Gia tăng giải pháp kiểm soát dịch bệnh tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

Năm 2014, tình hình dịch bệnh thủy sản nói chung và con tôm nói riêng vẫn diễn biến phức tạp, diện tích tôm nuôi bị bệnh không suy giảm dù đã có nhiều biện pháp được các cấp, bộ, ngành đưa ra.

Chưa hết lo âu

Báo cáo của Cục Thú y, 11 tháng đầu năm nay, dịch bệnh đốm trắng xảy ra tại 250 xã, 69 huyện thuộc 22 tỉnh, thành phố. Tổng diện tích nuôi tôm bị bệnh là 22.624 ha, chiếm 3,3% tổng diện tích thả nuôi của cả nước. Bệnh xảy ra trên tôm thẻ chân trắng (TTCT) và tôm sú, tôm có độ tuổi 10 – 110 ngày sau thả. Tôm sú bị thiệt hại nhiều nhất, với diện tích 13.529, 47 ha, chiếm 59,8%; còn lại là TTCT.

So cùng kỳ năm 2013, dịch bệnh đốm trắng xảy ra với phạm vi hẹp hơn, với 250 xã thuộc 22 tỉnh bị dịch (năm 2013 có 280 xã thuộc 28 tỉnh bị dịch), nhưng diện tích bị bệnh lớn hơn 1,85 lần. Cả nước có 3 tỉnh công bố dịch là Sóc Trăng, Nghệ An, Quảng Ninh; Sóc Trăng là tỉnh bị thiệt hại lớn nhất với 10.933,82 ha, chiếm 48,33% tổng diện tích bị bệnh đốm trắng trong cả nước.

Cũng trong 11 tháng, dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp xảy ra tại 233 xã thuộc 22 tỉnh, thành phố. Tổng diện tích tôm bị bệnh là 5.591,7 ha, chiếm 0,82% tổng diện tích thả nuôi tôm của cả nước. Bệnh xảy ra cả trên TTCT và tôm sú có độ tuổi 10 – 103 ngày sau thả; trong đó, TTCT chiếm 63,61%. So cùng kỳ năm 2013, dịch bệnh gan tụy cấp xảy ra rộng hơn 1,21 lần về số xã, nhưng tổng diện tích bị bệnh vẫn tương đương.

Dịch bệnh trên tôm đang tái diễn ở nhiều địa phương – Ảnh: Phan Thanh Cường

 

Nguyên nhân cũ, vấn đề mới

Cục Thú y cho biết, nguy cơ dịch bệnh trên tôm đang rất cao; 92/100 xã ở 4 tỉnh điều tra (Thái Bình, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau) tôm có nguy cơ bị bệnh. Về nguyên nhân bệnh đốm trắng, các nhà khoa học cho rằng đến nay virus WSSV (White Spot Syndrome Virus) vẫn là thủ phạm chính. Cơ chế lây truyền bệnh đốm trắng rất đa dạng, như lây từ tôm bố mẹ, từ môi trường, nguồn thức ăn (một số loài nhuyễn thể, giáp xác là thức ăn của tôm, tôm có cơ chế tự ăn nhau nên lây từ con mắc bệnh sang tôm khỏe)…

Đối với bệnh hoại tử gan tụy (AHPNS), kết quả từ nhiều nghiên cứu cho thấy, vi khuẩn Vibrio, phổ biến là các loài V.Parahaemolyticus, V.Harveyi, V.Vulnificus, V.Ordallii là thủ phạm liên quan hội chứng tôm chết sớm. Để khống chế các loại vi khuẩn này, các trại sản xuất tôm đã dùng nhiều kháng sinh (Tetracyline, Oxytetraxyline, Rifamycine…); hóa chất (Iodin, KMnO4); các chế phẩm sinh học gồm 7 loại được dùng phổ biến như ET800, Men Doray, Men Biotec A, ZP-25… nhằm xử lý ao nuôi. Tỷ lệ các trại sản xuất giống tôm ở miền Trung sử dụng kháng sinh và hóa chất hiện nay có nơi lên đến 90%. Tổng cục Thủy sản đã xác định được một số chất (như Chrorine, TCCA…) có tác dụng tiêu diệt rất tốt các vi khuẩn gây AHPNS.

