Giải pháp khắc phục thủy sản chết hàng loạt

Chưa có đánh giá về bài viết

Đối với các vùng nuôi gần các nhà máy, khu công nghiệp, cần chú ý đến ô nhiễm do xả thải. Có thể thấy, công tác quản lý từ các nhà máy là hết sức quan trọng.

Cần có giải pháp lâu dài và bền vững cho môi trường nuôi trồng thủy sản Ảnh: Internet

Cần có giải pháp lâu dài và bền vững cho môi trường nuôi trồng thủy sản Ảnh: Internet

Khi phát hiện nguồn nước có dấu hiệu ô nhiễm thì cần phân tích kỹ để tìm nguyên nhân. Nếu nguyên nhân do thiên tai gây ra (như mưa, lũ lụt, bão gió…) thì khó can thiệp được. Tuy nhiên, nếu nguyên nhân do con người gây ra thì có thể tìm giải pháp hạn chế. Việt Nam đã có Luật Môi trường, các Nghị định của Chính phủ, các Thông tư hướng dẫn về môi trường, vì vậy, chấp hành nghiêm luật định môi trường là giải pháp lâu dài và bền vững cho môi trường nói chung và môi trường nuôi trồng thủy sản nói riêng. Cùng đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về môi trường trong toàn xã hội nhằm tạo sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường cho các chủ đầu tư và các chủ doanh nghiệp…

Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác gây ô nhiễm nguồn nước thủy sản là do hoạt động nuôi thâm canh với mức độ dày đặc gây ra. Việc tập trung nuôi với mật độ dày đặc và khó khăn trong cấp thoát nước đã làm ảnh hưởng phần nào đến chất lượng nước; từ đó, tạo điều kiện cho dịch bệnh bùng phát và lây lan. Bùn thải trong quá trình nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi thâm canh tôm và cá tra chứa phân, thức ăn dư thừa, cặn bã hữu cơ và cả dư lượng thuốc và hóa chất có thể gây nguy hại cho nguồn nước. Chính vì vậy, việc quy hoạch vùng nuôi hết sức quan trọng nhằm đảm bảo có đủ nguồn nước cấp và cống thoát nước, tránh hiện tượng ô nhiễm và lây lan nguồn ô nhiễm; cùng đó, cũng cần có nơi chứa chất thải trước khi xả ra ngoài. Tổ chức lại sản xuất bảo đảm phù hợp với mục tiêu, định hướng bảo vệ môi trường, không chồng lấn, xâm phạm hoặc gây tác động xấu đối với các vùng đất ngập nước, các khu bảo tồn tự nhiên có ý nghĩa về mặt sinh thái tại địa phương. Ngoài ra, khi môi trường ngày càng xấu đi, việc lựa chọn các mô hình nuôi an toàn sinh học luôn là giải pháp được đưa ra trước hết. Trong đó, nuôi trồng thủy sản theo mô hình VietGAP, Biofloc, nuôi an toàn sinh học không sử dụng hóa chất, kháng sinh là những mô hình tránh được những tác động do nguồn nước và mang lại hiệu quả. Bên cạnh vấn đề quy hoạch hợp lý, đảm bảo cần phải thường xuyên tập huấn hướng dẫn cho người nuôi về kỹ thuật cũng như nâng cao nhận thức của người nuôi.

Ngoài ra, trong quá trình nuôi, chủ động lắng nghe các cảnh báo về môi trường từ trung tâm quan trắc môi trường, các khuyến cáo của chính quyền địa phương. Định kỳ thu và phân tích mẫu môi trường để có thông tin tổng thể về tình hình chất lượng nước vùng nuôi.

TS Lê Hồng Phước - Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản Nam bộ - Viện Nghiên cứu NTTS II

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!