Giải pháp cho công tác quản lý an toàn thực phẩm (Phần III)

Chưa có đánh giá về bài viết

Tổ chức soát xét đồng bộ từ Luật An toàn thực phẩm đến Nghị định, Thông tư liên tịch, Thông tư, Quyết định, Quy chuẩn kỹ thuật của Chính phủ, Bộ và tỉnh, theo hướng loại bỏ những nội dung không nhằm đạt mục tiêu: Thực phẩm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.


>> Giải pháp cho công tác quản lý an toàn thực phẩm (Phần I)

>> Giải pháp cho công tác quản lý an toàn thực phẩm (Phần II)

MỘT SỐ THÁCH THỨC ĐỐI VỚI CÔNG TÁC QUẢN LÝ AN TOÀN THỰC PHẨM Ở VIỆT NAM HIỆN NAY VÀ ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP

Nhằm đảm bảo thực phẩm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng Việt Nam, đồng thời tận dụng các lợi thế do các hiệp định thương mại hội nhập sâu kinh tế Việt Nam với thế giới, cần nhận rõ các thách thức và đề ra giải pháp khắc phục. Dưới đây là những thách thức chủ quan, và là nguyên nhân căn bản dẫn tới nhiều người nhận định là an toàn thực phẩm của Việt Nam đã ”chạm mức giới hạn đỏ” và đề xuất giải pháp khắc phục.

3.1. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ATTP của Việt Nam chồng chéo, mâu thuẫn và cần được soát xét gấp

a. Hiện trạng và hệ lụy của văn bản QPPL về ATTP ở Việt Nam hiện nay, được trình bày ở bảng 5

b. Diễn giải:

i) Báo cáo của các Bộ (Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về công tác quản lý an toàn thực phẩm với Quốc hội (ngày 15/2/2017) cho thấy số lượng Thông tư liên tịch; Thông tư, Quyết định; Quy chuẩn của mỗi Bộ đều rất lớn, có Bộ lên đến hàng trăm. Có ý kiến cho rằng đây là thành tích vì số lượng văn bản QPPL nhiều. Nhưng đa số người (bao gồm người viết báo cáo này) cho rằng đây là một tồn tại rất lớn, vì nội dung những văn bản này có sự mâu thuẫn, chồng chéo, tạo ra giấy phép con/cháu và lợi ích nhóm. Tại hội nghị, có đại biểu phát biểu rằng: Ngay cả cán bộ đi kiểm tra cũng không thể nhớ hết nội dung của văn bản và đương nhiên sẽ là một khó khăn rất lớn, tốn kém công của cho cơ sở sản xuất trong quá trình chấp hành.  

ii) Điều 62, 63 và 64 Luật An toàn thực phẩm quy định rất cụ thể những sản phẩm thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của từng Bộ (từ chuẩn bị nguyên liệu, quá trình sản xuất đến bảo quản, lưu thông và tiêu thụ). Nhưng trong thực hiện các bộ, tỉnh đã không làm đúng Luật An toàn thực phẩm (Bộ Y tế kiểm soát ATTP nước mắm; Kiểm soát ATTP trong cá biển có sự cố môi trường 4 tỉnh miền Trung; Quá trình sản xuất sản phẩm tôm do ba Bộ: Y tế, Công thương và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng quản lý, cùng là sản phẩm thủy sản, nhưng khi xuất khẩu do một cơ quan kiểm tra cấp giấy, khi nhập khẩu lại do cơ quan khác kiểm tra và cấp giấy…). Đây là minh chứng rõ nét nhất về sự chồng chéo và cắt khúc trong quản lý về an toàn thực phẩm và đương nhiên khả năng đảm bảo an toàn thực phẩm và việc kiểm soát theo chuỗi gặp rất nhiều khó khăn.

iii) Việc phân cấp quản lý cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong một Bộ không theo nguyên lý đánh giá nguy cơ cao hay thấp mà theo quy mô: Trung ương quản lý cơ sở xuất khẩu, quy mô lớn, phần còn lại giao cho tỉnh; cấp tỉnh cũng chọn những cơ sở lớn hơn để quản lý, cơ sở nhỏ và nhỏ li ti giao cho huyện và xã quản lý, cho dù là cơ sở này kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao (thực phẩm ăn liền). Trong thông tư của Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quy định: Những cơ sở sản xuất quy mô nhỏ “Làm cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm” và coi đây là một bằng chứng về việc cơ sở thực hiện chương trình nhận diện mối nguy gây mất an toàn thực phẩm và kiểm soát mối nguy. Đây là cách làm chỉ ở Việt Nam mới có.