 

Chủ động phòng chống

Năm 2014, đã 35 tỉnh, thành phố xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch phòng chống dịch bệnh. Trong đó, 26/35 tỉnh, thành được bố trí tổng kinh phí trên 25,2 tỷ đồng. Còn lại 9 tỉnh, thành có kế hoạch nhưng không bố trí kinh phí thực hiện. So với năm 2013, kinh phí dành cho phòng chống dịch bệnh tôm tăng 2,5 lần.

Cục Thú y đã lập 29 đoàn kiểm tra tại 23 tỉnh, thành phố. Các cơ quan thú y vùng cũng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc phòng chống dịch tại các tỉnh trọng điểm. Đã phát hiện nhiều tồn tại, bất cập trong phòng chống dịch bệnh thủy sản, như: thống kê diện tích nuôi, diện tích bệnh, báo cáo, khai báo, lấy mẫu, xét nghiệm, chẩn đoán bệnh, quản lý kiểm dịch thủy sản giống, thuốc thú y.

 

Thực hiện đồng bộ

Bộ NN&PTNT đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học về phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ, đặc biệt là thành lập Ban chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh trên tôm nước lợ; thực hiện các nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi phạm vi cả nước. Ban chỉ đạo là đầu mối phối hợp các đơn vị liên quan thuộc Bộ NN&PTNT, các địa phương, các nhà khoa học trong và ngoài nước liên quan hoạt động phòng chống dịch bệnh trên tôm, kỹ thuật nuôi tôm. Đồng thời, điều phối thống nhất các nhiệm vụ liên quan nghiên cứu về phòng, trị bệnh, giám sát dịch bệnh; quan trắc cảnh báo môi trường…

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Phạm Anh Tuấn cho biết, nhiều phác đồ, quy trình nuôi được các viện nghiên cứu đưa ra, nhưng khi triển khai chưa thấy lặp lại mức độ thành công. Nghĩa là cùng một quy trình nuôi nhưng vụ trước thành công, vụ sau có thể thất bại. Bệnh đốm trắng do vi rút WSSV gây nên, người nuôi tôm thường được khuyến cáo dùng Chlorine xử lý nước. Nhưng thực tế sử dụng hóa chất này hiệu quả chưa cao, cần tìm chất khác. Mặt khác, thị trường có nhiều chất cải tạo môi trường không đạt chất lượng. Giải pháp dùng kháng sinh và hóa chất để phòng chống dịch hiện nay không khả thi, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho ngành nuôi tôm. Bởi vậy, cần thay thế kháng sinh bằng chế phẩm sinh học.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nhận định, cần nâng cao ý thức của người nuôi bằng cách tập huấn, truyền thông các mô hình nuôi tôm hiệu quả, những quy định về an toàn sinh học và cách thiết kế ao đầm khoa học. Nên xây dựng và áp dụng kết hợp cả 2 mô hình giám sát bệnh thụ động và chủ động, nhằm đưa ra được bản đồ dịch tễ về bệnh và những cảnh báo sớm về tình hình dịch. Các viện cần nghiên cứu mô hình nuôi bền vững, có thể theo hướng nuôi kết hợp tôm với cá, nghiên cứu các dòng vi khuẩn có tính kháng khuẩn đối với vi khuẩn gây bệnh, nghiên cứu các chất hỗ trợ nâng cao sức đề kháng của tôm. Ngành thú y phải quản lý tốt các loại thuốc dùng trong nuôi trồng thủy sản…

>> Cục Thú y đã đề nghị xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh thủy sản năm 2015. Đến nay đã có 10 tỉnh ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản năm 2015, nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong phòng chống dịch bệnh thủy sản nói chung, tôm nói riêng.

Nguyên Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!