Giải pháp giảm chi phí nuôi tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

Theo đó, 3 nhóm giải pháp chính là tổ chức sản xuất, kỹ thuật và kỹ thuật tổng hợp đã được các đại biểu chỉ ra tại một diễn đàn khoa học mới đây. Những giải pháp này được đúc kết lại từ các mô hình nuôi tôm hiệu quả thời gian qua.


Ảnh minh họa

Sản xuất tốt

Về tổ chức sản xuất, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã chia sẻ mô hình phát triển bền vững cho nghề nuôi tôm trong hệ thống rừng ngập mặn các tỉnh ven biển đã được kiểm chứng qua thực tế, đó là tôm – rừng. Hiện, Minh Phú đang mở rộng mô hình tôm – rừng sang tỉnh Trà Vinh và Bến Tre và dự kiến đến năm 2020 sẽ hoàn thành vùng tôm sinh thái lên 10.000 ha đạt chứng nhận quốc tế.

Vừa qua thị trường tôm có nhiều biến động, giá tôm thường bấp bênh trong khi giá vật tư đầu vào phục vụ nghề nuôi không ngừng tăng lên, đặc biệt là trong 2 năm trở lại đây. Tuy nhiên, theo ông Mai Văn Đấu, Giám đốc HTX Thủy sản Toàn Thắng (Sóc Trăng), nếu người nuôi tham gia vào HTX và thực hành theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc nuôi đạt chứng nhận ASC vẫn bán được tôm với giá cao hơn so với mặt bằng chung của thị trường và nghề nuôi mang tính bền vững hơn. Cùng nhận xét như ông Đấu, anh Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc HTX Dịch vụ NTTS Cái Bát (Cà Mau) khẳng định: “Trong bối cảnh thị trường tôm nhiều biến động, các rào cản kỹ thuật ngày càng nhiều, nếu những hộ nuôi tôm nhỏ lẻ không liên kết lại theo mô hình HTX hay THT sẽ rất khó giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Cũng nhờ thực hiện tốt chuỗi liên kết và đa dạng hóa nên sản phẩm của HTX Cái Bát luôn được tiêu thụ tốt cả trong và ngoài nước”.

Hầu hết các ý kiến đều khẳng định, nếu tổ chức sản xuất tốt và nuôi tôm theo chuẩn quốc tế vẫn có thể giảm 10 – 20%, thậm chí là 30% chi phí sản xuất. Thực tế cho thấy, nếu các hộ nuôi tôm nhỏ lẻ liên kết lại thành HTX hay THT để hình thành vùng nuôi quy mô lớn mang tính hàng hóa cao sẽ thu hút được doanh nghiệp chế biến hỗ trợ kinh phí tư vấn, đánh giá thực hành nuôi tôm theo tiêu chuẩn ASC và thu tôm với giá cao hơn thị trường 2.000 – 3.000 đồng/kg.

Quan trọng kỹ thuật

Để tăng năng suất và tỷ lệ sống trong nuôi tôm, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam mang đến diễn đàn mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn với tên gọi: CPF- Combine Model. Đây là một sự nỗ lực đáng kể của Công ty, nhằm giúp hạn chế tối đa rủi ro, nâng cao năng suất và tỷ lệ sống của tôm nuôi. Tại Sóc Trăng, với mô hình này, vào trung tuần tháng 3, ông Trần Văn Bal ở huyện Trần Đề đã thu hoạch 3 ao (1.500 m2/ao) được trên 16 tấn, lợi nhuận gần 1,5 tỷ đồng. Cũng với việc ứng dụng công nghệ cao, Công ty Trúc Anh (Bạc Liêu) chia sẻ mô hình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh ít rủi ro và trách nhiệm với môi trường. Với quy trình này, người nuôi tôm sẽ giảm được chi phí 10 – 20%, còn giá bán cao hơn thị trường 5 – 10%, giảm được hiện tượng tôm chết sớm và tăng tỷ lệ sống cao. Theo hạch toán của Công ty Trúc Anh, tổng chi phí nuôi mỗi năm tuy có cao với khoảng 2 tỷ đồng, nhưng bù lại, lợi nhuận gần 1,7 tỷ đồng/ha/năm.

Tuy các mô hình của C.P. Việt Nam hay Trúc Anh là rất hiệu quả nhưng đều đòi hỏi chi phí đầu tư lớn và khả năng ứng dụng khoa học công nghệ cao nên chỉ phù hợp với các trang trại hay hộ nuôi lớn có đủ điều kiện. Trong khi, theo thống kê, phần lớn diện tích nuôi tôm ở ĐBSCL là những hộ nuôi nhỏ lẻ với hình thức nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến là chủ yếu. Vì vậy, TS Phan Thanh Lâm, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu NTTS II tập trung giới thiệu các giải pháp nâng cao tỷ lệ sống cho tôm sú nuôi quảng canh vùng bán đảo Cà Mau, với các biện pháp cải thiện chất lượng nước và tăng cường thức ăn tự nhiên và ương tôm trước khi thả ra ao. Giải pháp này đã được kiểm chứng tại huyện Thới Bình (Cà Mau) năm 2017 với năng suất đạt 425 kg/ha trong khi ao nuôi truyền thống chỉ đạt 147 kg/ha.

Ngoài ra, các doanh nghiệp, nhà khoa học còn giới thiệu một số giải pháp kỹ thuật tổng hợp giúp giảm chi phí vật tư đầu vào như: sử dụng hợp lý thức ăn và dinh dưỡng tăng cường sức khỏe tôm nuôi; phần mềm tiện ích kiểm soát ao nuôi; sử dụng hợp lý chế phẩm sinh học… Đặc biệt, tham luận của WWF tại Việt Nam về giải pháp giảm chi phí năng lượng trong nuôi tôm. Theo đó, nếu thay thế gối đỡ chữ U bằng con lăn cho giàn quạt tạo ôxy sẽ giúp tiết kiệm 17% điện năng và theo dõi ôxy hòa tan trong ao nuôi kết hợp vận hành hệ thống sục khí đáy ao sẽ giảm được 7,6% điện năng tiêu thụ.

>> Định hướng của ngành tôm là phát triển theo quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, hướng đến không sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh ở tất cả các phương thức nuôi và các khâu trong chuỗi sản xuất, lưu thông sản phẩm tôm. Đây là yêu cầu cấp bách cần sớm giải quyết để ngành tôm phát huy thế mạnh trên mọi phương diện.

Mai Trường

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!