c. Giải pháp khắc phục:

i) Tổ chức soát xét đồng bộ từ Luật An toàn thực phẩm đến Nghị định, Thông tư liên tịch, Thông tư, Quyết định, Quy chuẩn kỹ thuật của Chính phủ, Bộ và tỉnh, theo hướng loại bỏ những nội dung không nhằm đạt mục tiêu: Thực phẩm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

ii) Xây dựng Luật An toàn thực phẩm (mới) theo hướng:

Luật ATTP chi tiết (không cần hoặc chỉ rất ít vấn đề được hướng dẫn bằng Nghị định và Thông tư), nội dung của Luật nhắm tới mục tiêu duy nhất là đảm bảo thực phẩm an toàn cho người sử dụng, bao gồm việc cập nhật kiến thức của thế giới (WTO và các hiệp định quốc tế khác mà Việt Nam là thành viên).

iii) Thành lập tổ công tác xây dựng Luật An toàn thực phẩm, các chuyên gia của Quốc hội, chuyên gia biệt phái từ các Bộ và chuyên gia độc lập, Quốc hội trực tiếp chỉ đạo Tổ công tác này.

3.2. Xây dựng và ban hành Bài giảng / Tài liệu về an toàn thực phẩm để sử dụng thống nhất trên phạm vi cả nước

a. Hiện trạng và hệ lụy, của kiến thức về an toàn thực phẩm chưa chính xác và không thống nhất, được trình bày tại bảng 6

b. Diễn giải:

i) Kết quả của đoàn giám sát an toàn thực phẩm của Quốc hội tại 13 tỉnh, thành phố, cho thấy: Hầu hết cán bộ làm nhiệm vụ ATTP cấp xã, phường không được đào tạo kiến thức an toàn thực phẩm. Một Cục trưởng đơn vị quản lý an toàn thực phẩm của Bộ, báo cáo trong hội thảo: Đ/C chưa được đào tạo về an toàn thực phẩm

ii)  VTV24, một số lãnh đạo và đa số người dân đang hiểu “thực phẩm bẩn” đồng nghĩa với “thực phẩm không an toàn”. Cách hiểu về “thực phẩm nguy cơ cao” giữa các Bộ không giống nhau

iii) Rất nhiều trường hợp đã được nêu trên VTV1: Cùng một sự việc về an toàn thực phẩm, nhưng những cơ quan chức năng của các Bộ không có kết luận giống nhau về sự vi phạm (VD: Nguyên nhân tiêu chảy do Vibrio cholerae; Mức vi phạm phụ gia trong xúc xích của Công ty VietFood, Hà Nội…) 

iii) Một số người có quan điểm rằng: Quản lý nhà nước (bao gồm thanh, kiểm tra và xử phạt) ai cũng có thể làm, không cần học kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về an toàn thực phẩm cũng có thể làm. Nhiều người (trong đó có người viết bài này) cho rằng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm là lĩnh vực đòi hỏi tính chuyên ngành và chuyên môn rất cao (giống ngành Công an, Ngân hàng, Hải quan, Tòa án) họ phải được đào tạo theo chương trình, với thời lượng xác định và phải thi đỗ, thì mới được tiếp nhận vào làm việc. Theo đó thì Chủ tịch UBND xã sẽ là người chịu trách nhiệm yêu cầu tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh, và mọi nguồn lực xã hội để sản phẩm sản xuất hoặc tiêu thụ tại xã phải đảm bảo an toàn thực phẩm, lực lượng chuyên môn về an toàn thực phẩm (nên là hệ thống ngành dọc, độc lập với xã) mới là người kiểm tra nhà nước, xử phạt và thông báo kết quả cho Chủ tịch UBND xã biết. Căn cứ vào đó, Chủ tịch UBND xã huy động mọi nguồn lực trong xã, phấn dấu sản xuất và tiêu thụ thực phẩm có mức an toàn thực phẩm ngày càng cao hơn. Tất cả các quốc gia ở châu Âu (EU) khi tuyển cán bộ làm thanh tra an toàn thực phẩm họ yêu cầu trình độ đầu vào là tốt nghiệp phổ thông, những người này phải học về an toàn thực phẩm và quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong 6 tháng và chỉ những người thi đỗ mới được tiếp nhận vào làm việc. Hàng năm họ được đào tạo nâng cao và thi, những người đạt kết quả sẽ được bổ nhiệm vào ngạch cao hơn. Thiết nghĩ, Việt Nam nên tham khảo cách làm này và nên bỏ quan niệm người có học vị cao (cho dù không đúng chuyên ngành) mới làm được an toàn thực phẩm. 

