhập khẩu. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, xuất khẩu cá tra từ đầu năm đến nay vẫn phát triển tốt với giá cá giống, giá cá nguyên liệu liên tục duy trì ở mức cao.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định, với tình hình hiện nay, nguồn cá nguyên liệu phục vụ cho xuất khẩu trong quý IV năm 2018 dự báo sẽ hạn chế, giá cá tra xuất khẩu sẽ được giữ ở mức tốt và có thể kéo dài đến hết năm 2018.

Ông Quốc dự báo, kim ngạch xuất khẩu cá tra năm nay có thể đạt ngưỡng kỷ lục 2 tỷ USD, cao hơn 200 triệu USD so với năm 2017.

Thời gian vừa qua, Việt Nam liên tiếp đón nhận tin vui từ Mỹ, thị trường tiêu thụ cá tra lớn nhất của Việt Nam. Hôm 10/9, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành kết luận sơ bộ của đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 14 (POR14) cho giai đoạn từ ngày 1/8/2016 đến ngày 31/7/2017 đối với sản phẩm cá tra, cá basa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Theo đó, mức thuế sơ bộ cho hai bị đơn bắt buộc là 0 USD/kg và 1,37 USD/kg; thuế suất cho các bị đơn tự nguyện là 0,41 USD/kg; thuế suất toàn quốc là 2,39 USD/kg.

Mức thuế này thấp hơn rất nhiều so với kết quả cuối cùng của đợt rà soát trước đó (POR13) là 3,87 USD/kg cho tất cả doanh nghiệp bị đơn của Việt Nam.

Cũng trong tháng 9, Cục kiểm tra An toàn Thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng công bố lên Công báo Mỹ đề xuất công nhận hệ thống kiểm tra cá tra Việt Nam tương đương với Mỹ. Mặc dù chưa có kết quả chính thức nhưng đây cũng là tín hiệu đáng mừng cho cá tra Việt Nam.

Ngoài ra, theo ông Hiếu, Trung Quốc nổi lên là thị trường thị trường tiêu thụ cá tra có tốc độ tăng trưởng mạnh, trung bình hai con số. Bên cạnh đó, sản phẩm cá tra được tiêu thụ ở thị trường này rất đa dạng và còn nhiều dư địa.

Đức Quỳnh

Kinh tế & Tiêu dùng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!