Giải pháp nâng cao năng suất tôm sú, tôm thẻ vùng ĐBSCL

Chưa có đánh giá về bài viết

Đó là chủ đề xuyên suốt của Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Sở NN&PTNT Bạc Liêu, Dự án SusV, WWF-Vietnam tổ chức trong 2 ngày 17 và 18/5/2018. Gần 500 đại biểu là nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân nuôi tôm các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL và các tỉnh Nam miền Trung cùng tham dự.

Ngành tôm cả nước nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng tuy dư địa phát triển còn rất lớn, nhưng cũng tồn tại không ít khó khăn thách thức về con giống, giá thành, cơ sở hạ tầng, thời tiết, môi trường… Vì vậy, để phát triển ngành tôm hiệu quả và bền vững mà trước mắt là hoàn thành kế hoạch sản lượng 720.000 tấn trong năm 2018, các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp và người nuôi tôm trong khu vực đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm, giải pháp, tiến bộ khoa học, công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả nuôi tôm, sú, tôm thẻ chân trắng ở các mô hình từ thấp đến cao.

ThS Nguyễn Công Thành, Giám đốc Trung tâm Tập huấn và Chuyển giao công nghệ nông nghiệp vùng ĐBSCL đã trình bày tham luận về một số kinh nghiệm trong việc chọn lựa, sử dụng chế phẩm sinh học hợp lý, hiệu quả cho từng công đoạn nuôi tôm nhằm quản tốt nguồn nước và chất thải ao tôm. Đại diện Công ty TNHH Long Mạnh giới thiệu về mô hình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh Biofloc tái sử dụng nước do Công ty đang triển khai có thể nuôi 3 – 4 vụ/năm, mật độ thả nuôi 300 – 500 con/m3 và năng suất bình quân khoảng 5 tấn/ao (500 m2)/vụ. Điểm nổi bật của mô hình không chỉ ở năng suất mà còn ở việc tái sử dụng nguồn nước và xử lý chất thải từ ao nuôi thành khí gas không gây ô nhiễm môi trường.

Tại Diễn đàn, nông dân với các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp đã trao đổi về các vấn đề như: bệnh tôm, môi trường, chế phẩm sinh học, cơ chế chính sách, kỹ thuật nuôi ao bạt, nuôi tôm – lúa… với mong muốn nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả tôm nuôi. Các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý trong Ban cố vấn đã nhiệt tình tư vấn, trả lời trực tiếp tất cả các vấn đề được người nuôi tôm đặt ra tại phiên thảo luận.

Đánh giá cao tinh thần học hỏi của nông dân và tinh thần trách nhiệm của Ban cố vấn diễn đàn, ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đúc kết, để nuôi tôm hiệu quả và bền vững, các vấn đề về kỹ thuật cần lưu ý, như: thiết kế ao nuôi đồng bộ, lựa chọn con giống tốt, tạo được thức ăn tự nhiên, duy trì vi sinh vật có lợi, tăng cường sức đề kháng cho tôm và cuối cùng là quản lý môi trường và thức ăn thật tốt. Đối với các cơ quan quản lý, cần tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi, quy hoạch và quản lý tốt quy hoạch, các sản phẩm vật tư đầu vào, xây dựng các mô hình nuôi an toàn, hiệu quả; tổ chức lại sản xuất; tiếp tục nghiên cứu mô hình hay, hiệu quả và nhất là con giống có tính kháng bệnh; tổ chức tập huấn, đào tạo, thông tin các mô hình hiệu quả để nhân rộng. Đối với nông dân, phải tham quan học tập và mạnh dạn áp dụng các mô hình nuôi an toàn và hiệu quả; chuẩn bị đầy đủ vốn, kỹ thuật, công nghệ và sự phải có sự kiên trì, quyết tâm cao; làm từ nhỏ đến lớn; ghi chép cẩn thận để rút kinh nghiệm, chia sẻ với nhau, với nhà khoa học, với các chuyên gia; chủ động, sáng tạo, say mê…

Xuân Trường

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!