Giải pháp môi trường cho vùng nuôi tôm Sóc Trăng

Chưa có đánh giá về bài viết

Theo nhận định của các ngành chuyên môn thì nuôi thâm canh, bán thâm canh là yếu tố gây áp lực môi trường đối với một số vùng nuôi mà hệ thống thủy lợi chưa thông thoáng.

Có nhiều nguyên nhân làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình nuôi tôm của nông dân các địa phương trong tỉnh Sóc Trăng. Tuy nhiên yếu tố môi trường được ngành chuyên môn đánh giá là căn cơ nhất đối với vùng nuôi. Lãnh đạo Tỉnh đã quan tâm chỉ đạo ngành chuyên môn và các địa phương tập trung phát triển hạ tầng thủy lợi cho các vùng nuôi, đảm bảo thông thoáng, giúp cho vụ nuôi tôm đạt hiệu quả cao nhất.

Vụ nuôi năm nay diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng ở Sóc Trăng chiếm hơn 24.000 ha trên diện tích thả nuôi 39.367ha, tôm thẻ tăng gấp 2,7 lần so với vụ nuôi trước, tôm sú chỉ chiếm 15.300 ha. So sánh mức độ thiệt hại đến giữa tháng 7 vừa qua là 39% nên sản lượng tôm chỉ mới đạt trên 31.000 tấn, tương đương 21% kế hoạch năm.

Từ năm 2011, tình hình nuôi tôm gặp khó khăn, bà con chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng từ 5.600 ha lên hơn 24.000 ha trong năm nay. Giá tôm cao, người nuôi tôm thẻ chân trắng có khả năng thu hồi vốn cao hơn, dù tôm nuôi bị thiệt hại ở giai đoạn từ 1,5 tháng đến 2 tháng thả nuôi. Theo ngành chức năng thì khả năng có thể thu hoạch trên toàn tỉnh chỉ tương đương 30% diện tích, khoảng 12% diện tích thiệt hại có thu hoạch. Phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng trở nên ào ạt, ngoài những vùng có điều kiện về hạ tầng kỹ thuật thì các vùng nuôi chưa đảm bảo cũng phát triển mạnh.

Ths Đặng Hiền Đức, Chi Cục Thú Y Sóc Trăng cho biết: “Đối với tôm thẻ thì phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật cao, như điện, thủy lợi. Với những điều kiện đó thì những vùng chưa có điều kiện chuyển qua tôm thẻ thì chúng ta sẽ gặp khó trong việc quản lý dịch bệnh và khó để thành công.”

Ông Cao Anh Dũng – Nông dân ở xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng nói như sau: “Phong trào nuôi tôm thẻ phát triển quá nhanh, quá tự phát trong khi thủy lợi cấp thoát chưa đảm bảo. Những năm đầu còn nuôi được, hiện nay thì thành công không nhiều vì áp lực thức ăn, thuốc nuôi thâm canh quá mạnh nên làm sao môi trường chịu được.”

Nguyên nhân thì có nhiều nhưng yếu tố môi trường được ngành chuyên môn đánh giá là căn cơ nhất đối với vùng nuôi, chiếm gần 50% diện tích nuôi tôm nước lợ toàn tỉnh. Các xã Hòa Đông, Vĩnh Hiệp, phường Khánh Hòa, Vĩnh Phước là vùng nuôi thâm canh, bán thâm canh trọng điểm của thị xã nhưng mức độ thiệt hại từ 40% đến 70% theo từng thời điểm thả giống. Người dân thật sự khó khăn sau nhiều vụ thua lỗ liên tiếp. Hạ tầng thủy lợi không đảm bảo trước áp lực nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng mang tính bùng phát như những năm vừa qua, thì khả năng phục hồi vùng nuôi rất khó, trong khi các dự án xây dựng cấp thoát nước riêng biệt cho vùng nuôi trọng điểm chưa có điều kiện triển khai.

Ông Lê Thành Trí, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Tỉnh đã triển khai và đang xây dựng hệ thống cấp thoát nước đặc biệt cho con tôm. Bên cạnh đó, có các dự án chúng ta đang tập trung để hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng cho vùng nuôi của tỉnh”.

Theo nhận định của các ngành chuyên môn thì nuôi thâm canh, bán thâm canh là yếu tố gây áp lực môi trường đối với một số vùng nuôi mà hệ thống thủy lợi chưa thông thoáng. Người nuôi cần điều chỉnh mật độ, áp dụng các biện pháp cải tạo môi trường từ ao nuôi đến vùng nuôi, có như vậy thì khả năng phục hồi vùng nuôi mới khả thi.

Nguyễn Hòa

Đài PTTH Sóc Trăng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!