Giải quyết tồn tại để ngành tôm phát triển

Chưa có đánh giá về bài viết

Tôm Việt Nam vẫn thuộc top đầu trên thế giới cả về nuôi trồng và xuất khẩu, tuy nhiên, giá trị mang lại của ngành chưa thực sự xứng với tiềm năng, cộng đó, sự phát triển còn thiếu bền vững.

Để tìm gốc rễ vấn đề, chúng tôi xin chia sẻ ý kiến của ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú.

Theo ông Lê Văn Quang, trong 5 năm tới, ngành tôm Việt Nam sẽ vẫn đối diện với nhiều thách thức, như: Giá tôm thế giới tiếp tục duy trì ở mức thấp; Giá thành nuôi tôm tại Việt Nam cao nhưng lại tỷ lệ nghịch với chất lượng. Hạn hán và xâm nhập mặn đã ảnh hưởng lớn đến sản lượng tôm của Việt Nam, trong khi Ấn Độ và Indonesia đang có những lợi thế vượt trội khi tìm được phương pháp nuôi tôm giá rẻ, chất lượng tốt. Chưa kể, tỷ lệ nhiễm kháng sinh và vi sinh của tôm Việt Nam vẫn chưa giảm.

Cùng đó, nội tại ngành vẫn tồn tại nhiều vấn đề. Thứ nhất về quy hoạch: Đến nay con tôm vẫn chưa có quy hoạch vùng nuôi quy mô lớn với diện tích vài trăm hoặc vài nghìn ha cho các doanh nghiệp mà chỉ là diện tích nhỏ lẻ mang tính tự phát của hộ dân. Thứ hai về cơ sở hạ tầng vùng nuôi: Hệ thống thủy lợi cho nuôi tôm rất yếu; không có kênh cấp, thoát riêng. Nhiều vùng nuôi không có nước sạch và không có các nhà máy sản xuất nước đá đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm để rửa tôm và muối ướp tôm khi thu hoạch.

giải quyết tồn tại để ngành tôm phát triển

Ngành tôm cần giải quyết nhiều vấn đề để phát triển bền vững – Ảnh: PTC

Về con giống: Việt Nam vẫn chưa có trung tâm nghiên cứu, gia hóa, chọn giống tôm bố mẹ và cũng chưa có nơi sản xuất giống bố mẹ có đặc tính sinh học tốt, vượt trội. Cách tiếp cận tôm bố mẹ và tôm giống sạch bệnh đang ngày càng bộc lộ những sai sót nghiêm trọng trong bối cảnh các thị trường nhập khẩu đang tăng cường kiểm soát kháng sinh nghiêm ngặt với mức cảnh báo thấp dần và tiến tới bằng 0.

Về công nghệ: Việc nuôi tôm mật độ 80 – 150 con/m2 như hiện nay là cách tiếp cận chưa tốt vì giá thành cao, rủi ro cao. Chỉ nên nuôi với mật độ thấp 10 – 30 con/m2 để đảm bảo cân bằng và vừa sức tải của môi trường. Chưa kể, thức ăn tôm của Việt Nam đa phần do các công ty nước ngoài sản xuất nên họ chi phối gần như toàn bộ, trong khi sản phẩm của một số nhà máy sản xuất trong nước lại chưa phù hợp và đảm bảo chất lượng.

Ngoài ra, việc cung ứng vật tư, thuốc, chế phẩm vi sinh và thức ăn qua rất nhiều tầng lớp trung gian khiến giá bị đội lên, trong khi đó việc quản lý chất lượng sản phẩm đang lại gặp khó khăn. Người nuôi tôm Việt Nam quá lạm dụng kháng sinh nên tôm thương phẩm thường bị nhiễm kháng sinh với tỷ lệ cao. Điều đáng nói nữa ở đây là trong suốt quá trình nuôi, không có cơ quan nhà nước nào kiểm tra định kỳ và giám sát cũng như kiểm tra kháng sinh trước khi thu hoạch. Để đảm bảo tôm “sạch” thì doanh nghiệp phải tự đầu tư thiết bị kiểm kháng sinh với mức chi phí rất cao, khoảng 10 tỷ đồng…

Trước những bất cập này, để đảm bảo ngành tôm phát triển bền vững, thiết nghĩ Chính phủ cần phải xác định lại vị thế ngành tôm để có sự đầu tư và quan tâm đúng mức, có chiến lược quy hoạch, đầu tư và chính sách khuyến khích phù hợp. Bên cạnh đó, cần thực hiện kiểm soát theo chuỗi giá trị có trách nhiệm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và theo sự truy xuất nguồn gốc có địa chỉ rõ ràng. Đồng thời, chỉ cấp phép hoạt động cho các trại sản xuất tôm giống, các trại nuôi tôm và các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu cũng như tiêu dùng trong nước đạt được điều này…

Linh Anh (ghi)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!