T2, 06/07/2020 01:10

Giá tôm đảo chiều tăng nhẹ

Chưa có đánh giá về bài viết

Giá tôm sẽ tăng trở lại là điều có thể dự đoán được, nhưng nếu không nhận diện đúng nguyên nhân và có giải pháp ứng phó hiệu quả để giữ vững giá tôm sẽ ảnh hưởng lớn mục tiêu của toàn ngành trong năm 2018 và xa hơn là mục tiêu phát triển bền vững của ngành tôm; đây là nhận định của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường tại Hội nghị “Các giải pháp trọng tâm phát triển ngành tôm bền vững” ngày 6/6, tại tỉnh Bạc Liêu.


Giá tôm đã tăng trở lại, nhiều hộ bán tôm với giá cao hơn vài nghìn đồng mỗi kg Ảnh: XT

Giá giảm do cung vượt cầu

Thông thường, từ tháng 1 – 5 nhu cầu thị trường còn ở mức thấp nên các nhà nhập khẩu chờ giá giảm sâu mới bắt đầu mua vào. Trong khi, một số nước như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia năm nay vào vụ thu hoạch sớm, sản lượng dồi dào nên họ buộc phải giảm giá để bán được hàng khiến giá tôm càng giảm sâu, tác động đến giá tôm trong nước. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, nếu đánh giá tổng thể, tác động vừa qua đối với ngành tôm Việt Nam vẫn là thấp nhất so một số nước trong khu vực và thế giới vì vùng nuôi tôm trọng điểm ở ĐBSCL vẫn chưa vào giai đoạn chính vụ, còn nguồn tôm khu vực miền Trung và miền Bắc được tiêu thụ nội địa khá tốt.

Bổ sung thêm về nguyên nhân giá tôm giảm mạnh, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết, bên cạnh nguồn tồn kho cuối năm 2017 do các nước trúng mùa, việc Trung Quốc siết chặt nhập khẩu tiểu ngạch và thời tiết khu vực Bắc Mỹ những tháng đầu năm lạnh hơn cũng khiến việc tiêu thụ tôm giảm đẩy lượng tồn kho tăng cao khiến giá tôm thế giới đồng loạt giảm, nhất là trong tháng 4 và tháng 5. Mặt khác, khi giá tôm giảm mạnh, người nuôi tôm hoảng loạn tập trung thu hoạch tôm cỡ nhỏ nhiều các nhà máy không đủ công nhân chế biến nên hạn chế mua vào.

Doanh nghiệp đã có hợp đồng lớn

Với những diễn biến thị trường gần đây, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, tới đây nguồn cung sẽ không còn dồi dào như vừa qua, trong khi các doanh nghiệp bắt đầu vào vụ thu mua chuẩn bị nguồn hàng cho các hợp đồng cuối năm, nên giá tôm sẽ tăng trở lại. Cùng nhận định với Bộ trưởng Cường, ông Quang thông tin thêm: “Từ đầu tháng 5 đến nay khi thấy các nước giảm thả nuôi các nhà nhập khẩu bắt đầu mua vào mạnh trở lại, nên chỉ trong vòng 1 tháng, Minh Phú ký được hợp đồng lên đến 10.179 tấn tôm, giá trị khoảng 110 triệu USD. Đây là mức hợp đồng kỷ lục mà Minh Phú thực hiện được từ trước đến nay với thời gian chỉ trong 1 tháng”.

Nhu cầu tiêu thụ và giá tôm sẽ tăng trong thời gian tới là điều chắc chắn, nhưng vấn đề là nhu cầu tăng bao nhiêu và giá tôm sẽ được cải thiện đến đâu mới chính là điều cả doanh nghiệp và người nuôi tôm cần biết. Về vấn đề này, ông Quang nhận định hết sức lạc quan: “Theo dự báo của Minh Phú, nhu cầu sẽ tăng khoảng 20% ngay trong tháng 6 này. Vì vậy, ngay từ đầu tháng 6, Minh Phú đã tăng giá thu mua tôm nguyên liệu trên 10% và dự kiến đến tháng 8 sẽ tăng khoảng 30% so mức giá vào lúc thấp điểm nhất của những tháng đầu năm, tức giá tôm cỡ 100 con/kg sẽ vào khoảng 95.000 đồng/kg”.

Giá tăng nhưng không đột biến

Đồng tình với nhận định giá tôm sẽ tăng trong thời gian tới, nhưng ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta dự báo giá tôm sẽ không tăng mạnh so hiện tại do sản lượng tôm thế giới nhiều khả năng vẫn sẽ tăng so dự báo lúc đầu năm. Ông Lực cho rằng, các nước nuôi tôm trong khu vực chưa phải đã vào cuối vụ. Trong đó, Indonesia và Ecuador do nằm phía Nam bán cầu nên họ có điều kiện vào vụ sớm và kết thúc vụ cũng sớm.

Đối với nước nuôi tôm lớn là Ấn Độ, theo ông Lực, họ có rất nhiều vùng nuôi khác nhau, nên có thể nói mùa vụ nuôi tôm năm 2018 của họ vẫn chưa kết thúc. Còn 3 nước nuôi tôm lớn khác là: Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc có mùa vụ khá tương đồng và hiện vẫn chưa vào chính vụ. Ông Lực kết luận: “Sản lượng tôm toàn cầu nhiều khả năng vẫn sẽ tăng như dự báo, nên giá tôm dù có phục hồi nhưng cũng rất khó đạt ở mức cao như năm 2017.

Mai Trường

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!