Gia Viễn (Ninh Bình): Nuôi cá trên ao nổi cho hiệu quả kinh tế cao

Chưa có đánh giá về bài viết

Mô hình nuôi cá trên ao nổi mới chỉ xuất hiện ở huyện Gia Viễn (Ninh Bình) một hai năm trở lại đây nhưng bước đầu đã khẳng định được nhiều ưu thế nổi trội như không phá vỡ hiện trạng đồng ruộng, đồng thời giảm chi phí nuôi, hạn chế dịch hại và cho năng suất cao.

Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi cá của gia đình anh Hoàng Thanh Liêm ở xã Gia Phương và không khỏi ngạc nhiên trước hệ thống ao nuôi ở đây. Hoàn toàn độc đáo bởi các ao được bố trí nổi lưng chừng mặt ruộng với đầy đủ hệ thống ao lắng, ao ương, ao nuôi, cống cấp thoát nước rồi quạt ôxy, rất quy củ và hiện đại không khác gì hệ thống ao nuôi tôm nước lợ.

Được biết, sau khi tốt nghiệp Đại học Tài chính, trải qua nhiều công việc khác nhau nhưng không ưng ý, năm 2015 anh Liêm trở về quê hương mạnh dạn đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng đấu thầu và mua lại 3 ha đất của một số hộ nông dân trong xã để xây dựng khu nuôi cá trên ao nổi.

Theo anh Liêm, sở dĩ anh lựa chọn công nghệ nuôi cá trên ao nổi vì ao nổi có khá nhiều lợi thế so với ao chìm. Ao chìm thường phải đào rất sâu còn ao nổi chỉ cần đào sâu từ 30 – 50 cm rồi chủ yếu lấy lớp đất mầu đắp thành bờ cao từ 1,5 – 2 m.

Do vậy, nếu một sào ruộng đào ao chìm phải mất 30 – 35 triệu tiền công thì ao nổi chỉ mất 10 triệu đồng. Vì nó “nổi” nên không bị cây cối, công trình xây dựng che khuất bóng, đón được nhiều ánh sáng, nhiều gió, hạn chế dịch bệnh gây hại, kích thích các sinh vật có lợi phát triển, bởi thế mật độ nuôi cá trong ao nổi cao hơn, tốc độ cá lớn nhanh hơn ao chìm…

Đặc biệt, thao tác khi thu hoạch cá chỉ cần tháo cống, không cần phải sử dụng máy bơm và nạo vét nhanh hơn so với kiểu ao truyền thống. Tuy mới bắt đầu tiến hành nuôi cá được 1 năm nhưng hiệu quả bước đầu khá khả quan, trong 5 ao của gia đình, đã có 2 ao đầu tiên cho thu hoạch với sản lượng hơn 10 tấn, trừ chi phí thu lãi gần 100 triệu đồng.

Chúng tôi tiếp tục về xã Gia Tân, phong trào nuôi trồng thủy sản ở đây đã phát triển từ khá lâu. Hơn chục năm về trước đã có những hộ nuôi cá với quy mô lớn với các giống cá có giá trị kinh tế cao như trắm đen, chép, doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Ông Nguyễn Văn Dụng, thôn Đông Thượng là một hộ nông dân như vậy. Ông Dụng cho biết: Gia đình tôi nuôi cá 11 năm nay, ban đầu chỉ nuôi hơn 1 mẫu ao nhưng sau dồn điền, đổi thửa tôi đấu thầu mở rộng lên 2,5 ha.

Đặc biệt bên cạnh hệ thống ao cũ, tôi đầu tư xây dựng thêm một số ao mới theo công nghệ làm ao nổi. Tiện ích của ao nổi là sóng nhiều, thoát khí tốt nên lượng mùn bã phân hủy nhanh, lượng lắng đáy rất ít. Nhờ hệ thống ao nổi năm ngoái ông Dụng thu hoạch 20 tấn cá, thực lãi gần 1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ao nổi cũng có một số nhược điểm cần lưu ý đó là khó thiết kế, phải làm đồng bộ, chi phí gia cố bờ ao lớn; đặc biệt là khi làm ao nổi thì phải làm trên khu đất mới, có độ phẳng cao.

Ông Đặng Đức Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Tân cho biết: Cuối năm 2014, xã đã hoàn tất việc dồn điền, đổi thửa, đồng thời tiến hành quy hoạch lại các vùng sản xuất; trong đó chuyển đổi hơn 30 ha ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Toàn xã hiện có trên 50 hộ nuôi thủy sản với hình thức thâm canh, bán công nghiệp đem lại nguồn thu nhập cao, trung bình từ 100 – 600 triệu đồng/ha.

Mô hình nuôi cá trên ao nổi tại xã Gia Phương (Gia Viễn) – Ảnh: Trường Giang

Huyện Gia Viễn có hơn 1 nghìn ha đất lúa thuộc vùng trũng, thường xuyên bị úng ngập, cấy lúa bấp bênh. Do đất trũng sâu nên canh tác khó khăn, sâu bệnh nhiều, giá trị hạt thóc không cao. Trước tình hình trên, huyện đã quy hoạch, chuyển đổi một phần diện tích này sang nuôi trồng thuỷ sản. Nhiều nông dân đã mạnh dạn đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào nuôi trồng, đặc biệt mô hình nuôi cá bằng ao nổi xuất hiện 2 – 3 năm trở lại đây đã và đang khẳng định hiệu quả.

Hiện nay, huyện có trên 1.400 ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản. Trong đó, diện tích chuyên nuôi trồng thủy sản là 535 ha, diện tích nuôi ruộng trũng thời vụ (lúa – cá) là 900 ha. Toàn huyện có 50 trang trại theo Thông tư 27/2011/BNN&PTNT, trong đó có 20 trang trại chuyên nuôi trồng thủy sản, giá trị đạt trên 350 – 600 triệu đồng/ha/năm.

Ông Đinh Anh Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Gia Viễn cho rằng: Để nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh tế của hoạt động nuôi trồng thuỷ sản trong huyện, khẳng định và phát huy hiệu quả của mô hình nuôi cá trong ao nổi, thời gian tới Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện sẽ phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức các cuộc tham quan, hội thảo, tổng kết đánh giá những mô hình nuôi cá trên của người dân để qua đó phát triển mô hình này theo hướng hợp lý.

Đồng thời tiếp tục mở rộng quy mô nuôi trồng thủy sản, kết nối giữa các hộ nuôi trồng thủy sản hình thành các tổ hợp tác nuôi trồng thuỷ sản quy mô lớn để tạo vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thủy sản hình thành sau này, ổn định đầu ra cho sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Hương Giang

Báo Ninh Bình

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!