T2, 06/07/2020 12:29

Giải pháp cho thức ăn thủy sản từ ruồi lính đen

Chưa có đánh giá về bài viết

Cuộc đua trong việc tìm kiếm các giải pháp hữu hiệu nhằm thay thế bột cá và dầu cá trong thức ăn thủy sản vẫn đang diễn ra. Và ruồi lính đen là nguồn thức ăn thay thế đang được nhiều nhà quản lý và sản xuất quan tâm, đặt hy vọng lớn nhất hiện nay.

Lợi ích

Rất nhiều nguồn thức ăn được đưa ra nhằm lựa chọn cho giải pháp thay thế nguồn protein trong thức ăn. Trong đó, đậu nành đang được các nhà sản xuất quan tâm, tiếp đến là vi tảo, rong biển, vi trùng hoặc một số sự kết khác cũng được cho là giải pháp thay thế đầy hứa hẹn. Nhưng, côn trùng đang là giải pháp được rất nhiều người trong ngành thủy sản đặt hy vọng.

Amy Novogratz, đối tác quản lý của AquaSpark, một quỹ đầu tư của Hà Lan vào các doanh nghiệp dựa trên có lợi ích kinh tế, môi trường và xã hội cho biết: “Chúng tôi đang theo dõi các công ty sử dụng nguồn côn trùng trên toàn thế giới và thực sự rất vui mừng và kỳ vọng khi đây được coi là một giải pháp hữu hiệu”. Các công ty như Enterra, Entofood, AgriProtein, Ynsect và EnviroFlight đang xem xét một số côn trùng như dế, mọt, ấu trùng, sâu bột nhưng họ lại dành sự quan tâm đặc biệt tới ruồi lính đen. “Ruồi lính đen chính là câu trả lời. Chúng phát triển nhanh chóng trong chu kỳ chỉ khoảng 10 – 12 ngày”, Giám đốc điều hành Entofood Franck Ducharne nói.

Ruồi lính đen

Ruồi lính đen

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, ruồi lính đen là loại côn trùng an toàn, chúng không cắn, chích hay truyền bệnh và có hàm lượng protein cao, một lượng lớn các axit amin dễ tiêu hóa. Rick Barrows, một chuyên gia dinh dưỡng của Mỹ đã thử nghiệm bữa ăn ruồi lính đen trong khẩu phần ăn cá hồi vân; kết quả cho thấy, cá hồi vân có tốc độ tăng trưởng tương tự như nhóm sử dụng bột cá.

Tuy đậu nành là giải pháp giúp giảm áp lực cho việc thay thế nguồn bột cá, nhưng sản xuất đậu nành lại cần một lượng đất đai. Hầu hết, đậu nành được trồng ở Mỹ, Brazil, Argentina, Trung Quốc và Ấn Độ; nhưng ở các nước có ngành thủy sản phát triển mạnh như Việt Nam, Bangladesh, Indonesia và Na Uy đang phải nhập khẩu hoàn toàn đậu nành. Do đó, những nước này cần tìm kiếm một giải pháp tiết kiệm chi phí hơn và mang lại hiệu quả. Và ruồi lính đen là đối tượng thực hiện được điều này khi chúng vừa có hàm lượng dinh dưỡng cao và lượng chất thải của chúng lại có khả năng phân hủy tốt và thành chất dinh dưỡng cho đất mà không ảnh hưởng đến môi trường. Đây là những điều kiện thuận lợi cho việc phát triển một ngành thủy sản bền vững và an toàn.

Trở ngại

Một trong những trở ngại cho việc mở rộng quy mô sản xuất ruồi lính đen hiện này chính là việc sử dụng bột côn trùng trong nông nghiệp và thức ăn thủy sản vẫn bị cấm ở Mỹ và châu Âu (tháng 10/2015, Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu đã công bố đánh giá đầu tiên về rủi ro của côn trùng trong thực phẩm và thức ăn chăn nuôi). Tại Mỹ, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) sẽ không chấp nhận việc sử dụng côn trùng trong thời gian ngắn mà họ cần một quá trình theo dõi lâu dài và quá trình đánh giá thường rất phức tạp. Hơn nữa, việc thu hoạch ruồi lính đen trưởng thành khá muộn và chất chitin được tìm thấy ở xương ngoài của chúng có thể chứa nitơ là chất khó tiêu hóa đối với vật nuôi. Đồng thời, trong ruồi lính đen không có chứa axit béo omega-3 (chất được tìm thấy trong bột cá và dầu cá). Một vấn đề nữa là việc chủ động được công nghệ sản xuất ruồi lính đen với số lượng lớn ở các trang trại giống. Có như vậy, việc sản xuất thức ăn thủy sản từ bột ruồi lính đen mới không bị gián đoạn.

Tuy nhiên, các nhà khoa học và các công ty vẫn cho rằng ruồi lính đen mặc dù có nguồn dinh dưỡng không phong phú bằng đậu nành, nhưng chúng sẽ cung cấp protein và lipid thay thế ở tại các địa phương không sản xuất được đậu nành. 

Lê Cung (Tổng hợp)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!