Giải pháp trợ giúp tôm thẻ

Chưa có đánh giá về bài viết

Các tỉnh ven biển ĐBSCL là vựa tôm của cả nước từ nhiều năm qua, trong đó tôm thẻ chân trắng phát triển rất mạnh. Thế nhưng, gần đây tôm thẻ chân trắng đột nhiên rớt giá liên tục, cộng với dịch bệnh xuất hiện gây thiệt hại lớn cho người nuôi. Vậy đâu là giải pháp trợ giúp tôm thẻ chân trắng trong tình hình hiện nay?


Người nuôi hy vọng giá tôm sẽ tăng trong thời gian tới Ảnh: Trần Út

Khó khăn bủa vây

Giá TTCT ở ĐBSCL những ngày qua giảm mạnh khiến hàng loạt hộ nuôi như ngồi trên lửa. Theo người dân ở huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng): “Thời điểm này những năm trước, giá bán tôm từ 100.000 đồng/kg trở lên nên ai cũng có lời, tạo không khí vụ mùa phấn khởi. Bây giờ thì ngược lại, TTCT đang rớt giá đẩy người nuôi vào cảnh từ hòa tới lỗ, khiến ai nấy đều kêu than”.

UBND xã Ngọc Tố (huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) cho biết, kinh tế chính của xã là nuôi tôm với hơn 2.100 ha tôm, trong đó người dân thả nuôi TTCT chiếm khoảng 90% diện tích; vì vậy khi TTCT giảm giá mạnh như hiện nay khiến hàng loạt hộ khốn đốn…

Tại Bạc Liêu, Bến Tre, Trà Vinh, Kiên Giang…, nhiều hộ nuôi TTCT đứng ngồi không yên vì giá quá thấp. Ông Huỳnh Phước Hải, ở xã Bình Trị, huyện Kiên Lương (Kiên Giang), bộc bạch: “Vùng này gần biển nên mỗi năm nông dân chỉ sản xuất 1 vụ lúa, những vụ còn lại đều trông vào việc nuôi tôm thẻ và con tôm là niềm hy vọng để cải thiện đời sống. Vậy mà năm nay giá tôm thẻ tệ quá, nông dân coi như trắng tay”.

Điều khiến người nuôi tôm thẻ lo lắng thêm là các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu ở ĐBSCL thu mua tôm rất ít, trong khi thương lái Trung Quốc trước đây liên tục thu gom TTCT nguyên liệu qua đường tiểu ngạch thì nay cũng “biệt tăm”; thế là một số hộ phải bán tháo bởi tâm lý sợ tôm sụt giảm nữa. Những hộ khác thì phân vân không dám thả nuôi mới vào lúc này do giá đi xuống…

Không quá phụ thuộc

Các nhà chuyên môn đã từng cảnh báo từ những năm trước khi phong trào nuôi TTCT bùng nổ ở các tỉnh ĐBSCL, hàng loạt hộ đã chuyển từ tôm sú sang nuôi TTCT; rồi có nơi đốn bỏ ruộng mía, rau màu để đào ao nuôi. Do thời gian qua TTCT phát triển “quá nóng”, trong khi hệ thống thủy lợi, điện, hạ tầng… chưa được đầu tư đồng bộ khiến việc nuôi tôm thẻ thường xuyên đối mặt với nhiều rủi ro, dịch bệnh và chi phí giá thành cao. Đây là bất lợi của con tôm nước ta khi cạnh tranh với các nước xuất khẩu tôm trên thế giới.

Ông Võ Hoàng Nguyên, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang), nhận định: “Đúng là thời gian qua TTCT giúp nhiều hộ nuôi đạt lợi nhuận tốt bởi được giá và thời gian nuôi ngắn. Song cần lưu ý TTCT cũng thường hay bị bệnh, nuôi tràn lan trong điều kiện hạ tầng, thủy lợi chưa hoàn chỉnh sẽ dễ gây ô nhiễm môi trường và giá cả cũng lên xuống thất thường. Vì vậy, trước thực trạng giá TTCT giảm mạnh thì thời gian qua huyện Vĩnh Thuận đã chủ trương phát triển 23.000 ha tôm – lúa theo hình thức luân canh giữa 3 đối tượng là “TTCT, tôm sú và tôm càng xanh” một cách hợp lý; không quá phụ thuộc vào TTCT. Đây cũng là cách để đề phòng khi TTCT rớt giá, người nuôi giảm lỗ và cũng nhằm phát triển bền vững nghề nuôi tôm”.

Tại Sóc Trăng, Bến Tre… nếu như những năm trước TTCT chiếm 80 – 90% diện tích nuôi, thì nay nhiều nơi đã giảm bớt phụ thuộc vào tôm thẻ để chuyển sang nuôi tôm sú, bởi tôm sú vẫn giữ giá tốt và ít rủi ro.

Bộ NN&PTNT cho rằng, Việt Nam rất có ưu thế về xuất khẩu tôm sú trên thế giới; do đó người nuôi có thể tập trung cho tôm sú theo mô hình sản xuất sạch, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm… nhằm phát triển bền vững.

>> Theo các chuyên gia, nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu của Việt Nam đã ký kết được các đơn hàng lớn phục vụ các dịp lễ quan trọng cuối năm nay, vì vậy dự báo giá tôm sẽ tăng trở lại trong thời gian tới, vào khoảng tháng 8 – 9/2018.

Thái Linh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!