c. Để khắc phục tình trạng trên cần triển khai các giải pháp, được trình bày tại bảng 7

3.3. Sắp xếp lại hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và hệ thống quản lý an toàn bệnh, dịch động, thực vật

a. Hiện trạng và hệ lụy của hệ thống quản lý nhà nước về ATTP, ATBD động, thực vật ở Việt Nam, được trình bày tại bảng 8

b. Diễn giải

i) Mỗi Bộ có từ 2 đến 3 cơ quan có chức năng kiểm soát an toàn thực phẩm, riêng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có tới 7 cơ quan (nêu trong báo cáo của Bộ gửi Quốc hội), có trường hợp cơ quan không có chức năng như Cảnh sát Môi trường, Lực lượng chống buôn lậu, hàng giả cũng thực hiện nhiệm vụ an toàn thực phẩm. Do có nhiều đầu mối như trên, lại không có kiến thức thống nhất và đúng đắn nên tình trạng trùng lặp, chồng chéo trong kiểm tra đối với cơ sở sản xuất,  và mâu thuẫn trong biện pháp xử lý là không tránh khỏi. Hậu quả là doanh nghiệp tốn thời gian, kinh phí đón tiếp nhưng mức độ đảm bảo an toàn thực phẩm đối với doanh nghiệp nâng cao không đáng kể. 

ii) Đảng, Chính phủ, Quốc hội và hầu hết người dân Việt Nam đều thấy là: Bộ máy hành chính (bao gồm lực lượng quản lý an toàn thực phẩm) của Việt Nam rất cồng kềnh và không hiệu quả. Nhưng tất cả 13 tỉnh và hầu hết các Bộ, đều báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội là: Lực lượng quản lý an toàn thực phẩm của Bộ và địa phương mình còn mỏng, dẫn tới chưa đạt kết quả kiểm soát cao?! Quan điểm của người viết báo cáo này: Nếu tập hợp tất cả người và thiết bị kiểm nghiệm làm nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm của các Bộ, các tỉnh, huyện, xã về một cơ quan, thì Việt Nam sẽ có số người và thiết bị làm quản lý an toàn thực phẩm (tính trên đầu người dân hoặc tổng sản phẩm thực phẩm) lớn nhất thế giới và ở mức cao bất thường.

iii) Kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới:

Liên minh châu Âu: Lấy việc đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng làm mục tiêu, do vậy cơ quan kiểm soát an toàn thực phẩm có tên gọi là: Tổng vụ bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng (DG Sanco – EU), cơ quan này đảm nhận tất cả các nội dung về an toàn thực phẩm của 28 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu  và kết quả thì như chúng ta đã biết thông qua việc xuất khẩu nông sản, thủy sản  của Việt Nam vào thị trường này.

Cộng hòa Pháp: Xác định nhiệm vụ kiểm soát bệnh, dịch động, thực vật trên cạn và thủy sản, Kiểm soát an toàn thực phẩm phải theo chuỗi, nên đã thành lập cơ quan: Tổng cục An toàn thực phẩm, Thú y và Bảo vệ thực vật, Cơ quan này tổ chức hoạt động kiểm soát theo 3 chuỗi: Bệnh động vật trên cạn và an toàn thực phẩm sản phẩm động vật trên cạn: Bệnh thực vật trên cạn và an toàn thực phẩm sản phẩm thực vật trên cạn: Bệnh thủy sản và an toàn thực phẩm sản phẩm thủy sản.

c. Đề xuất giải pháp về hệ thống tổ chức kiểm soát an toàn thực phẩm và an toàn bệnh dịch động, thực vật tại Việt Nam

Phương án 1:

i) Thành lập cơ quan ngang Bộ, trực thuộc Chính phủ, có hệ thống chân rết đến tỉnh, huyện, xã.

i) Về cán bộ: Được hợp nhất các lực lượng có chức năng quản lý nhà nước về ATTP. Nòng cốt là: Hệ thống dọc của Cục Quản lý Chất lượng nông, lâm sản và thủy sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Hệ thống dọc của Cục Vệ sinh, An toàn thực phẩm – Bộ Y tế.

Những cán bộ làm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm: thuộc: Vụ Khoa học Công nghệ, Cục Quản lý thị trường – Bộ Công thương; Thanh tra – Bộ Y tế; Cục Bảo vệ thực vật, Cục Thú y, Cục Trồng trọt, Cục Chăn nuôi, Tổng cục Thủy sản, Cục Chế biến, Thanh tra chuyên ngành – thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT.

iii) Các đơn vị có chức năng quản lý và chỉ đạo sản xuất thuộc Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công thương thực hiện tổ chức sản xuất ra sản phẩm sản lượng nhiều nhưng đồng thời đáp ứng các chỉ tiêu an toàn thực phẩm. Các đơn vị này không làm nhiệm vụ kiểm tra và chứng nhận nhà nước về ATTP. Nếu thực phẩm không an toàn thì những đơn vị này sẽ có một phần trách nhiệm.

Phương án 2: Được trình bày tại bảng 9

Việc phân công như trên sẽ tránh được chồng chéo, đảm bảo kiểm soát theo chuỗi tương đương với các tổ chức trên thế giới.

3.4. Xã hội hóa hoạt động phục vụ quản lý nhà nước về bệnh, dịch động, thực vật và an toàn thực phẩm

a. Hiện trạng và hệ lụy của công tác xã hội hóa về kiểm soát ATTP và bệnh, dịch động, thực vật chưa đảm bảo tính chính xác và khách quan, được trình bày tại bảng 10

b. Đề xuất giải pháp khắc phục

Chỉ nên giữ 1 – 2 Trung tâm kiểm nghiệm, xét nghiệm của nhà nước để làm nhiệm vụ kiểm mẫu liên phòng và làm trọng tài khi có sự tranh chấp về kết quả kiểm nghiệm, xét nghiệm.

Tất cả hoạt động đánh giá, chứng nhận/kiểm nghiệm và xét nghiệm phục vụ quản lý nhà nước và yêu cầu của doanh nghiệp nên xã hội hóa (giao cho những cơ sở đáp ứng đủ điều kiện đã được quy định, nhà nước kiểm soát hoạt động của những đơn vị này).

Nếu làm được như trên sẽ giảm được lượng kinh phí rất lớn trong việc duy trì phòng kiểm nghiệm và tiền lương cho cán bộ làm dịch vụ công trong phân tích kiểm nghiệm.

3.5. Tăng cường vai trò của điểm “Hỏi đáp TBT” và điểm “Hỏi đáp SPS”

a. Hiện trạng và hệ lụy hoạt động của điểm hỏi đáp TBT, SPS hiện nay, được trình bày tại bảng 11

b. Đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của điểm hỏi đáp TBT và SPS

i) Chuyển các tổ chức TBT, SPS về cơ quan quản lý nhà nước đang có chức năng thực hiện nghĩa vụ TBT và SPS (ví dụ cơ quan quản lý an toàn thực phẩm – phương án 1; hoặc Bộ Nông nghiệp và PTNT – Phương án 2)

ii) Tăng cường nguồn lực cho tổ chức TBT, SPS nhằm giúp các cơ quan này thực hiện tốt nhiệm vụ được giao

3.6. Tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp

– Xác định rõ chức năng nhiệm vụ trong Luật về Hội

– Trao nhiệm vụ dịch vụ công ích cho các Hội

– Quy định rõ quyền và nghĩa vụ của “Hội Bảo vệ người tiêu dùng” với người tiêu dùng

3.7. Tăng cường vai trò và tính thời sự của các cơ quan truyền thông về an toàn thực phẩm và an toàn bệnh, dịch động, thực vật

3.7.1. Vai trò và tầm quan trọng của cơ quan truyền thông

– Là cầu nối giữa cơ quan đánh giá nguy cơ và cơ quan quản lý về nguy cơ

– Thông tin đầy đủ, chính xác về mối nguy an toàn thực phẩm và mối nguy bệnh, dịch động, thực vật tới người dân

3.7.2. Giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động của cơ quan truyền thông

– Cần có lực lượng phóng viên chuyên trách về an toàn thực phẩm, an toàn bệnh, dịch động, thực vật và đào tạo kiến thức ATTP và ATBD động, thực vật cho lực lượng này.

– Các cơ quan nghiên cứu về nguy cơ, các cơ quan quản lý về nguy cơ và người tiêu dùng cần cung cấp thông tin kịp thời, chính xác và đầy đủ cho các lực lượng thông tin, truyền thông.

Ông Nguyễn Tử Cương - Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng nông, lâm sản và thủy sản

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!